Âm nhạc đường phố (ANĐP) đang dần trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Tại Đà Nẵng, trước khi có chương trình ANĐP được tổ chức định kỳ trên hành lang phố Bạch Đằng, từng có những nhóm nhạc đường phố tự phát. Trong đó, nhóm hoạt động nổi bật nhất là nhóm của Lê Cát Trọng Lý (thời điểm 2005, khi Lý còn chưa được biết đến)...
Các nghệ sĩ CLB Thái Phiên trong đêm Âm nhạc đường phố (30-3-2012). Ảnh: Minh Trí |
Nằm trong chuỗi các hoạt động phụ trợ cho cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế - DIFC 2012, chương trình ANĐP 2012 của thành phố Đà Nẵng đã chính thức diễn ra từ tối 17-3-2012 (tại Hành lang phố Bạch Đằng - đối diện Khách sạn Sun Riverside). Với cảnh quang thoáng đãng, vỉa hè rộng rãi và những tiện ích phục vụ người dân và du khách tản bộ, ngắm cảnh, phố đi bộ Bạch Đằng là một địa điểm lý tưởng để tổ chức loại hình âm nhạc đường phố vốn thiên về tính du ca, mộc mạc và có sự tương tác cao giữa nghệ sĩ biểu diễn và khán giả.
Theo kế hoạch, từ nay đến tháng 8-2012, chương trình sẽ tiếp tục diễn ra định kỳ vào chiều tối thứ bảy tuần thứ 2 và thứ 4 hằng tháng. Có thể nói, mỗi chương trình hầu như luôn đem đến cho khán giả sự đợi chờ, bởi từng chủ đề khác nhau mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới lạ. Đó là những giai điệu sôi động của Flamenco, ngọt ngào, da diết của các nhạc cụ dân tộc hòa quyện cùng những âm giai rộn ràng, tiết tấu vui nhộn, ngọt ngào của dòng nhạc hiện đại; những môn nghệ thuật đường phố (patin, bóng đá nghệ thuật, biểu diễn cầu thủy tinh, con quay...) đầy trẻ trung, sinh động.
Tại chương trình lần thứ 2 diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, công chúng đã có dịp gặp gỡ và giao lưu cùng Chiara Minh, cô bé mang hai dòng máu Việt-Ý, hiện là HS lớp 5 Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ với 2 tiết mục: hòa tấu violon và trình bày một ca khúc bằng ngôn ngữ của quê nội (Italia). Bên cạnh đó, nhóm nhạc VN boys-Rap Hiphop Đà Nẵng qua một ca khúc đậm chất tự sự Đà Nẵng 12 giờ đêm đã đem đến cho công chúng những cảm xúc nghĩ suy của mình về Đà Nẵng quê hương, về tình bạn, về cuộc sống.
Đêm 14-4, trước khi đi vào chương trình chính của lần thứ 3, sân chơi càng trở nên mới mẻ và sôi động bởi nhiều màn hoạt náo của các bạn trẻ (biểu diễn ảo thuật, Contact Juggling, Yoyo), nhất là phần biểu diễn, thể hiện các loại nhạc cụ chỉ bằng hơi, vòm miệng, lưỡi và đôi môi của nghệ sĩ (Beatbox)....
Theo ông Hồ Văn Ánh, Giám đốc Trung tâm Tổ chức Sự kiện và Lễ hội (Sở VH-TT và DL Đà Nẵng), đây là một sân chơi cộng đồng vừa được mở ra đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của công chúng yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật. Đến nay, mỗi chương trình đều có nhiều bạn trẻ đã chủ động gặp Ban tổ chức để cổ vũ hoặc đưa ra đề nghị tha thiết đăng ký tham gia.
Một yếu tố quan trọng khác là Chương trình ANĐP không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân thành phố mà còn nhằm hướng đến việc góp phần thu hút khách du lịch. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của du khách cũng như những người yêu nghệ thuật. Nhiều người muốn có được nơi biểu diễn để thỏa đam mê, nhiều người lại muốn thử năng lực của mình trước đám đông.
Một du khách người Nhật nói với chúng tôi: “Loại hình biểu diễn âm nhạc này tôi đã gặp gỡ ở nhiều nơi châu Âu, nhưng riêng nơi đây thực sự là một sân chơi rất hồn nhiên dành cho công chúng mọi độ tuổi. Ở đây tôi thấy những người chơi nhạc không hẳn là chuyên nghiệp, nhưng họ đã chơi say sưa bằng niềm đam mê của họ. Chính điều này tạo nên sự hấp dẫn rất riêng”.
Tính đến hiện nay, theo Ban tổ chức, để có được mỗi đêm ANĐP, chương trình cần một khoảng đầu tư chừng 25 triệu đồng. Trong đó, UBND thành phố hỗ trợ khoảng 11 triệu đồng/chương trình/đêm. Số tiền còn lại Trung tâm tổ chức sự kiện và lễ hội tự xoay xở bằng các hình thức gọi tài trợ, vận động ủng hộ theo mô hình xã hội hóa hoạt động nghệ thuật. Để duy trì một sân chơi âm nhạc ngẫu hứng góp phần tôn vinh nét đẹp bờ sông Đà Nẵng, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ nhiều phía của xã hội.
TRẦN TRUNG SÁNG