.

Ẩn mình sau trang sách

.

Mỗi ngày, ông thức dậy từ 1 giờ sáng, cùng vợ lên khu lò mổ Đà Sơn giám sát nhân công giết mổ heo, cung cấp cho bạn hàng. Thời gian còn lại trong ngày ông đi thu tiền, tự làm sổ sách thu chi giúp vợ. Ít ai biết được rằng, chỉ khi ngồi trước trang giấy, ông mới thực sự sống với chính mình, với niềm đam mê học, đọc và viết.

Phạm Ngô Minh và tác phẩm Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập vừa được nhận giải thưởng sách Vàng dành cho sách hay năm 2011.
Phạm Ngô Minh và tác phẩm Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập vừa được nhận giải thưởng sách Vàng dành cho sách hay năm 2011.

Những ngày cuối năm 2011, Phạm Ngô Minh đón nhận một tin vui mới: cuốn Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập (NXB Đà Nẵng) do ông và GS Chương Thâu sưu tầm, biên soạn đã đoạt giải Vàng sách hay năm 2011 do Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng. Bộ sách dày 1.800 trang cung cấp gần 100 bài thơ, những bài văn tuyển giai đoạn 1927-1936 của Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân Hà Nội; những bài báo của cụ Huỳnh viết trong những năm 1936-1943 được các tác giả chia theo đề tài, thể loại. Người đọc từ đây đã hiểu được vai trò là nhà sử học, dịch thuật, nhà biên khảo cổ văn rất tài tình của Huỳnh Thúc Kháng.

Trong quá trình biên soạn, Phạm Ngô Minh còn trích đăng một số văn bản, tác phẩm; đưa ý kiến những người đã từng gặp, nói chuyện hay có bình luận về thơ văn của cụ Huỳnh, qua đó khẳng định và lý giải một số ý kiến chưa dứt khoát về Huỳnh Thúc Kháng. Đặc biệt, cuốn sách có phần tiểu dẫn từng vấn đề như sử học hay dịch thuật, trước khi đi vào vấn đề đó. Đây có lẽ là điểm mới và gây ấn tượng mạnh với bạn đọc, giúp người đọc hình dung, bao quát được vấn đề. Chỉ cần vài dòng giới thiệu ngắn gọn, nói những điều thật cần nói, thật rõ nét, không cần trình bày tỉ mỉ hay phẩm bình… để cho người đọc tự rút ra kết luận… Cách biên soạn này của Phạm Ngô Minh chịu ảnh hưởng của nhà nghiên cứu thư mục học Trần Văn Giáp, và rất ít người biên soạn tuyển tập văn học làm theo hướng này.

Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập là cuốn sách đầu tiên NXB Đà Nẵng đoạt giải sách Vàng - giải thưởng sách Việt Nam lần 7. Là người đóng góp rất lớn trong sưu tầm, biên soạn để làm nên cuốn sách, Phạm Ngô Minh chỉ nói rất khiêm tốn rằng công mình chỉ đóng góp một chút về giá trị học thuật, văn hóa, và cao hơn hết là tình cảm của ông đối với tiền nhân. Nhưng có thể thấy rằng, nói về sự nghiệp văn học - sử của cụ Huỳnh, những người biên soạn đã đề cập đến những vấn đề không cao siêu, cầu kỳ nhưng rất khoa học qua kết cấu chương mục.

Như ông Minh khẳng định, cuốn sách như một cách phổ biến kiến thức, cho cả những người muốn học sâu, học kỹ. Đó cũng là ý niệm đầu tiên của Phạm Ngô Minh khi nghiên cứu, biên soạn những cuốn sách đã in và sẽ ra đời của ông.

Những “bách khoa thư” sống động

Có thể không cần đọc nhiều sách, mất nhiều thời gian để tìm kiếm tài liệu, bạn vẫn có thể hiểu rõ về một vùng đất, một vấn đề… nếu bạn có trong tay một cuốn sách của Phạm Ngô Minh! Không hiểu nói như vậy có hơi quá không, bởi một số đầu sách tác giả này biên soạn đã dựa trên tiêu chí: Nội  dung mới, sâu sát vấn đề, có nguồn gốc dẫn xuất rõ ràng để người đọc không phải mất công tìm tài liệu đối chứng.

Như cuốn sách đầu tay của ông, đồng chủ biên với Trương Duy Hy Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn 1601-1919 tập trung rất nhiều tư liệu. Cuốn sách sau 12 năm ra đời đã được tái bản, tác giả viết lại một số đoạn như lập biểu, so sánh với các tỉnh, có tính tỷ lệ phần trăm theo dân số. Có thể người quê không ở Quảng Nam vẫn có thể đọc, mua sách vì có thể có tên cha ông của họ trên văn bia.

Hay khi đọc cuốn Sơn Trà: Địa lý-Văn hóa-Du lịch, bạn sẽ thấy bất ngờ với một vùng đất núi kề biển, diện tích khiêm tốn nhưng phủ dày di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Có thể bạn ở cạnh một di tích, hằng ngày nhìn thấy nó nhưng khi đọc về lịch sử di tích đó, bạn mới ồ lên ngạc nhiên vì lớp trầm tích phủ bóng lên di tích mà nếu không đọc sách, bạn làm sao nhận ra!... Những cuốn sách như “bách khoa thư”, phổ biến kiến thức đó sẽ được tác giả cho ra đời trong những năm tiếp theo. Và có thể khi hoàn thành trọn bộ, bạn sẽ hiểu được vì sao Đà Nẵng trở thành “điểm đến hấp dẫn” với du khách.

Không như nhiều nhà nghiên cứu khác sau khi khởi nghiệp thường viết báo hoặc đăng công trình nghiên cứu của mình rải rác trên báo, Phạm Ngô Minh làm một việc “dài hơi” hơn là viết luôn thành sách và hết đầu sách này đến đầu sách khác nối nhau ra đời. Khi đang tiến hành nghiên cứu, biên soạn nhiều cuốn sách đồ sộ, ông cho in tiếp những cuốn ngắn hơn về vùng đất quê hương. Có năm ông cho “ra lò” 2-3 đầu sách. Quả là một sức làm việc cần mẫn, bền bỉ, trong khi viết là “nghề tay trái” của ông. Hiện nay ông đang biên soạn tập sách về Phạm Phú Thứ. Và giữa Phạm Phú Thứ ông đang… đọc sách, nghĩ về vấn đề các con sông, ngọn núi của Việt Nam. Để có thể viết được cuốn sách này, ông sẽ đọc rất nhiều bút ký, hồi ký, ký sự, huy động một lượng kiến thức khổng lồ để viết theo dạng bách khoa thư…

Những cuốn sách ông đã, đang và sẽ viết, có thể được sưu tầm tư liệu từ cách đây 10, 20 năm. Thời gian để cho ra đời những cuốn sách, với ông, như đã chín muồi, bởi nó hội đủ các yếu tố đam mê, nghiền ngẫm, có mục đích, có phương pháp rõ ràng. Nhờ đó, những cuốn sách khi ra đời được bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Đó, như một sự khích lệ thầm lặng để Phạm Ngô Minh dấn thân đeo đuổi công việc nghiên cứu và sáng tác.

Ẩn mình và khiêm tốn

Phạm Ngô Minh gọi bà Kim Nhị, biên tập viên NXB Đà Nẵng là người đứng phía sau, khơi gợi những sở thích và hiểu biết của ông thành đam mê để ông chú tâm hơn vào việc nghiên cứu, biến thành những quả ngọt như ngày hôm nay. Bà Kim Nhị cho rằng với trí nhớ của ông, cộng với những đam mê đọc sách, sưu tầm sách, mà nếu không tận dụng thì sẽ rất phí.

Bà Kim Nhị kể, khi con gái bà đang học phổ thông, có một bài học nói về vấn đề vượn biến thành người, bà muốn tìm tài liệu cho con đã đến nhờ “chú Minh”. Ông Minh khi được hỏi, không cần mở sách, cho biết ở trang 464 cuốn Từ điển Triết học, Ăng-ghen có diễn giải vấn đề này. Năm ông học lớp 10 (trước 1975), ông đã đọc qua Mác-Ăng-ghen toàn tập (dịch từ tiếng Hán), ông nhớ cả khổ sách, màu bìa sách, trong đó có phần vượn biến thành người. Năm 1977, ông đã mua toàn bộ Mác-Ăng-ghen toàn tập dịch từ nguyên bản tiếng Đức trong đó có bài Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người… Về thơ Hồ Xuân Hương, ông sưu tầm và nhớ đến nay đã có bao nhiêu bản in, những bản đó màu gì.

Năm ông Minh học lớp 8, ông mượn sách của những người cùng xóm đang luyện thi tú tài và đọc 4 bộ giáo trình Quốc văn lớp 12 A, B, C, D; ông đọc tư tưởng Lão Trang, Nho giáo; đọc rất kỹ Nam Phong tạp chí, Tao Đàn… Đó là những năm từ 1972-1975. Mẹ ông chỉ đủ cho con tiền ăn, tiền tiêu vặt, nên ông đành bổ sung kiến thức của mình bằng cách đi mượn sách, ông đọc rất sâu truyện Tàu, cổ văn Việt Nam và hướng về tinh thần dân tộc. Đến bây giờ ông đã đọc toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không có nhiều sách để mua, ông đã học Lý luận Mác-Lênin trên đài Tiếng nói Việt Nam thông qua chương trình đọc hằng ngày.

Khi đã có tiền để thỏa đam mê sưu tầm sách, ông được tiếp cận với biển mênh mông tri thức qua sách, và sưu tầm được 10 tạp chí bách khoa xuất bản trước năm 1975, có khoảng 3.000 đầu sách có giá trị… Nhưng tác phẩm ông thích nhất là Chân trời cũ của nhà văn Hồ Dzếnh.

Mỗi ngày, ông thức dậy từ 1 giờ sáng, cùng vợ lên khu lò mổ Đà Sơn giám sát nhân công giết mổ heo, cung cấp cho bạn hàng. Thời gian còn lại trong ngày ông đi thu tiền, tự làm sổ sách thu chi giúp vợ. Người bạn đời của ông, bà Huỳnh Thị Hoa, mấy chục năm nay sát cánh kinh doanh cùng chồng, tôn trọng tuyệt đối niềm đam mê đọc sách của ông, cổ vũ chồng những lúc ông dành hết tâm trí sưu tầm, nghiên cứu. Ông bảo “tôi chỉ làm nghề kinh doanh thịt heo, không có văn bằng, chứng chỉ gì hết. Bỏ qua những mặc cảm, tự ti, cho dù không là gì, tôi vẫn là Phạm Ngô Minh”. Vâng, không là một “nhà” gì hết, ông vẫn là một Phạm Ngô Minh âm thầm, lặng lẽ giữa cuộc đời, dâng hiến cho đời những hoa thơm trái ngọt qua những gì mình được đọc, được học, được hiểu qua sách vở; và yêu quê hương, yêu mảnh đất xứ sở này bằng cách riêng của ông – viết những đầu sách “gối đầu giường” về từng vùng, từng xứ của thành phố biển. Nhà nghiên cứu Thạch Phương khi nhận xét về ông, khá kiệm lời, nhưng đầy trân trọng: “sức học, sức đọc, sức nhớ, tính tình điềm đạm, hòa giải”.

Có lẽ chừng ấy lời thôi là đủ, khi nói về một con người. Và giữa bộn bề công việc với nghề kinh doanh, khi ngồi trước trang giấy, ông thấy lòng mình như lắng lại. Đó là lúc ông thực sự sống với chính mình, với niềm đam mê học, đọc và viết

Một số tác phẩm của Phạm Ngô Minh đã in:

Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (NXB Đà Nẵng 1995; NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh tái bản 2007. Sự nghiệp Lê Thánh Tông và Lê tộc ở Quảng Nam-Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng 1994). Nhân vật họ Lê trong lịch sử Việt Nam (3 tập, NXB Đà Nẵng 2001). Đường phố Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng 2002, tái bản 2007). Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập (NXB Đà Nẵng 2010). Hải Châu: Nhân vật-Lịch sử-Địa danh (NXB Đà Nẵng 2010). Sơn Trà: Địa lý-Văn hóa-Du lịch (NXB Đà Nẵng 2011).

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.