Lần đầu tiên được xem là một trong những hoạt động phụ trợ của cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế 2012, biểu diễn bài chòi hứa hẹn mang lại những điều thú vị cho người dân Đà Nẵng nói riêng và du khách nói chung.
Hy vọng mùa pháo hoa năm nay, bài chòi sẽ là một “đặc sản” dành cho du khách. |
Đậm chất xứ Quảng
Gặp ông Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm CLB bài chòi Sông Yên thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang lúc ông cùng mọi người đang cặm cụi làm khung dựng chòi. Các bộ khung được làm cẩn thận chắc chắn. Ông cho biết, CLB muốn dựng lại không gian vui chơi xưa bằng tre, lá để người chơi thấy gần gũi, thân thuộc. Bài chòi sẽ biểu diễn ở công viên biển gần tượng mẹ Âu Cơ trong 3 ngày từ 28 đến 30-4. Phục vụ du khách ở cuộc thi lớn mang tầm quốc tế nên phải chu đáo, phải tự tay chuẩn bị chòi, âm thanh, ánh sáng mới yên tâm.
Dòng sông Yên chảy qua các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến giống như những giai điệu mượt mà, sâu lắng của thể loại bài chòi. Năm 2009, cây cầu Sông Yên được đưa vào sử dụng đã mang lại niềm vui, ấm no cho nhân dân trong vùng. Tên gọi của CLB cũng hình thành từ đó.
Dân ca bài chòi được hình thành từ lối chơi bài trên các chòi trong hội xuân ở miền Trung đặc biệt vùng
khu V. Từ chỗ chỉ là nơi hô tên các con bài, qua năm tháng cùng sự sáng tạo của các nghệ nhân đã hình thành một thể loại có thể diễn xướng ở mọi nơi. Hô bài chòi rất khó, đòi hỏi người hô phải có tài ứng biến linh hoạt, phải am hiểu văn hóa địa phương mới làm được.
Anh Lê Thế Dân, người thường tham gia hô bài chòi cho biết bộ cờ có 30 quân, lúc mới thành lập CLB, người hô phải thuộc từ 5-7 câu hô/quân là điều không dễ dàng, bên cạnh đó người hô phải tìm hiểu về văn hóa, đặc trưng của địa phương nơi sẽ diễn hội bài chòi rồi vận dụng, ứng biến vào các câu hô nhằm tạo sự sinh động, thu hút sự chú ý của người xem. Người hô phải rành các điệu hát, điệu hò quen thuộc, nhớ nhiều ca dao để người chơi thấy được cái dân dã, bình dị của quê hương mình trong trò chơi văn hóa đầy ý nghĩa này. Đến giờ, sau mấy năm hoạt động, vừa biểu diễn, vừa sưu tầm, cải biên, các thành viên trong đội đã thuộc và nhuần nhuyễn nhiều câu hô có thể hô được cả ngày.
Ông Hữu Quế cho biết thêm, đội có 3 cặp hô chính, thường xuyên được mời diễn tại các lễ hội Quán thế Âm ở Ngũ Hành Sơn, lễ hội Cầu ngư ở Thanh Khê… Lần biểu diễn này, CLB rất mong du khách sẽ được biết thêm một nét đặc trưng của xứ Quảng.
Sức hút kỳ lạ
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang chia sẻ, hát bài chòi không hề dễ, phải thực sự có tố chất, yêu dân ca, tham gia luyện tập thường xuyên mới có thể hát hay được. Đa số hội viên là thành viên đội thông tin lưu động huyện nên việc biểu diễn có nhiều thuận lợi nhưng các thành viên vẫn luyện tập đều đặn, tập thêm những câu hô mới, làm phong phú nội dung. Những câu hô mới có thể đặt viết, cũng có khi do chính anh em trong CLB tự sưu tầm, cải biên, nội dung mang đậm chất nhân văn, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, đề cao những đức tính tốt đẹp của con người, phê phán những thói hư tật xấu trong cuộc sống thường ngày.
Chính vì sự gần gũi, dân dã, dễ nghe, dễ hiểu mà số lượng người chơi bài chòi rất đông. Ông Hữu Quế nhớ lại những lần biểu diễn ở lễ hội đình làng Túy Loan, Phong Nam, hay Phước Hưng, rất nhiều người chờ đến lượt chơi, có người chơi hết hội cờ này đến hội cờ khác, không riêng gì người trẻ mà nhiều người lớn tuổi còn nhờ con cháu chở đến nơi có hội diễn để được nghe và được chơi loại hình dân ca truyền thống này. Thậm chí bản thân người hô bài chòi cũng rất mê, khi người chơi nhiệt tình hưởng ứng thì các thành viên trong CLB sẵn sàng biểu diễn phục vụ bà con.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, khách du lịch đến Đà Nẵng không chỉ xem trình diễn pháo hoa mà còn muốn thưởng thức những cái đặc trưng văn hóa vùng miền. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, nghệ thuật bài chòi rất ý nghĩa, mang đặc trưng văn hóa vùng miền rõ rệt, vì vậy, đây là cơ hội tốt để quảng bá môn nghệ thuật này với du khách trong và ngoài nước.
Đến Đà Nẵng đúng dịp bắn pháo quốc tế, anh Nguyễn Huy Phượng (Hà Nội) hào hứng “đã nghe nói nhiều đến loại hình nghệ thuật này nhưng chưa biết như thế nào, lần này nhất định phải xem tận mắt mới được”. Những năm trước đó, các hoạt động phụ trợ của cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế còn nhiều hạn chế, nên nhiều du khách chẳng biết đi đâu, làm gì. Nhiều người đến khu vực bắn pháo hoa từ buổi chiều nhưng cũng chỉ biết đội nắng đứng ở hai bên bờ sông hoặc ngồi trên cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước chờ đến giờ biểu diễn. Năm nay, cùng với nhiều hoạt động phụ trợ, hy vọng biểu diễn bài chòi sẽ mang đến cho du khách và cả những người dân Đà Nẵng những khoảnh khắc thư giãn, thú vị và ấn tượng.
THU HÀ