.

Bên dòng Hương, một đóa anh đào

.

Anh Đào là quốc hoa của Nhật Bản, tiếng Nhật là sakura. Nhưng không riêng người Nhật, người Trung Quốc cũng rất mê loài hoa ấy và gọi là 樱 桃 đọc theo âm Bắc Kinh là yingtao, theo âm Hán - Việt là anh đào.
 

Anh Đào (bìa trái) trong một hội nghị quốc tế.
Anh Đào (bìa trái) trong một hội nghị quốc tế.

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã “sáng tạo lại” hai câu  thơ chữ Hán trong bài Đề đô thành nam trang của Thôi Hộ đời nhà Đường…

Người Âu - Mỹ cũng ngày càng ưa hoa anh đào. Tôi từng nhẩn nha dạo bước bên bờ sông Potomac ở thủ đô Washington, lặng ngắm hồi lâu hàng chục nghìn cây anh đào do người Nhật gửi tặng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nở hoa bát ngát phớt hồng. Tôi cũng từng lắm phen dừng bước bên bờ giậu nhà ai ở miền quê nước Pháp, sững sờ trước vẻ đẹp thanh tao của loài hoa mà người Pháp gọi là cerise.

Có một đôi vợ chồng xứ Huế chắc hẳn còn yêu loài hoa ấy hơn tôi nhiều lắm, cho nên mới đặt tên cho cô con gái đầu lòng của mình là Hoàng Thị Anh Đào. Anh Đào chào đời năm 1989 tại Hương Văn, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.

Thuở nhỏ, em học trường làng. Đến năm 16 tuổi, em mới thi đỗ vào Lớp Chuyên văn Trường đại học Khoa học - Đại học Huế. Kể lại “sự kiện” ấy, Anh Đào khiêm tốn viết trong thiên “hồi ức” Duyên trời chi đây được chọn in vào cuốn kỷ yếu do trường xuất bản vào ngày 19-4-2012 vừa rồi, nhân kỷ niệm 55 năm Đại học Huế:

“Ngôi trường cổ kính với trùng điệp cây xanh, mà trước kia, khi còn là cô bé học sinh trung học cơ sở, ngôi trường ấy đã là một cái gì đó diệu kỳ, bí ẩn chẳng bao giờ tôi dám nghĩ mình được chạm vào nó, thấu hiểu nó! (…)

Với tôi, một người không mang sẵn trong mình năng khiếu bẩm sinh ưu việt về văn chương từ phú, thì việc rời làng quê Hương Văn vào nội thành Huế chẳng khác nào thời xưa… “sĩ tử lai kinh”! Được vào học Lớp Chuyên văn của Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, đối với tôi, như là do cái  “duyên” từ kiếp trước!

Hồi còn học trung học cơ sở, tôi khó khăn lắm mới thuộc nổi một bài thơ. Thế nhưng, thật may, đề thi tuyển sinh vào trường năm ấy lại là bài thơ mà ngày nào bố tôi cũng đọc, cũng ngâm nga, cũng phân tích: Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật”

Đây là một trong số mấy bài thơ hay nhất thời chống Mỹ, được sáng tác giữa lửa đạn chiến trường, tác giả là một chiến sĩ lái xe tải quân sự.

“Đó là bài thơ tôi thuộc nằm lòng - Anh Đào viết - như một kỷ niệm không phai mờ của tôi với bố tôi. Đọc xong đề thi, tôi viết luôn một mạch, chữ nghĩa tuôn trào như suối chảy. Thế là tôi trúng tuyển vào Lớp Chuyên văn của ngôi trường đại học mà, đối với tôi, diệu kỳ như một giấc mơ!”.

Anh Đào cùng các bạn Lớp Chuyên văn được sắp xếp vào ở nội trú tại dãy nhà E thấp nhỏ, mới được sửa chữa từ căn phòng ký túc xá sinh viên. Cô ghi lại:

“Mỗi sáng, các bạn đến lớp trực nhật, hái hoa cúc tiểu muội đem vào cắm trên bàn thầy, cô. Cô dạy văn lớp tôi rất thích hoa. Cô càng yêu những đóa hoa do chính tay các em học trò của cô hái tặng. Những ngày mưa lớn, nước sông Hương chảy tràn cả vào lớp, rồi lũ to nữa chứ, thế mà chúng tôi vẫn nhớ, vẫn thương ngôi nhà E đó, nơi hoa bằng lăng nở tím trong sân, nơi chúng tôi tụ tập đá cầu hay ngồi ôn bài dưới những vòm cây trăm tuổi trầm tư.

Thỉnh thoảng tôi lại “bí mật” núp vào một góc trong phòng thí nghiệm nấm của trường để theo dõi cây nấm vừa được ươm lên. Lúc đó, tôi chỉ mới biết thích nhìn nấm, biết yêu những nụ mầm mới nhú từ túi rơm; chứ không như giờ đây, tôi đã biết thêm đó chính là thứ nấm quý linh chi có thể chữa “bách bệnh”; lại biết trường tôi là một trung tâm nuôi cấy linh chi hàng đầu cả nước, và một phần nhờ việc đó mà bè bạn gần xa nghe vọng tiếng ngôi trường thân yêu của tôi bên sông Hương, núi Ngự”.

Bốn năm đại học trôi nhanh. Tổng kết cả khóa, Anh Đào đạt kết quả cao nhất lớp. Cô được PGS, TS Nguyễn Văn Tận, Hiệu trưởng, trực tiếp hướng dẫn viết luận văn tốt nghiệp cử nhân. Do bản luận văn xuất sắc Hoạt động thương mại Việt Nam với các nước phương Tây (thế kỷ thứ XVI - XVIII) gồm chín vạn chữ, chưa kể phụ lục, Anh Đào được đặc cách chuyển thẳng lên làm nghiên cứu sinh viết luận tiến sĩ, bỏ qua bậc thạc sĩ. Lúc bấy giờ cô mới 22 tuổi.

PGS, TS Nguyễn Văn Tận đánh giá:

“Với văn phong khoa học, lập luận chặt chẽ, cùng nguồn tư liệu mới, phong phú, luận văn ấy có thể phát triển hơn nữa để có được học vị cao hơn.”

Ông viết tiếp:

“Tôi nhận thấy Hoàng Thị Anh Đào sẽ tiến xa trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, và sẽ có nhiều đóng góp cho chuyên ngành lịch sử thế giới, Đông phương học (…). Đây là một tài năng trẻ, việc được tiếp tục chuyển tiếp nghiên cứu sinh có thể giúp Anh Đào phát huy hơn nữa năng lực của mình.”

Ông nhận xét: Anh Đào “sử dụng khá tốt tiếng Anh, tiếng Pháp và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc”.

PGS, TS Hoàng Văn Hiển, Phó Hiệu trưởng, cho biết thêm: Anh Đào “còn tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các hoạt động xã hội khác.”

Những tiên đoán của hai vị lãnh đạo nhà trường vào mùa hè năm 2011 tỏ ra xác đáng nếu ta theo dõi tiếp bước tiến của Anh Đào gần đây.

Tại cuộc Hội thảo quốc tế: So sánh phong trào “văn minh hóa” ở Việt Nam và Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh,  Anh Đào đã được thầy Nguyễn Văn Tận ủy nhiệm đọc bản báo cáo khoa học mà hai người là đồng tác giả, trong phiên họp toàn thể chiều 9-12-2011. Chỉ có 4 bản báo cáo được lựa chọn trình bày trong phiên họp toàn thể mà 2 là của các giáo sư Nhật Bản.

Và, mới đây nhất, ngay sau Festival Huế, Hội nghị thế giới các thành phố lịch sử lần thứ 13 được tổ chức tại Huế trong hai ngày 15 và 16-4-2012, Đây là lần đầu tiên một nước ở vùng Đông-Nam Á đăng cai tổ chức hội nghị này.

Liên đoàn các thành phố lịch sử hiện đã thu hút được 92 đô thị thành viên, trong đó có những đô thị rất nổi tiếng như Tây An (tên cũ là Tràng An), cố đô Trung Quốc đời Hán - Đường, đẹp lộng lẫy vàng son như trong câu thơ Đỗ Mục, nhà thơ lỗi lạc thời Vãn Đường “Tràng An hồi vọng tú thành đôi/ Sơn đính thiên môn thứ đệ khai” (Ngoảnh lại Tràng An tựa gấm thêu/ Đầu non nghìn cửa mở liền nhau).

Rồi Kyoto, cố đô Nhật Bản từ năm 974 cho đến thời kỳ duy tân Minh Trị Thiên hoàng. Và Baghdad (Iraq), điểm dừng của Con đường Tơ lụa thời Trung đại.  Thêm Thành Đô, còn có tên là Cẩm Thành (đô thành dệt gấm), nơi “dung thân” của Lưu Bị, Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, hiện còn giữ được  Thảo đường của Đại thi hào Đỗ Phủ. Và cả Dương Châu, thành phố đã đi vào câu thơ của Đại thi hào Lý Bạch mà bạn trẻ nào cũng thuộc vì đã được đưa vào sách giáo khoa bậc THPT ở nước ta “Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu/ Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” (Bạn rời lầu Hạc lên đường/ Giữa mùa hoa khói châu Dương xuôi dòng)…

Rồi Bursa, cái nôi của nhiều nền văn minh cổ đại ở Thổ Nhĩ Kỳ như văn minh Ottoman; theo khảo cổ học và sử học, thì thành phố ấy đã hình thành cách nay 8.500 năm! Rồi nữa Gyeongju-do (tên chữ Hán là Kinh Kỳ đạo), thủ đô nghìn năm của triều đại Silla ở Hàn Quốc, Di sản Văn hóa thế giới, mà người khách lãng du đơn độc là tôi - một mình sang Hàn Quốc năm 2007, dự hội nghị quốc tế vật lý năng lượng cao - đã từng dừng chân vào một buổi chiều thu muộn, quạnh ngắm rừng phong trút lá đỏ rào rào,..
Dự Hội nghị các thành phố lịch sử, nghe báo cáo của các thị trưởng và các chuyên gia, trò chuyện bên lề với những nhà thông thái, Anh Đào lĩnh hội được bao điều bổ ích, có lẽ còn hơn cả năm ngồi lì trong thư viện đọc sách “chay”!

Cô còn cùng hai bạn Phan Thị Anh Thư (cũng là một nghiên cứu sinh giỏi) và Hoàng Thị Thúy (sinh viên khoa lịch sử) viết chung một bản báo cáo khoa học nhan đề Nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường ở các điểm di tích qua cách nhìn của thanh niên dài gần bốn nghìn từ. Thay mặt các bạn, Anh Đào, nhà Đông phương học 23 tuổi, tự tin trình bày bản báo cáo ấy trong phiên họp chiều 16-4-2012, trước các vị khách đến từ 26 nước và vùng lãnh thổ. Cô cũng được ủy nhiệm đọc bằng tiếng Anh bản Tuyên bố Thanh niên của Hội nghị thế giới lần thứ 13 các thành phố lịch sử.

“Huế là một áng thơ kiệt tác về kiến trúc đô thị” - lời đánh giá ấy của ngài M’Bow, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, khích lệ Anh Đào cùng các bạn viết bản báo cáo, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của giới trẻ trong việc bảo vệ quần thể di tích vô giá chốn cố đô.

Hội nghị được tổ chức tại khách sạn Sài Gòn - Morin bên bờ Hương Giang, ngay đầu cầu Tràng Tiền, trên con đường vào Đà Nẵng. Má lúm đồng tiền, nước da giòn nắng, đôi mắt long lanh, hàm răng trắng đẹp, mảnh mai trong tấm áo dài lụa vân hoa màu sáng, cô nghiên cứu sinh 23 tuổi ấy trông như một đóa anh đào thanh tao hé nở bên dòng Hương đang mải miết chảy ngoài kia…

Chỉ mới hé nở, hàm tiếu thôi, vào lúc trời còn mù sương! Hãy bền lòng chờ đợi, cho đến “mai mốt rạng đông”, khi đóa anh đào ấy bừng nở mãn khai…  

Bút ký  HÀM CHÂU

;
.
.
.
.
.