.

Cảm xúc tháng Tư

.

Với chủ đề “Hướng về biển đảo quê hương”,  sau 10 ngày Trại sáng tác và giao lưu mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, do Hội Mỹ thuật Đà Nẵng và Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, chiều 22-4, Ban tổ chức Trại đã khai mạc triển lãm báo cáo kết quả lao động sáng tạo của các họa sĩ tại Trung tâm quản lý di sản 78 Lê Duẩn-Đà Nẵng.

Lâm Nhựt Thanh với Đất Cảng.
Lâm Nhựt Thanh với Đất Cảng.

Mặc dù Trại sáng tác diễn ra trong một thời gian ngắn, song với những ghi chép đầy cảm xúc qua những chuyến đi thực tế tại các điểm văn hóa, thắng cảnh ở Đà Nẵng, Quảng Nam, các họa sĩ đã đem đến triển lãm gần 40 tác phẩm (sơn dầu acrylic, bột màu, sơn mài, pastel, lụa) mang hơi thở rạo rực đầy sức sống của mảnh đất và con người đất Quảng trong những ngày tháng tư rộn ràng nắng ấm.

Nhóm họa sĩ TP. Hồ Chí Minh, có không ít người lần đầu đặt chân đến Đà Nẵng, nên với họ, mỗi một góc phố, con đường, dòng sông, biển cả... được thể hiện qua cái nhìn thật hồn nhiên và mới lạ. Đó là các tác phẩm Đất cảng (Lâm Nhựt Thanh), Thuyền và biển (Nguyễn Văn Đoàn), Sài Gòn - Đà Nẵng (Phan Hoài Vũ), Góc phố (Bùi Hải Châu), Những đám mây di sản (Phạm Huy Hoàng) và Quà của biển (Phạm Tuấn Cường).

Những pho tượng, những di sản văn hóa Chămpa cũng đã tạo được ấn tượng khá đặc biệt các họa sĩ phương Nam. Có thể gặp gỡ điều này ở Visnu, Người (Lã Huy), Mỹ Sơn (Nguyễn Dũng An Hòa), Apsara (Võ Duy Đôn)  Đá Non Nước (Phan Đình Phúc)… Ngoài ra, qua triển lãm lần này, công chúng Đà Nẵng cũng có dịp tiếp cận những sáng tác thể nghiệm, đầy cá tính của các tác giả Lê Kinh Tài, Kim Chi.

Phạm Huy Hoàng với Những đám mây di sản.
Phạm Huy Hoàng với Những đám mây di sản.

Nhóm họa sĩ chủ nhà Đà Nẵng tham gia Trại lần này đã mang đến triển lãm các tác phẩm đậm những cảm xúc tươi mới. Với Đà Nẵng tháng 3, (Nguyễn Tường Vinh) gợi nhớ khí thế hừng hực của thành phố những ngày đầu giải phóng. Hội An trong tôi, cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn  của Nguyễn Trọng Dũng là những ghi chép sống động, nên thơ về những hình ảnh mới nhất của một miền đất đang thay đổi từng ngày. Dưới chân Sơn Trà, Trên đỉnh Sơn Trà thể hiện một cái nhìn thật chân chất, ngọt ngào về quê nhà của Nguyễn Trung Kỳ. Nắng quê (Trần Nhơn),  Viện Cổ Chàm - Mùa lá rụng (Hồ Đình Nam Kha), Mỹ Sơn (Nguyễn Duy Hối),  Hoa Nắng, Ấn tượng Mỹ Sơn (Trần Thị Cúc) cũng đã đem lại những góc nhìn mới mẻ về những cảnh và người vốn rất thân thuộc.

Họa sĩ Nam Anh, Trưởng đoàn họa sĩ TP. Hồ Chí Minh  bày tỏ: “Điều thú vị nhất của chúng tôi là nơi đây, bên cạnh một thành phố năng động phát triển theo nhịp sống hiện đại, còn là vùng đất ẩn chứa nhiều tầng lớp văn hóa, đa dạng... Do vậy, mặc dù thời gian khá hạn chế, nhưng tất cả anh em họa sĩ trong đoàn đều cảm thấy rất háo hức, ai cũng thấy cần phải lưu lại một kỷ niệm nào đó trong tác phẩm mình về thành phố đáng yêu này”.

Nhà thơ Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Sự thành công của trại sáng tác lần này, không chỉ mang ý nghĩa về công tác tổ chức, mà còn mở ra một bước tiếp cận, giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa hai thành phố ngày một gần gũi hơn trong thời gian đến”.
Triển lãm sẽ tiếp tục kéo dài đến 2-5, nhằm phục vụ công chúng Đà Nẵng trong dịp chào mừng cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2012 và kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng  miền Nam, thống nhất đất nước.

PHƯƠNG MAI
 

;
.
.
.
.
.