Nếu như trước đây những người có trình độ học vấn cao ở những nước đang phát triển di cư sang Mỹ hay châu Âu, người ta gọi là “chảy máu chất xám”. Giờ đây, có dòng chảy ngược lại khi những người được đào tạo bài bản ở Mỹ quay trở về quê hương tìm kiếm cơ hội việc làm.
Kapadia làm việc tại Mumbai. |
Samir N. Kapadia từng có thời gian thực tập tại Lầu Năm góc, sau đó có việc làm ổn định tại công ty tư vấn nhưng chàng trai 25 tuổi này cảm thấy cuộc sống ở Mỹ vẫn nhàm chán. Ngược lại, bạn bè và người thân của anh ở Ấn Độ cho biết cuộc sống ở đất mẹ rất vui thú với những công việc mới mẻ như kinh doanh điện tử, công ty quan hệ công chúng, hoạt động web... Chính vì thế, Kapadia quyết định xin nghỉ việc để trở về Mumbai tìm kiếm cơ hội việc làm. Kapadia làm việc cho một công ty tư vấn xuất cảnh mà theo chính anh thừa nhận là rất phù hợp!
Assayag, 29 tuổi, sinh ra ở Rio de Janeiro (Brazil) nhưng lớn lên ở Nam Florida (Mỹ) đã trở về Brazil năm ngoái. Anh tốt nghiệp đại học Harvard nhưng lại không thành công tại Mỹ. Anh trở về Sao Paulo lập nghiệp bằng nghề kinh doanh mắt kính qua mạng. Assayag cho biết ưu điểm giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát, hiểu biết về văn hóa cả hai nước Mỹ - Brazil và biết phương cách kinh doanh của người bản xứ nên công việc diễn ra khá thuận lợi. Calvin Chin sinh ra ở Michigan, học công nghệ thông tin nhưng đã chọn trở về đất mẹ Trung Quốc để lập nghiệp. Chin tổ chức dịch vụ cho vay qua mạng Internet dành cho sinh viên.
Ở Mỹ đang có xu hướng những người nhập cư và trước đây có được trình độ học vấn cao đang tính chuyện hồi hương. Các doanh nghiệp Mỹ luôn tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài và sẽ thuận lợi hơn khi những người tìm kiếm cơ hội đó lại là người Mỹ trở về với quê hương của mình. Các chuyên gia về di cư nhận định có cuộc chạy toàn cầu của những người có học vấn cao từ Mỹ quay trở về quê hương, nhất là bốn nước Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nga. Chính phủ Mỹ không thống kê số lượng trẻ em sinh ra từ những người nhập cư hoặc những đứa trẻ di cư sang Mỹ cùng cha mẹ. Chính phủ Ấn Độ xác nhận đang có làn sóng người Mỹ gốc Ấn quay về nước trong vài năm gần đây. Chỉ riêng năm 2010 đã có gần 100 nghìn người. Ngoài tâm lý “chán” đất Mỹ, những người có nguồn gốc di cư nhận được chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của chính phủ nhiều nước bằng đủ hình thức việc làm, đầu tư, thuế...
THẠNH BẢO