.
Chuyện xưa xứ Quảng

Sinh Lê tử Nguyễn

.

Làng An Hải xưa có dũng tướng nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu từng làm quân chúa Nguyễn điêu đứng bao phen, để rồi khi gia đình ông bị vua Gia Long hành hình, người trong gia tộc ông phải cải họ từ Trần sang Nguyễn, hình thành tập tục “sinh Nguyễn tử Trần”. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ở Điện Bàn xưa cũng có tập tục “sinh Lê tử Nguyễn” với câu chuyện ly kỳ không kém.

Các ông Nguyễn Phước Hùng (trái), Lê Văn Khóa đọc lại Gia phả tộc Nguyễn làng Uất Lũy và trang gia phả chép chuyện ông tổ 5 đời của hai ông là Nguyễn Phước Thu cải họ. (Ảnh: V.T.L)
Các ông Nguyễn Phước Hùng (trái), Lê Văn Khóa đọc lại Gia phả tộc Nguyễn làng Uất Lũy và trang gia phả chép chuyện ông tổ 5 đời của hai ông là Nguyễn Phước Thu cải họ. (Ảnh: V.T.L)

Khi hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu (Hường Hiệu) lập căn cứ Tân tỉnh ở thung lũng Trung Lộc, huyện Quế Sơn (nay thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) thì ở làng Hương Quế trong huyện có chàng trai Nguyễn Phước Thu (còn gọi là Theo) ra đầu quân, sau một thời gian được phong chức Đội trưởng hộ vệ. Sau khi Hường Hiệu bị quân Pháp và Nam triều bắt xử trảm, bêu đầu ở Bến Thuế, Vĩnh Điện, nghĩa hội tan rã, nghĩa binh tản mác khắp nơi, mai danh ẩn tích để tránh sự truy nã của Nam triều.

Phước Thu đang lo chưa biết về đâu thì sực nhớ mình có người chị ruột tên là Nguyễn Thị Kiếm về làm dâu ở Vĩnh Điện, bèn cải trang đương đêm đi trốn. Chuyện này được chép trong lời Tựa của Gia phả tộc Nguyễn Phước làng Uất Lũy (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) bản lập ngày 12-4 năm Quý Dậu (1993), nguyên văn bằng chữ Hán như sau:

“Hàm Nghi nguyên niên, Ất Dậu. Nguyễn Phước Thu (tức Theo), Nguyễn Phước Viết chi tử, tùng sự văn thân Nghĩa hội kháng Pháp lang. Cần vương bất thành, văn thân tứ tán, mai danh ẩn tích, trú Bình An (Uất Lũy Đông), thú Lê tộc chi nữ Thị Diêu, sanh hạ tử tôn ư thử địa”. (Tạm dịch: Năm Hàm Nghi thứ nhất, Ất Dậu (1884 - NV). Nguyễn Phước Thu (tức Theo), con của Nguyễn Phước Viết, theo Nghĩa hội của sĩ phu trí thức chống giặc Pháp. Phong trào Cần vương không thành, sĩ phu tan rã, (Phước Thu) chôn giấu tên tuổi, trú ở Bình An (Uất Lũy Đông), cưới con gái tộc Lê là Thị Diêu, sinh con cháu tại đất này).

Phước Thu trốn trong nhà người chị, lấy vợ và ở rể nhà một người tộc Lê tại đây như gia phả đã ghi. Lúc đó, tộc Lê là tộc lớn, có quyền thế ở địa phương, khuyên ông vô dân nhập cư, đổi Nguyễn thành Lê, bởi để họ Nguyễn dễ lộ thân thế. Ông nghe theo, đổi tên thành Lê Theo, vì thế, gia phả phần ông và con cháu đều chú thêm là “Sinh Lê, tử Nguyễn”.

Ông sinh được một người con trai, người này sinh ra 3 người con trai nữa. Con trưởng là ông nội ông Lê Văn Khóa, hiện ở làng Uất Lũy. Con thứ là cha ông Lê Lâm, đã mất. Con út là cha của đại tá quân đội về hưu Lê Đạm Thủy, hiện sống ở Hà Nội. Các ông Khóa, Lâm, Thủy là 3 trong 6 người từng bị thực dân Pháp truy nã.

Nguyên lúc đó, ông Lê Lâm nổi tiếng là người đánh Pháp đầy gan dạ, mưu lược. Phong trào kháng Pháp ở Uất Lũy bùng phát mạnh mẽ, gây nhiều thiệt hại cho địch, đến nỗi Pháp phải đưa ra cái “Avis de recherche” (thông báo tìm kiếm, lệnh truy nã), trong đó nêu tên 6 người là Kiệu, Lang, Sáng, Khóa, Lâm, Thủy. Lúc đó, ông Khóa là trưởng ban tự vệ chiến đấu xã; ông Lâm là tiểu đội trưởng tự vệ chiến đấu thôn; ông Thủy là ủy viên chính trị ban tự vệ chiến đấu xã. Ba người cháu cùng một ông tổ được thực dân Pháp “vinh danh” như thế, kể cũng hiếm.

Ông Lâm bị Pháp truy nã gắt gao, lệnh rằng bắt được là giết, mới đổi tên thành Nguyễn Tấn Minh. Cũng chỉ là Nguyễn Tấn thôi, chứ không dám lấy lại họ chính là Nguyễn Phước, sợ bị lộ thân thế. Riêng các con ông thì vẫn giữ nguyên họ Lê.

Ông Nguyễn Tấn Minh, gần 20 năm trước, khi đang là Chủ tịch huyện Điện Bàn, trước khi lập lại gia phả, đã từng họp gia tộc làm văn bản gửi lên tỉnh để cải họ Lê trở lại họ Nguyễn Phước, nhưng việc không thành. Bởi lẽ, một số người đương chức mà đổi họ thì e ảnh hưởng đến các mối quan hệ công tác của mình. Như ông Lê Văn Sơn, con ông Minh, từng đi học ở nước ngoài, văn bằng chứng chỉ của ông đều ghi họ Lê, nếu đổi lại họ Nguyễn thì rất khó cho tổ chức nhân sự ở cơ quan. Ông Sơn là PGS.TS, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.

Riêng em ruột ông Sơn là Lê Văn Hùng thì may mắn được lấy lại họ Nguyễn. Từ nhỏ Hùng đã được răn dạy là mình gốc họ Nguyễn, nhiều lần về viếng hương mộ các vị tiền nhân tộc Nguyễn Phước ở làng Hương Quế, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn. Khi thống nhất đất nước, ông là thành viên Ủy ban Quân quản xã Điện Minh nên đổi ngay tên thành Nguyễn Phước Hùng khi làm chứng minh nhân dân. Hiện nay, ông Hùng là Giám đốc Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.

Việc cải họ không thành, các vị đành phải ghi vào bản gia phả lập năm 1993: “Những người trước tham gia phong trào Nghĩa hội bị tước tôn tịch phải đổi sang họ mẹ (như sinh Lê tử Nguyễn)... Nay chúng tôi chép vào phả vẫn giữ nguyên họ Nguyễn Phước, số người trước đổi sang họ Lê, nay đổi lại đúng họ Nguyễn Phước”.

Chuyện “sinh Lê tử Nguyễn” kéo dài qua mấy thế hệ, gây không ít khó khăn cho con cháu, nhất là khi sinh hoạt họ tộc, nhận ra huyết thống. Anh em ruột như ông Sơn, ông Hùng mà kẻ Lê người Nguyễn thì chuyện lạ lùng này trên đời này e chỉ có một. Những người “sinh Lê tử Nguyễn” luôn tha thiết được một vị ân nhân nào đó biết rõ quy định của luật pháp hiện hành để tư vấn, giúp đỡ ngõ hầu tất cả con cháu đều được sớm tìm về cội nguồn gia tộc, gốc tích xưa để không hổ thẹn với tiên tổ.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.