.
Chuyện xưa xứ Quảng

Xe nước Lục Bắc

.

Một thời, ở Lục Bắc thuộc vùng Lục Châu Hà Dục xưa (nay thuộc các xã Đại Lãnh, Đại Hưng… huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) có đến không dưới 40 chiếc xe nước (người địa phương còn gọi là xe gió).

Xe nước đã trở thành hình ảnh “quý hiếm” trên đất Đại Lộc.
Xe nước đã trở thành hình ảnh “quý hiếm” trên đất Đại Lộc.

Thời trước, nghề nông ở Lục Châu Hà Dục chủ yếu nhờ nước trời, năng suất bấp bênh; được mùa, mỗi sào chỉ mươi ang lúa; mất mùa thì chỉ còn vài ba ang. Trước thực trạng ấy, có thể nói, sự xuất hiện của xe nước, một loại xe hoàn toàn làm bằng thủ công, có khả năng đưa nước từ dưới sông, dưới suối lên đồng ruộng, là một cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp thời bấy giờ.

Và, người có công đưa xe nước về Lục Bắc là ông Quách Đại Thụ. Tương truyền, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một lần ông tình cờ phát hiện ở vùng hạ lưu sông Vu Gia có mấy chiếc xe nước. Thấy hay quá, ông mới lặn lội đến làng Thanh Đơn, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, rước ông Hứa Thiệu và ông Hương Lưỡng về làng Hà Dục Tây, làm xe nước lấy nước tưới ruộng của mình và ruộng bà con gần đó.

Hai ông Hứa Thiệu và Hương Lưỡng đứng ra nhận thầu, rồi kêu thợ, chủ yếu thanh niên trai tráng trong làng, những người có sức khỏe, lên rừng đốn gỗ, chặt tre, bứt mây... Các ông vừa hướng dẫn, vừa trực tiếp làm xe nước. Ngay mùa đầu tiên, nhờ có xe nước, năng suất lúa tăng lên gấp hai, gấp ba lần so với trước.
Thế là một đồn mười, mười dồn trăm, đến mùa sau, những hộ có khả năng, tiền của thi nhau làm xe nước. Thời kỳ cao điểm, cả vùng Đại Lãnh có không dưới ba, bốn chục xe nước các loại. Xe nước đặt ở sông cái, loại to nhất có 8 bánh, thông thường 4 bánh, hay 3 bánh. Xe nước ở sông con chủ yếu 2 bánh. Xe nước đặt ở các khe, suối, đường kính nhỏ, chỉ một bánh. Xe nước khi làm xong là nước “trường lưu”, lúc nào cũng có nước đổ vào đồng ruộng.

Thợ cả, thợ phụ làm xong, nhận một cục tiền coi như... xong nhiệm vụ, hoàn tất hợp đồng. Công làm xe nước tính theo lúa. Xe nhỏ khoán vài chục ang. Xe lớn có khi khoán cả trăm ang. Ngoài lúa, còn có tiền mặt, ít nhiều tùy theo thỏa thuận của hai bên.

Sau khi hoàn thành, chạy thử, đạt yêu cầu, chủ xe nước trả tiền theo hợp đồng rồi phải thuê hai người: một người giữ xe và người kia làm tri đề. Người giữ xe có nhiệm vụ hằng ngày phải chăm sóc xe. Mùa lụt lội, phải tính nếu lụt lớn, phải báo với chủ kêu thêm người tháo xe ra, đem cất vào chỗ cao. Hết lụt, tiến hành lắp xe lại. Riêng anh tri đề có nhiệm vụ bảo dưỡng kênh mương, đưa nước vào từng đám ruộng.

Về dân, ai lấy nước từ xe nào, đến mùa, phải trả lúa cho chủ xe nước đó theo tỷ lệ “tam - thất”, bên ba bên bảy. Hễ thu hoạch đám ruộng nào, thợ gặt xếp từng bó lên bờ. Xong xuôi, chủ điền và chủ xe nước đều có mặt, cứ 10 bó thì chủ điền cắt ra 3 bó cho chủ xe. Trong tổng số lúa thu được, chủ xe phải chi nhiều thứ, nhiều nhất là chi cho việc bảo dưỡng, khấu hao xe (mua vật liệu thay thế những bộ phận hư hỏng); chi 10% cho người giữ xe và 5% cho anh tri đề; còn lại là phần mình. Thu nhập nhiều hay ít tùy vào chiếc xe ấy có mấy bánh, to hay nhỏ, tưới được bao nhiêu thửa ruộng.

Ông Quách Đại Thụ là chủ xe nước đầu tiên ở vùng Lục Bắc và cũng là người có nhiều xe nước nhất nơi này hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Kế đến là con ông, ông Quách Thái. Họ cũng là những gia đình giàu nức tiếng vùng Hà Dục xưa. Sau gia đình họ Quách, Lục Bắc cũng xuất hiện hàng chục chủ xe nước như ông Xã Thao, ông Cửu Thoan, ông Hội Lầu, ông Hội Thơ, ông Cửu Phiếu, ông Hương Nha và cả ông... Hứa Thiệu, nguyên là thợ cả chế tạo xe nước đầu tiên ở Lục Bắc.

Đặc biệt, ông Hứa Thiệu làm xe nước, chủ xe nước và cũng là người... chết vì xe nước. Nguyên năm ấy, có xảy ra trận lụt khá lớn. Do chủ quan, xe nước chưa tháo kịp nên bị nước lũ cuốn trôi. Tiếc của, ông bơi ghe, xuôi theo sông Vu Gia, xem thử xe nước tấp chỗ nào. Không ngờ, nước chảy xiết, ghe bị lật, ông trôi theo dòng nước. Người ta bảo, có khi ông... sinh nghề tử nghiệp.

Có một câu chuyện người dân vùng Hà Dục nhớ mãi là hồi kháng chiến chống Mỹ, phát hiện chiếc xe nước không động cơ nhưng cứ chạy bất kể ngày đêm, đưa nước lên đồng ruộng, lính Mỹ thấy lạ quá, kéo nhau đem máy ảnh lên chụp. Đó cũng là thời kỳ xe nước bắt đầu “thoái trào”, trước khi bị thay thế hẳn bằng máy nước.

Nhưng rồi, sau ngày thống nhất đất nước, xe nước lại “hồi sinh” khi các hợp tác xã nông nghiệp chủ trương làm lại nó để vượt qua khó khăn chung. Đến nay thì máy bơm đã hoàn toàn thay thế xe nước. Tuy nhiên, ở một số thửa ruộng mà các công trình thủy lợi không thể vươn đến, người dân vẫn tiếp tục dùng xe nước, chủ yếu là loại xe một bánh, nhỏ, còn gọi là xe khe, xe suối, chủ yếu đưa nước dưới các khe, suối lên tưới đôi ba sào ruộng. Có thể nói, đó là những chiếc xe nước cuối cùng còn sót lại trên vùng đất nổi tiếng với những chiếc xe nước đã đi vào lịch sử này!

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT
 

;
.
.
.
.
.