.

Điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản

.

Những năm gần đây, TP. Đà Nẵng luôn coi trọng việc mở rộng các quan hệ hợp tác với các nước  nhằm đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ trương này là cơ hội cho các nhà đầu tư vào Đà Nẵng làm ăn, trong đó phải kể đến các DN Nhật Bản.

Quan tâm đến đời sống công nhân cũng là một yếu tố đánh giá thành công của doanh nghiệp.  TRONG ẢNH: Công nhân Công ty Foster trong bữa ăn chiều.
Quan tâm đến đời sống công nhân cũng là một yếu tố đánh giá thành công của doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty Foster trong bữa ăn chiều.

Nắm bắt nhu cầu, chuyển hướng kinh doanh

Là một trong 6 DN Nhật Bản đầu tư có hiệu quả tại Đà Nẵng, năm 2006, Công ty Hợp - Hữu Nhật Việt (Daiku) đến Đà Nẵng với mục đích thuê đất tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh làm xưởng sản xuất (SX) máy bắn tia laser chuyên dùng trong xây dựng. Nhưng khi đi vào hoạt động (2008) công ty gặp nhiều khó khăn do phải nhập nguyên vật liệu từ nước khác, cộng với đơn đặt hàng không thường xuyên nên công ty đã chuyển hướng kinh doanh.

Ông Nishiyama Atsumi, Tổng Giám đốc công ty cho biết, ban đầu ông có nhu cầu thuê những nhà xưởng nhỏ, có diện tích khoảng 1.000 - 2.000m2 để SX nhưng không có đất tại các KCN. Nhận thấy nhiều DN cũng có nhu cầu nên ông đã nảy sinh ý tưởng và bắt tay vào việc xây dựng nhà xưởng, trang bị cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như cây xanh, đường sá, máy phát điện dự phòng để bảo đảm phát điện 24/24 giờ. Hiện Daiku có 7 nhà xưởng, có khu văn phòng riêng, căng tin rộng rãi, thoáng mát cho các DN khác thuê lại. Ngoài ra, khu văn phòng cũng được các công ty lựa chọn làm văn phòng giao dịch.

Mặc dù đã có cơ sở chính tại KCN Hòa Cầm, nhưng Công ty TNHH điện tử Foster (100% vốn đầu tư của Nhật) vẫn quyết định thuê nhà xưởng của Daiku tại KCN Hòa Khánh. Theo ông Nguyễn Quan Hoàng, Tổng Giám đốc công ty, việc chọn thuê 2 nhà xưởng này sẽ rút ngắn được thời gian, không phải xây dựng, tiết kiệm được khoản đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhà xưởng kiên cố nên DN yên tâm đi vào SX. Cùng với cơ sở SX tại KCN Hòa Cầm, 2 nhà xưởng này giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động trong và ngoài thành phố.
Nói về công việc làm ăn của mình, ông Nishiyama Atsumi rất hài lòng bởi Đà Nẵng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc làm thủ tục cấp phép trong thời gian ngắn mà còn có nhiều lợi thế về sân bay quốc tế, cảng biển để các DN khác đầu tư, vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, lợi nhuận của công ty tăng đáng kể, công ty đang tiến hành xây dựng thêm 3 nhà xưởng, mỗi nhà xưởng 1.500m2.

Tuy nhiên, khi đánh giá hiệu quả làm ăn của DN, không chỉ căn cứ vào sản lượng, doanh thu hằng năm, mà còn phải căn cứ vào đời sống của công nhân, điều kiện làm việc của lao động. Các DN Nhật đầu tư vào Đà Nẵng luôn có những chính sách bảo đảm và hỗ trợ đời sống cho công nhân, bảo đảm bữa ăn trưa an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng, có phòng y tế khám và phát thuốc miễn phí, thậm chí, hỗ trợ tiền nhà, tiền đi lại cho công nhân ở xa...

Nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, cây xanh bảo đảm giúp các  DN yên tâm sản xuất.
Nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, cây xanh bảo đảm giúp các DN yên tâm sản xuất.

Mở rộng doanh nghiệp hỗ trợ

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Atsumi, nhiều DN Nhật Bản muốn vào Đà Nẵng, nhưng để duy trì hoạt động SX không dễ, vì cứ 100 DN của Nhật thì có tới 90 đơn vị SX linh kiện phục vụ cho công nghiệp lắp ráp. Hiện Việt Nam đang rất thiếu các DN phụ trợ. Do không có DN sản xuất những linh kiện nhỏ cung cấp, DN phải nhập từ nước khác về là trở ngại lớn. Vì vậy, những DN hoạt động hiệu quả không nhiều. Một số DN khác phải đóng cửa vì giá nhân công cao, nguyên liệu phải nhập từ các nước khác, giá thành sản phẩm cao hơn các sản phẩm khác, khó tiêu thụ.

Mới đây, Công ty Morito có xây dựng 9 nhà xưởng trên diện tích 25.000m2 ở KCN Hòa Khánh. Trước khi đầu tư xây dựng, họ đã có kế hoạch liên kết mở các doanh nghiệp vệ tinh chuyên sản xuất linh kiện cùng tạo ra một sản phẩm hoàn thiện, giống như một dây chuyền khép kín. Với mô hình này nhà đầu tư sẽ yên tâm thuê lâu dài, vì đầu ra có đơn vị khác đón nhận.

Các nhà quản lý nhận xét, người Nhật rất cẩn trọng, kỹ lưỡng khi lựa chọn đầu tư, nhưng khi họ đã chấp nhận vào các khu CN, quá trình triển khai dự án rất ngắn, sớm mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, mặc dù quỹ đất tại các KCN hiện còn ít, nhưng BQL đã chỉ đạo các công ty, ưu tiên dành một quỹ đất để thu hút các dự án của Nhật Bản, trong đó ưu tiên kêu gọi, thu hút các dự án của các tập đoàn lớn cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản nhưng có công nghệ cao, sử dụng đất có hiệu quả, nhất là ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo Ban quản lý các KCN Đà Nẵng, hiện 6 KCN của thành phố đã thu hút được 264 DN trong nước với số vốn đăng ký 19.234,6 tỷ VND, cùng với 70 DN nước ngoài, các DN đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, giải quyết cho hơn 65.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.