.

Điện chiếu sáng công cộng: Tiết kiệm mà vẫn sáng

.

Với những thiết bị nguồn điều chỉnh quang thông tự động cộng với các giải pháp cụ thể, thiết thực về sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng của TP. Đà Nẵng tiết kiệm được đáng kể điện năng mỗi đêm.

Sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Với 80 bộ đèn LED, công suất thấp, tiết kiệm điện năng, cầu Thuận Phước vẫn đảm bảo độ sáng
Với 80 bộ đèn LED, công suất thấp, tiết kiệm điện năng, cầu Thuận Phước vẫn đảm bảo độ sáng.

Nhiều năm qua, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng rất chú trọng nghiên cứu và ứng dụng để tìm ra những giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Kỹ sư Phạm Tài, Giám đốc công ty cho biết, được áp dụng phổ biến là phương pháp lắp đặt rơle thời gian trong các tủ điện chiếu sáng để điều chỉnh thời gian đóng, ngắt tiết kiệm điện năng. Cụ thể, tắt ngắt quãng một số bóng đèn trên đường vào thời gian thấp điểm có thể theo 2 chế độ: từ 18 giờ - 23 giờ (2 đèn sáng, 1 đèn tắt); từ 23 giờ - 5 giờ sáng hôm sau (1 đèn sáng, 2 đèn tắt). Hoặc có những tủ điện theo 3 chế độ: Tất cả các đèn đều sáng từ 18 giờ 30 - 23 giờ; từ sau 23 giờ - 1 giờ ngắt 1/3 số lượng đèn; từ 1 giờ đến 5 giờ cắt 2/3 số lượng đèn.

Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này có thể tiết kiệm năng lượng điện nhưng chỉ là giải pháp tình thế vì vẫn có những hạn chế, bất cập nhất định. Mỗi trụ đèn cách nhau khoảng 30 - 35m, nếu tắt 2 bóng đèn liên tiếp thì đến 90 - 100m mới có một cột đèn sáng, điều này ảnh hưởng không ít tới an ninh khu vực, mỹ quan đường phố. Đặc biệt là người tham gia giao thông sẽ mất an toàn khi đi từ vùng sáng sang vùng tối rất dễ bị mất phương hướng.

Vì thế, hiện nay một trong những phương pháp được công ty ứng dụng rộng rãi cho các thiết bị chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố là phương pháp Dimming (quang thông giảm dần) dùng chấn lưu hai mức công suất. Vào giờ cao điểm từ 18 giờ đến 23 giờ, các thiết bị phát sáng hoạt động 100% công suất, từ sau 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, công suất tự động giảm 30% đến 35%. Phương pháp này đã được lắp đặt thí điểm ở 8 tuyến phố như Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo… Thời gian tới, dự kiến sẽ lắp thêm trên một số tuyến phố khác. Không những tiết kiệm điện, phương pháp Dimming còn hỗ trợ tăng tuổi thọ cho bóng đèn và chấn lưu, giải pháp này cũng đã được chọn để làm thí điểm trên cả nước.

Từ nghiên cứu đến ứng dụng

Đề tài “Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt đèn chiếu sáng ngõ xóm áp dụng công nghệ Nano phát sáng” của kỹ sư Phạm Tài về bộ đèn LED Nano được kết hợp giữa công nghệ nano và công nghệ phát sáng để tạo ra sản phẩm tiết kiệm điện năng đã được trao tặng giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP. Đà Nẵng lần thứ X (2008 - 2009); được cấp bản quyền tác giả và đạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2009.

Bộ đèn LED Nano này có thể chiếu sáng hiệu quả tại những nơi có nguồn điện không ổn định, tổng công suất tổ hợp 24W, quang thông 2.160 Lumen, vỏ đèn bằng nhôm đúc định hình, tản nhiệt tốt. Đặc biệt tuổi thọ đèn lên tới 50.000 giờ và được sản xuất tại Việt Nam, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các loại đèn ngoại nhập. Khi sử dụng bộ đèn này tiết kiệm tới 15,35% chi phí duy tu bảo dưỡng, thay thế so với đèn Compart và 52,35% so với đèn Mecury mà vẫn bảo đảm chiếu sáng cho ngõ xóm, góp phần bảo đảm an ninh, văn minh về đêm tại các khu dân cư.

Từ năm 2009, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng đã lắp đặt thí điểm 101 bộ đèn LED Nano công suất từ 24-29W thay cho các loại đèn Mercury 125 W, Mercury 80 W và đèn Compact 50 W… tại các ngõ kiệt ở 3 quận Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn. Tháng 10-2011, công ty cũng đã lắp, thay thế hệ thống đèn chiếu sáng cho các ngõ, kiệt phường An Khê, quận Thanh Khê 46 bộ đèn LED. Mới đây, công ty đã lắp thêm 80 bộ đèn LED ở cầu Thuận Phước, công suất thấp, tiết kiệm nhưng độ sáng vẫn bảo đảm. Dự kiến, sẽ lắp đặt tiếp  khoảng 40 bộ đèn LED cho quận Hải Châu.

Khi hệ thống đèn chiếu sáng ngõ kiệt được lắp đặt, người dân ở các khu phố  tỏ rõ sự hài lòng vì ánh sáng tốt hơn những đèn trước đó, bảo đảm độ sáng khi ra đường. Bà Lê Thị Tươi (K221 đườngTrường Chinh, phường An Khê, quận Thanh Khê) cho biết, trước đây có đèn kiệt nhưng nhà bà vẫn phải lắp thêm một bóng đèn cho sáng khoảng sân trước nhà lúc về khuya, giờ kiệt có hệ thống đèn mới nhà bà ít phải dùng đến bóng đèn ngoài sân, kiệt cũng sáng hơn.

Ngoài hệ thống điện chiếu sáng, trên địa bàn thành phố còn sử dụng nhiều loại đèn trang trí trên các tuyến đường như Điện Biên Phủ, Phạm Văn Đồng, Trường Sa, Hoàng Sa… Kỹ sư Phạm Tài cho rằng, việc tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng không đơn thuần là tắt bớt các bóng đèn mà cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm tiêu chí không tiêu tốn điện năng mà vẫn bảo đảm ánh sáng.

Nhờ tìm tòi, nghiên cứu nhiều phương pháp chế tạo, ứng dụng, việc tiết kiệm năng lượng điện ở Đà Nẵng đã được tiến hành mà vẫn đáp ứng tốt nhu cầu chiếu sáng cho thành phố, kể cả những dịp lễ quan trọng. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, việc tiết kiệm năng lượng điện không phải là việc của riêng một cá nhân nào mà cần có sự tham gia của tất cả các ban, ngành. Công tác quản lý vận hành điện chiếu sáng đường phố, đèn trang trí, hệ thống đèn giao thông… luôn cần có sự phân công quản lý vận hành hợp lý theo từng khu vực, đồng thời cần có sự kiểm tra thường xuyên nhằm nâng cao trách nhiệm của người quản lý lưới điện.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.