.

Giá xăng dầu: Nhìn từ cước phí

.

Gần một tháng nay, giá xăng A92 tăng từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít, dầu diezel 0,05S từ 20.400 đồng/lít lên mức 21.400 đồng/lít... Để bù lỗ, nhiều hãng taxi, vận tải tại Đà Nẵng cũng đồng loạt tăng cước phí.

Giá xăng tăng, hầu hết tài xế các hãng ít chạy lòng vòng đón khách
Vắng khách lái xe đọc báo "giết" thời gian.

Giảm chạy lòng vòng để… tiết kiệm

Đón nhận thông tin trên, đa số lái xe taxi tại Đà Nẵng lo lắng giá cước mới sẽ làm lượng khách giảm xuống. Anh Tâm Đức, lái xe cho hãng taxi Vinasun chia sẻ: “Khi giá xăng, giá cước tăng thì người chịu thiệt vẫn là cánh tài xế chúng tôi. Trung bình một ngày, tôi đổ 30 lít xăng, với giá hiện tại tôi phải trả thêm 60.000 đồng cho chi phí nhiên liệu. Vì thế, giá xăng càng lên thì thu nhập của tôi sẽ càng hạ”.

Không phải ngẫu nhiên mà cánh tài xế taxi lại “méo mặt” khi giá xăng, giá cước đồng loạt tăng. Bởi, hầu hết các hãng taxi hiện nay ký kết hợp đồng lao động với tài xế theo nguyên tắc: “Hãng chi xe, tài xế chi xăng”. Theo đó, tài xế phải tự mua xăng để chạy, kết thúc một ngày làm việc, số tiền thu được sẽ chia đôi cho 2 bên. Anh N.V.A, tài xế hãng taxi Tiên Sa nói: “Từ hôm giá xăng tăng, anh em chẳng dám chạy lòng vòng đón khách như trước nữa mà chỉ ngồi một chỗ chờ tổng đài gọi khi có mối. Trước khi tăng cước, một ngày tôi kiếm được khoảng 300.000 đồng (số tiền chưa chia cho hãng) thì bây giờ cũng chỉ còn khoảng 200.000 đồng đến 250.000 đồng. Những hôm thời tiết xấu còn đỡ, chứ nắng ráo thì eo xèo hơn nữa.

Không thể chạy lòng vòng kiếm khách, cánh tài xế taxi còn đối mặt với nỗi lo mới: Đường phố Đà Nẵng hiện thiếu những điểm đậu đỗ ô-tô. Do vậy, không ít lái xe sinh ra tâm lý liều và lỳ để “xí phần” một điểm bất kỳ trên những tuyến phố chính, chật chội như Trần Phú, Lê Duẩn, Hùng Vương, Lê Lợi, Lý Tự Trọng…, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác.

Theo ông Võ Thành Nhân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh Bắc Trung Bộ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi thành phố Đà Nẵng, hiện ở Đà Nẵng có gần 900 xe taxi các hãng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 2.500 lao động với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/tháng. Nếu cứ áp dụng theo giá cũ thì trung bình mỗi ngày Hiệp hội lỗ hơn 50 triệu đồng. Mặt khác, chi phí đầu vào của các hãng taxi trong năm qua khá cao, nay lại chịu ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu nên các doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá cước để bảo đảm lợi ích kinh doanh.

Xăng lên, giá cước lên

Điều này, thoạt nghe có vẻ rất bình thường. Song, nhiều ý kiến cho rằng, giá cước của các hãng taxi tăng từ 500 đồng đến 1.000 đồng/km là khá cao so với tính toán “bù lỗ” của doanh nghiệp (DN).

Giá xăng tăng, hầu hết tài xế các hãng ít chạy lòng vòng đón khách.
Giá xăng tăng, hầu hết tài xế các hãng ít chạy lòng vòng đón khách.

Anh Trường Giang, chủ một cơ sở sản xuất nhỏ tại Đà Nẵng phân tích, ô-tô có nhiều dòng và mỗi loại có mức tiêu thụ nhiên liệu khác nhau, dao động từ 7 lít đến 10 lít cho quãng đường 100km. Với mức tăng 2.100 đồng/lít xăng, thì chi phí nhiên liệu cho 100km sẽ tăng từ 14.700 đồng (7 lít) đến 21.000 đồng (10 lít). Trong khi đó, khách hàng sử dụng phương tiện này phải trả thêm từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (nếu cước taxi tăng từ 500 đồng đến 1.000 đồng/km) cho quãng đường đó. Cách tính này cho thấy, DN kinh doanh taxi không những không phải bù lỗ, mà còn thu lợi 35.300  đồng đến 79.000 đồng/100 km?!  

Giải thích cho đợt tăng giá này, lãnh đạo hãng Taxi Vinasun tại Đà Nẵng cho biết, giá cước cao nhất tại Đà Nẵng thời điểm này là 16.000 đồng/km, vẫn còn thấp hơn so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Điều chỉnh giá cước không chỉ đơn thuần do giá nhiên liệu tăng mà còn ảnh hưởng từ những yếu tố khác như mức tăng lương tối thiểu, giá vật tư, phí trước bạ, chi phí đầu tư phương tiện liên tục tăng, phí bảo trì, sửa chữa, phí điều chỉnh đồng hồ tính cước… đã tạo áp lực rất lớn lên lợi ích của DN.

Trong khi các hãng taxi đồng loạt tăng giá, thì động thái của DN, hợp tác xã vận tải hành khách tuyến cố định lại có phần dè dặt hơn. Ông Lê Viết Hoàng, Giám đốc Công ty Quản lý bến và dịch vụ vận tải Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, giá vé niêm yết tại quầy bán của bến xe vẫn giữ nguyên như trước Tết Nguyên đán.

Niêm yết là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều hành khách đi các tuyến Đăk Lăk, Lâm Đồng, Huế, Quảng Trị, Nghệ An... phản ánh, gần một tháng nay, họ bị các nhà xe thu cao hơn giá được niêm yết từ 20.000 đến 30.000 đồng, thậm chí tới 50.000 đồng/người với lý do: “Xăng lên”. Đơn cử, các chủ xe tuyến Đà Nẵng-Đông Hà đã đồng loạt đẩy giá từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng/khách, tăng 25%. Nếu áp dụng mức thu này, xe loại 24 chỗ ngồi, nhà xe sẽ thu thêm được 480.000 đồng, chưa tính đến việc để tăng lợi nhuận, nhiều chủ xe sẵn sàng “lách luật” chở 30 - 40 khách, vượt quá quy định cho phép.

Ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho rằng, các đơn vị vận tải chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi giá dầu tăng. Tuy nhiên, với mức tăng 5% của dầu diezel hiện nay, thì các đơn vị vận tải chỉ tăng cước từ 2,5% đến 4% (sau khi cân nhắc các yếu tố khách quan) đã có thể bảo đảm lợi nhuận. Vì vậy, việc các nhà xe tự ý đẩy giá lên quá cao là không hợp lý. Mặt khác, cái khó trong ngành vận tải hàng hóa là để điều chỉnh ngay giá cước là điều không dễ vì hầu hết hợp đồng đã được ký kết từ trước đó và muốn điều chỉnh phải thương lượng với khách hàng và được khách hàng đồng ý. 

Bài toán khó trong tiết kiệm xăng dầu

Theo ông Võ Thành Nhân, tiết kiệm xăng dầu trong ngành Giao thông-Vận tải luôn là bài toán khó. Ví dụ, trong thiết kế, nếu một dòng xe chạy 100km hết 8 lít xăng thì không thể giảm xuống 7 lít. Vì vậy, để tiết kiệm, hãng Taxi Mai Linh tăng cây số có khách từ 50% lên 56% và chú trọng công tác bảo dưỡng, sửa chữa, kéo dài tuổi thọ xe nhằm giảm thiểu tiêu hao năng lượng. Bên cạnh việc tăng giá cước, hãng đã tự điều chỉnh hệ thống điều hành, tiết giảm tần suất một số tuyến ít khách cũng như tiết kiệm tối đa chi phí kinh doanh. Cũng theo ông Nhân, hãng Mai Linh tại Đà Nẵng đang tính toán đến kế hoạch triển khai thiết bị định vị vệ tinh (JPS) cho các tuyến xe cố định để kiểm soát và điều hành taxi hợp lý nhất, hạn chế tình trạng chạy xe không, thiếu khách. Thời gian tới, Taxi Mai Linh sẽ xúc tiến chương trình hợp tác với Viện Dầu khí Việt Nam - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển, chế biến dầu khí (PVPro) để thực hiện dự án “Triển khai pha chế, chạy thử nghiệm nhiên liệu xăng sinh học (E10) quy mô lớn trên các phương tiện giao thông vận tải”.

Năm 2007, thành phố Đà Nẵng từng phê duyệt đề án quy hoạch, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng taxi tại Đà Nẵng và hỗ trợ 227 triệu đồng cho dự án chuyển đổi từ hệ thống cung cấp xăng qua gas đối với xe máy và ô-tô, nhằm khuyến khích các hãng taxi chạy bằng LPG (Khí dầu mỏ hóa lỏng) để giảm chi phí (khoảng 40%) và giảm lượng khí độc thải ra môi trường. Để chạy được bằng ga, mỗi xe taxi phải gắn thêm một thiết bị có giá khá cao là 30 triệu đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, trên địa bàn thành phố chỉ có khoảng 100 xe taxi Mai Linh còn duy trì phương án chạy bằng ga này.

Một tài xế của hãng Taxi Mai Linh nói: “Hiện Đà Nẵng chỉ có một trạm cung cấp ga duy nhất ở địa chỉ 125 Trưng Nữ Vương, còn các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên thì hầu như không có. Vì thế, nếu khách hàng yêu cầu đi đoạn đường hơn 300km thì xe chạy bằng ga không đáp ứng được”. Đó cũng là một trong những lý do vì sao năm 2007, hãng Taxi Xanh (nay là Vinasun) vừa đưa ra cam kết chạy bằng ga đã bị “chết yểu” và không thể duy trì.

Có mặt tại trạm cung cấp LPG duy nhất ở Đà Nẵng, chúng tôi được biết, bình quân mỗi tháng trạm tiêu thụ khoảng 20 tấn ga, cung cấp chủ yếu cho hãng Taxi Mai Linh. Chị Dung, Cửa hàng trưởng Cửa hàng Gas Petrolimex số 1 Đà Nẵng chia sẻ, dù giá của 1 lít LPG là 16.000 đồng nhưng hiện trạm chỉ sử dụng khoảng 50% công suất và bơm ga cho taxi từ 4 giờ đến 7 giờ sáng. Còn lại, trạm “đắp chiếu” do không có khách hàng là xe gắn máy, ô-tô! Đà Nẵng vẫn chưa có những nghiên cứu, định hướng cụ thể trong chiến lược phát triển dòng xe chạy bằng LPG, cũng như tăng cường các trạm cung cấp LPG để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường này.

Thông tin từ Hiệp hội Taxi thành phố Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 1-4, giá cước của 6 hãng taxi như Mai Linh, Tiên Sa, Vinasun, Sông Hàn, Hàng không, Datranco được công khai tại sân bay Đà Nẵng bằng hai ngôn ngữ Việt-Anh nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ. Khi giá cước tăng lên, thì đó cũng là cách các DN đưa ra nhằm giữ chân khách hàng.

Theo quyết định của Bộ Tài chính, từ 16 giờ ngày 7-3, xăng tăng 2.100 đồng/lít, từ 20.800 đồng/lít lên mức 22.900 đồng/lít; diesel tăng 1.000 đồng/lít, từ 20.400 đồng/lít lên 21.400 đồng/lít; dầu hỏa tăng 600 đồng/lít, từ 20.200 đồng/lít lên 20.800 đồng/lít; mazut tăng 2.000 đồng/kg, từ 16.800 đồng/kg lên 18.800 đồng/kg.

Cùng ngày, Bộ Tài chính cũng lùi thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu về mức 0%. Mặt khác, mức sử dụng quỹ bình ổn giá tất cả các chủng loại xăng dầu cũng giảm xuống bằng mức trích quỹ là 300 đồng/lít, kg.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.