.

Hiệu quả tuyên truyền

Trong đêm 31-3 vừa qua, cùng với các địa phương và quốc gia trên toàn thế giới, người dân Đà Nẵng đã cùng đắm mình trong một hoạt động có ý nghĩa lớn - đó là hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2012.

Hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, cổ động diễn ra cả ban ngày và ban đêm và cùng với đó là việc tắt các thiết bị sử dụng điện không cần thiết để tiết kiệm năng lượng.

Câu hỏi nhiều người đặt ra, là tại sao một sáng kiến của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), chỉ mới diễn ra từ năm 2007 đến nay, đã có một sức lan tỏa lớn, thu hút đông đảo nhiều người và nhiều quốc gia tham gia như vậy? Riêng tại Việt Nam, cùng với Đà Nẵng, có đến 46 tỉnh, thành đăng ký tham gia thực hiện chương trình này.

Điều khác biệt đầu tiên, đó chính là nhờ việc tuyên truyền một cách rộng rãi và mạnh mẽ bằng thông điệp rất rõ ràng của chương trình này. Dù với câu khẩu hiệu nào, thì mục tiêu của chương trình Giờ Trái đất chính là nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Với mục tiêu này, đặc biệt nhắm đến đối tượng chính là giới trẻ - những người luôn tiếp cận nhanh chóng với những vấn đề mang tính toàn cầu và có những động thái hưởng ứng sôi nổi, tích cực, chương trình này đã có sức lan tỏa một cách nhanh chóng. Mục tiêu cao cả và thiết thực của chương trình đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các nhà lãnh đạo toàn cầu - không phân biệt quốc gia, tôn giáo, sắc tộc... để cùng hướng tới một lợi ích chung mang tính cộng đồng và vì sự phồn thịnh của thế giới.

Giờ Trái đất đã mang lại kết quả ngay tức thì và có sức lan tỏa kéo dài trong nhận thức và hành động của mỗi quốc gia cũng như mỗi người dân. Theo con số thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ trong một giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất năm nay, cả nước đã tiết kiệm được số điện năng là 546 nghìn kWh, với 546MW công suất điện của toàn hệ thống. Trên địa bàn Đà Nẵng, con số thống kê được là 53 nghìn kWh.

Biểu tượng 60+ của chương trình Giờ Trái đất đã được hiểu và vận dụng vào cuộc sống; với việc tiết kiệm năng lượng không chỉ diễn ra trong vòng một giờ (60 phút) của ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hằng năm mà diễn ra hằng ngày, hằng giờ; diễn ra trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong mỗi gia đình, trong hành động của mỗi người dân.

Từ góc nhìn về hoạt động Giờ Trái đất trong tiết kiệm năng lượng nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, về sử dụng năng lượng hiệu quả, nhất là năng lượng không thể tái tạo, có thể thấy, việc tuyên truyền đúng đối tượng, đem lại hiệu quả dễ dàng cảm nhận được là điều quan trọng.

Trên thực tế, việc đổi mới phương thức tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, dẫn đến thay đổi hành vi trong việc tiết kiệm năng lượng trên cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng thời gian qua đã tạo nên những chuyển biến tích cực. Việc tuyên truyền sử dụng tiết kiệm năng lượng không chỉ dừng lại ở tuyên truyền suông, mà đã gắn với việc cho ra đời và hướng dẫn sử dụng các thiết bị này một cách cụ thể, rõ ràng để mỗi người dân dễ thực hiện. Sự quan tâm đến tiết kiệm điện hay các loại năng lượng khác - không chỉ để đối phó với việc tăng giá chóng mặt, mà chính là góp phần tiết kiệm trong quản lý, chi tiêu thể hiện ở từng sản phẩm của các doanh nghiệp. Việc sử dụng tiết kiệm năng lượng được thực hiện một cách có trách nhiệm hơn ở những cơ quan, đơn vị... khoán chi hành chính; bởi mỗi đồng tiết kiệm được chính là góp phần nâng cao thu nhập chính đáng của mỗi cán bộ, nhân viên...

Tuy nhiên, cũng như những vấn đề khác, việc tiết kiệm năng lượng không phải dễ dàng ngày một ngày hai đi vào thực tiễn đời sống. Việc tuyên truyền nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng; chỉ làm theo tính pha đợt mà ít chú ý tuyên truyền đi vào chiều sâu, nhất là cần đưa ra các chứng cứ cụ thể về hiệu quả trước mắt và thiết thực. Cùng với đó, các biện pháp về quản lý hành chính chưa được áp dụng triệt để, chưa có sự công bằng... nên dễ tạo ra tâm lý đối phó và quan trọng là không tạo ra chuyển biến thực sự từ nhận thức đến hành động trong cộng đồng!

Vì vậy, khi trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng chưa cao - nhất là trước những vấn đề mang tính toàn cầu như tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu..., thì những hành động tuyên truyền cụ thể, dễ biết, dễ hiểu và đặc biệt là dễ làm để mỗi người dân cùng tham gia tích cực hơn là điều rất cần thiết.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.