.
Hồ sơ tên đường

Phan Huy Chú, nhà bách khoa lỗi lạc

.

Là một người thông kim bác cổ, Phan Huy Chú đã để lại sự nghiệp trước tác đồ sộ, trong đó bộ Lịch triều Hiến chương Loại chí là một công trình khoa học đồ sộ, khảo cứu nhiều bộ môn, được đánh giá là bộ bách khoa toàn thư về Việt Nam.
 

Phan Huy Chú (1782 – 1840) hiệu là Mai Phong, quê gốc xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên ở xã Thụy Khê (tục gọi là làng Thầy), huyện Yên Sơn, nay là huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội (mở rộng). Ông là con trai thứ ba của Phan Huy Ích - một viên quan của nhà Hậu Lê và là một công thần của nhà Tây Sơn.

Phan Huy Chú vốn thông minh, sớm có chí học tập, tuy học giỏi nhưng hai lần đi thi đều chỉ đỗ tú tài nên người ta gọi là ông “Kép Thầy”. Tuy ông không đứng trong hàng khoa bảng nhưng thực học, thực tài của ông vẫn nức tiếng xa gần. Năm 1821, vua Minh Mệnh triệu ông vào Huế ban chức Hàn lâm biên tu, sau thăng Hiệp trấn Quảng Nam, được ít lâu thì bị giáng chức, về triều làm Thị độc ở Viện Hàn Lâm.
Ông hai lần được cử đi sứ nhà Thanh với cương vị Phó sứ. Lần sau vào năm 1831, khi trở về, do cả Sứ bộ phạm tội “lộng quyền”, ông bị cách chức. Năm sau, ông bị vua Minh Mệnh buộc đi hiệu lực ở Giang Lưu Ba (thuộc Indonesia ngày nay), tức là đi phục vụ cho một sứ bộ làm công việc buôn bán đường biển giữa triều Nguyễn và Nam Dương. Về, ông được phục chức Tư vụ Bộ Công nhưng đã chán cảnh quan trường, ông mượn cớ đau yếu xin về quê dạy học.

Phan Huy Chú là một nhà bác học, danh nhân văn hóa Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó, “Lịch triều Hiến chương Loại chí” là bộ sách lớn nhất trong sự nghiệp trước tác của ông, gồm 49 quyển khảo cứu về lịch sử Việt Nam từ lập quốc đến cuối triều Lê. Năm 1821, khi làm Hàn lâm biên tu, ông dâng bộ sách này lên vua Minh Mệnh, được vua thưởng 30 lạng bạc, 1 chiếc áo sa, 30 cái bút, 30 thoi mực.

Để hoàn thành công trình bách khoa đồ sộ này, ông đã bỏ ra 10 năm (1809 - 1819) sưu tầm tư liệu, khảo cứu sách vở, cân nhắc đúng sai một cách rất khoa học. Trình bày cô đọng, mạch lạc, sinh động, có tầm khái quát cao, ông chia sách theo từng loại hiến chương gọi là chí: Dư địa chí; Nhân vật chí; Lễ nghi chí; Khoa mục chí; Quốc dụng chí; Hình luật chí; Văn tịch chí; Binh chế chí; Quan chức chí; Bang giao chí.

Nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam G.P.Muraseva người Liên Xô (cũ) đánh giá: “Lịch triều Hiến chương Loại chí” là một bộ sách xứng đáng được gọi là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Việt Nam. Công trình này thực tế không có công trình nào sánh nổi về bề rộng của phạm vi các vấn đề trong khoa lịch sử sử học Việt Nam thời phong kiến”.

Phan Huy Chú chuộng thực làm, thực học, không ưa danh hão. Ông đặt trọng tâm cuộc đời vào việc viết sách và dạy học. Với ông “văn minh của loài người đều chứa trong sách vở”. Biên khảo với quan điểm quốc gia dân tộc, ông khẳng định Việt Nam là một quốc gia “thanh danh, văn hóa và nhân tài thịnh vượng không kém gì Trung Hoa”. Quan điểm dân tộc của ông còn tỏ rõ ở khái niệm: “Của báu của một nước không có gì quý bằng đất đai. Nhân dân và của cải đều do đấy mà sinh ra...”.

Ông xứng đáng được xếp vào số không nhiều các nhà bác học lớn của Việt Nam thời xưa, một nhà bách khoa lỗi lạc vào đầu thế kỷ XIX.

Tôn vinh những đóng góp của ông vào nền văn hóa nước nhà, thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 200m, rộng 6m (ảnh), điểm đầu giao với đường Trần Quang Diệu, điểm cuối giao với đường Bùi Thị Xuân, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 06-2000/NQ-HĐ của HĐND thành phố, khóa VI, ngày 19-7-2000 về đặt tên một số đường của Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.