.

Năng lượng và chiến lược phát triển bền vững

.

Năng lượng (NL) đang là vấn đề quan tâm trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội, đối với doanh nghiệp nó quyết định trực tiếp đến lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển bền vững.

Xuất phát từ quan điểm này, các doanh nghiệp đã xem việc sử dụng NL tiết kiệm, hiệu quả là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm tiết giảm chi phí sản xuất.

Việc cho ra đời Nhà máy sợi mới với các thiết bị TKNL (trái) và hệ thống máy nén khí có lắp đặt biến tần đã góp phần giúp Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ đồng.
Việc cho ra đời Nhà máy sợi mới với các thiết bị TKNL (trái) và hệ thống máy nén khí có lắp đặt biến tần đã góp phần giúp Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ đồng.

Tiết kiệm tiền tỷ

“Mẫu số chung” trong tiết kiệm năng lượng (TKNL) của các doanh nghiệp là lắp đặt các trang thiết bị điều tiết NL (như hệ thống tụ bù, máy biến tần..) cho những thiết bị có chế độ phụ tải không ổn định nhằm hạn chế tối đa công suất không tải; thay thế các trang thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu hao điện năng nhiều mà hiệu suất thấp bằng các thiết bị có dán nhãn TKNL.

Ở Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, trong nhiều năm qua, theo ông Lê Văn Quý, Trưởng phòng Kỹ thuật - Đầu tư, Tổng Công ty đã thuê các đơn vị có năng lực kiểm toán NL độc lập nhằm tìm ra những chỗ chưa hợp lý của mình trong sử dụng NL nói chung, điện năng nói riêng. Từ đó, Tổng Công ty đã triển khai 15 giải pháp tiết kiệm điện năng và 5 giải pháp tiết kiệm các loại NL khác. Tất cả các giải pháp đều áp dụng đồng bộ từ những việc đơn giản nhất đến các giải pháp có hàm lượng chất xám cao, chi phí đầu tư lớn. Trong đó, hai giải pháp đầu tư lắp đặt biến tần vào các phụ tải quạt, bơm nước, máy nén khí và lắp đặt tụ bù cho các phụ tải có hệ số công suất thấp được đánh giá là đạt đến 80% tổng số điện năng tiết kiệm được.

Cũng theo ông Quý, các giải pháp này đã giúp Tổng Công ty tiết kiệm được 2 tỷ đồng trị giá TKNL trong năm 2010 và trên 3 tỷ đồng trong năm 2011.

Ở Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Phó Tổng Giám đốc Phạm Quang Vinh cho biết, những biện pháp TKNL trong năm 2011 đã giúp công ty giảm được 250.000kWh điện, giá trị khoảng 300 triệu đồng, năm nay dự kiến sẽ giảm thêm 20% so năm ngoái.

Cũng theo ông Vinh, việc thay chất đốt trong lò hơi mới mang lại giá trị lớn trong TKNL của công ty. Năm 2011, để giảm chi phí sản xuất và TKNL, công ty đã xin phép UBND thành phố nghiên cứu đầu tư thử nghiệm lò hơi đốt bằng trấu, mùn cưa thay cho đốt bằng dầu FO. Kết quả bất ngờ: giảm được chi phí 20 tỷ đồng so với đốt dầu. Năm 2012, công ty sẽ chính thức đầu tư để tăng công suất, dự kiến giảm chi phí khoảng 30 tỷ đồng so với đốt dầu. Một thay đổi nhỏ nhưng đạt hiệu quả kinh tế lớn, đồng thời giảm thiểu tối đa ảnh hưởng môi trường. Có điều, mỗi ngày cần đến 100 tấn mùn cưa, việc thu gom chất đốt từng bị đem đi đổ này quả thật không đơn giản chút nào.

Ở Công ty CP Thép DANA - Ý, vấn đề TKNL càng đặc biệt quan trọng đối với ngành sản xuất thép, một ngành công nghiệp nặng tiêu thụ NL lớn. Tổng Giám đốc Hồ Nghĩa Tín cho biết, đối với ngành thép, NL tiêu tốn chủ yếu dưới hình thức nhiệt năng, vì vậy, các giải pháp liên quan đến công nghệ tiết kiệm nhiệt, thu hồi nhiệt được quan tâm đặc biệt như tái sử dụng nhiệt dư chống thất thoát nhiệt… Sau khi áp dụng các giải pháp này bước đầu cho thấy hiệu quả rõ nét, lượng điện tiêu thụ giảm khoảng 5% so với ban đầu.

Quan điểm của ông Tín là, việc thực hành TKNL phải được triển khai đồng bộ, đều đặn, có cơ chế và biện pháp kiểm soát, khuyến khích người lao động thực hành TKNL, làm thế nào để người lao động trực tiếp thấy được lợi ích thiết thực của TKNL đối với doanh nghiệp và đối với bản thân.

Luật và sự phát triển của doanh nghiệp

Vừa qua, vấn đề TKNL đã được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị triển khai Luật Sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả do Sở Công thương thành phố tổ chức. Việc ban hành Luật cho thấy NL đang là vấn đề quan tâm trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội, đối với doanh nghiệp, nó quyết định trực tiếp đến lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển bền vững.

Hiện Đà Nẵng có 31 cơ sở sử dụng NL trọng điểm như Cao su Đà Nẵng, Thép Dana - Ý, Thép Thái Bình Dương, Thép Đà Nẵng, Dệt- may Hòa Thọ, Dệt-may 29-3… tất cả đang bắt đầu triển khai thực hiện việc TKNL. Luật Sử dụng NL tiết kiệm và hiệu quả hiện chỉ mới dừng ở mức kêu gọi, áp dụng và thực hiện quy định tại các cơ sở sử dụng NL trọng điểm này. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng một khi tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng NL trọng điểm trên địa bàn để chấn chỉnh, xử lý những vi phạm, cũng là cách giúp cho doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh và đạt chiến lược phát triển bền vững.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.