.

Ngọn lửa sẽ nhóm lên...

Quê nó trên một triền sông, mỗi năm phải đối phó với một mùa lụt, cứ lụt lớn rút ra lại lụt nhỏ kéo vào. Việc đầu tiên của nó là đem tất cả sách vở trên kệ bỏ vào bao, buộc lại rồi treo lên sà nhà, trước khi bơi ghe đi bắt dế về chơi và vớt củi đem về chụm. Khi cơn lũ rút ra, nó lại nới dây buộc đưa bao sách trở xuống, đặt lại vào kệ sách. Lúc bấy giờ nó mong ước có một cái tủ để đựng các loại sách.

Sau này được ông nội làm cho một cải tủ như một cái kệ lớn, nó mừng rơn. Có những lúc lũ dâng lên cao quá, nó mang bao sách bỏ xuống ghe, cùng cả nhà bơi đến trú tạm ở những nhà cao hơn. Nó là người rất ham đọc sách và quý sách, được quyển nào nó giữ quyển nấy. Sách theo nó đi ra đồng, ngồi trên lưng bò, xuống dưới hầm sâu hay những đêm yên ắng cùng với ngọn đèn tù mù, lúc theo ghe trôi trên dòng nước khi lụt về… Phải chăng, vì thấy nó mê sách, muốn nó có thói quen đọc sách hay vì chẳng có tiền nhiều để mua các thứ khác, ba nó thường cho nó sách, phần lớn là sách cũ mà ông tìm được.

Những năm tháng là sinh viên, nó không tiếc thời gian bỏ ra cho bất kỳ quyển sách nào đến tay nó, không có tiền nhiều vào các hiệu sách để chọn lựa, nó tìm đến những chỗ bán sách cũ, mua thì ít mà đọc thì nhiều. Các chủ sách ban đầu cảm thấy khó chịu với một khách hàng “ma ám” như nó, nhưng lâu dần cũng thấy thông cảm, có người còn thuộc tính, thuộc nết, biết nó cần loại sách nào, nên để dành cho nó. Khi nó đắm chìm trong những trang viết tuyệt vời, thì lúc đó, nó chẳng còn biết gì ngoài thế giới trong sách.

Nó chia sẻ với bạn bè rằng: “Phần lớn kiến thức của loài người nằm trên sách, kiến thức sẽ cho ta có phương án giải quyết tốt nhất cho những tình huống trong cuộc sống. Mỗi cuốn sách có những giá trị khác nhau và cũng đều giúp ích cho người đọc về một vấn đề nào đó. Trong cuộc đời, mình sẽ tìm thấy ít nhất một cuốn sách sẽ làm thay đổi tư duy, thái độ và hành động của mình. Người ta có thể có tất cả tiền tài, danh vị, nhưng cũng có thể mất tất cả, chỉ duy nhất có một thứ không bao giờ mất và luôn nằm mãi trong đầu mình, đó là kiến thức”.

Thời đó, những gia đình có quan tâm đến việc học, thường mỗi nhà dù lớn hay nhỏ cũng đều có một tủ sách. Nay, nó cứ nghĩ hoài, thời gian mà chúng ta dành cho sách là bao nhiêu? Người lớn lao vào chuyện làm ăn. Học sinh thì học chính, học phụ, học thêm, học kèm… ai học không nổi thì đi pic-nic, đi sinh nhật bạn bè, đi chơi “game” hoặc ngồi “chát” với nhau, lướt trên mạng… Sinh viên thì ngoài học ra còn phải kiếm tiền. Hình như, ai cũng chẳng kiếm đâu ra thời gian để đọc… Đôi lúc nó nghĩ, hay sức cuốn hút của các phương tiện báo đài, truyền hình, Internet, game trực tuyến quá mạnh, gây ấn tượng tức thời khiến người ta không còn ham thích với sách nữa?  

Nhìn những người nước ngoài, nó thấy họ đọc ở bất cứ đâu, ngồi trên metro, ngồi trên tàu, trên xe, vào quán nước… họ đọc sách quên cả phải xuống bến, xuống ga. Còn ở mình, người đọc bây giờ có lẽ phần lớn là các nhà làm công tác văn hóa, những người làm công tác nghiên cứu, còn sinh viên, học sinh thì phải đọc trước hết là để… trả bài.

Thỉnh thoảng, nó lại hỏi: Đâu rồi những tủ sách của mỗi gia đình ngày xưa? Đâu rồi những tủ sách của mỗi cơ quan, đơn vị, những thư viện mini của xã, của làng? Làm sao “đánh thức” thói quen đọc sách? Nó hy vọng, ở đâu đấy những ngọn lửa sẽ nhóm lên…

THUẬN TÌNH

;
.
.
.
.
.