HOÀNG MINH NHÂN sinh năm 1940, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Mất ngày 31-3-2011. Ông đã cho xuất bản một số tập thơ, văn xuôi và nhiều chân dung của các nhà văn nghệ: Hồ Thấu, Phạm Hầu, Chu Cẩm Phong, Phan Tứ, Thu Bồn, Phan Huỳnh Điểu,... và chân dung, sự nghiệp những nhà hoạt động cách mạng có tầm cỡ ở Quảng Nam - Đà Nẵng và cả nước: Phan Bôi, Hoàng Hữu Nam, Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam...
Hoàng Minh Nhân (chính giữa, ngay sau cậu bé Hoàng Sơn Trà con trai ông) và thời kỳ đầu của phong trào văn nghệ trẻ Đà Nẵng. |
Nhắc đến nhà thơ Hoàng Minh Nhân, bên cạnh sự nghiệp thơ văn, làm sách của ông, có lẽ phải khẳng định ngay, cái tên ông gắn liền đến một thời vàng son, sôi nổi văn nghệ trẻ
Quảng Nam - Đà Nẵng.
Là Ủy viên BCH – phụ trách phong trào sáng tác của Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng (khoảng thời gian 1984-1993), ông đã góp phần phát hiện và xây dựng hình thành nên một đội ngũ cầm bút kế thừa đông đúc như: Nguyễn Lộc An, Lê Trâm, Phan Văn Minh, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Tam Mỹ, Lê Anh Dũng, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Minh Hùng, Trần Kỳ Trung, Phùng Tấn Đông...
Trong con mắt của Hoàng Minh Nhân, chừng như ở mỗi người đều luôn ẩn chứa ít nhiều tài năng và những điều kỳ lạ. Bởi vậy, cứ mỗi lần gặp ông, bao giờ mọi người cũng thường nghe ông giới thiệu không mệt mỏi về những nhân tố tiềm năng và những sáng tác mới, mang tính phát hiện.
Sự nhiệt tình của Hoàng Minh Nhân, đôi khi cũng bị vấp phải những ý kiến trái ngược, không đồng tình, vì cho ông mang tính cực đoan, dễ dẫn đến cái nhìn thiên lệch. Nhưng điều chắc chắn, ai cũng thừa nhận, chính từ những “kho tàng” mà ông lặn lội góp nhặt khắp mọi nơi đem về, mà chúng ta có được những “viên ngọc” lấp lánh bất ngờ, làm nên một thời văn nghệ trẻ đất Quảng tỏa sáng, sánh vai cùng
cả nước.
Nếu không có ông, liệu chúng ta có còn kịp biết đến những truyện ngắn êm ái, buồn vời vợi của cây bút tài hoa yểu mệnh Nguyễn Lộc An. Cần nói thêm: Vào thời điểm Nguyễn Lộc An mới có vài ba truyện ngắn gửi đến tạp chí Đất Quảng, thì chính Hoàng Minh Nhân đã lặn lội về một làng quê Đại Lộc, Quảng Nam giới thiệu anh đến Trại sáng tác văn học trẻ đầu tiên của Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh bệnh tật và những bi kịch riêng của gia đình, không lâu sau đó, An tự kết liễu đời mình. May thay, Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Lộc An đã được Hoàng Minh Nhân sưu tập, vận động ấn hành giới thiệu cùng bạn đọc cả nước.
Lê Thu Thủy – cây bút nữ - tác giả “Thơ cho Isaura”, một thời kỳ thể loại thơ bậc thang của cô đã được Hoàng Minh Nhân đánh giá đạt đến đỉnh cao - là hiện tượng mới của văn học trẻ, khiến dư luận giới phê bình cả nước xôn xao, người ủng hộ, kẻ phân vân, gây không ít những tranh cãi trên
báo chí.
Không chỉ dừng lại ở việc phát hiện giới thiệu những tài năng trẻ ở mảng văn học, nhà thơ Hoàng Minh Nhân từng có lần xông xáo bước vào lĩnh vực mỹ thuật, trực tiếp tổ chức tiến cử đến công chúng các cuộc triển lãm tranh sơn dầu của họa sĩ Hoàng Ân – một người vốn chỉ tự nhận mình là ẩn sĩ “chơi hội họa, chơi âm nhạc, chơi thi ca”. Ông từng đánh giá họa sĩ Hoàng Ân như một ngôi sao tài năng đặc sắc, trăm năm chỉ xuất hiện một lần, sức sáng tạo ồ ạt như được “phun” lên từ một mỏ dầu trong lòng biển... Đến nay, Hoàng Ân đã định cư ở hải ngoại, song Hoàng Minh Nhân vẫn là người đại diện các cuộc triển lãm tranh Hoàng Ân trong nước, và hẳn đến những giây phút cuối cùng, quan điểm của ông về họa sĩ này vẫn không thay đổi.
Với tôi, một tác giả văn xuôi không thuộc diện lọt vào “cặp mắt xanh” nhà thơ Hoàng Minh Nhân ngay từ trứng nước. Dù vậy, tôi vẫn không thể phủ nhận những kỷ niệm thâm tình, sâu nặng với ông trên bước đường văn nghệ. Bởi, hầu hết những tập sách mỏng đầu tiên của tôi viết về thiếu nhi, đều có ít nhiều hơi ấm bàn tay của ông – có tập do ông trực tiếp biên tập và tổ chức ấn hành - có tập do ông chủ trì, đứng mũi chịu sào, quảng bá, giới thiệu ra mắt công chúng...
Hơn 10 năm qua, do những lý do khách quan, sau thời gian Hoàng Minh Nhân rời xa phong trào, để lo những công việc khác, hầu như chúng ta không còn nghe đến hoạt động văn nghệ trẻ của Quảng Nam, Đà Nẵng rầm rộ như xưa. Có thể do việc chia tách hành chính, phần do địa phương chưa chuẩn bị kịp đội ngũ những người cầm bút trẻ kế thừa. Cũng có thể do không tìm đâu ra được một con người nồng nhiệt, hết lòng vì sự nghiệp văn nghệ trẻ như Hoàng Minh Nhân. Giờ đây, sau một năm vĩnh viễn vắng ông , ngẫm lại, càng tiếc nuối và hụt hẫng biết bao...
TRẦN TRUNG SÁNG