Theo kháng chiến, Hà Văn Ngộ thay chữ lót Văn bằng chữ Kỳ. Và dường như cái chữ Kỳ đã vận vào theo suốt cuộc đời chiến đấu không mệt mỏi của ông.
Ông Hà Kỳ Ngộ (người thứ 3, từ phải qua) với các thành viên Mặt trận Tổ quốc QN-ĐN (giai đoạn 1980-1985). |
Hà Kỳ Ngộ gắn bó với hoạt động của công nhân, viên chức, tiểu thương, từ những ngày Đà Nẵng “Rèn cán chỉnh cơ, cải tiến kỹ thuật”, từ những ngày Bùi Chát (người được phong danh hiệu AHLLVT đầu tiên của tỉnh QN-ĐN vào năm 1955) cùng các chiến sĩ công binh đặt mìn trên đoạn đường sắt qua đèo Hải Vân, lật nhào đoàn tàu chở hàng trăm lính Pháp vào Đà Nẵng.
Sau tháng 7-1954, ông đưa các con tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Genève. Năm 1959, ông làm Bí thư Đảng ủy Công ty Tàu Cuốc ở Hải Phòng. Vào một ngày xuân đầu năm 1961, ông đưa vợ và năm người con, bốn trai một gái, từ thành phố cảng Hải Phòng lên Thủ đô Hà Nội, đưa vợ con ra chơi hồ Hoàn Kiếm, ra tiệm ảnh Quốc tế chụp pô ảnh kỷ niệm. Ông bí mật rời Hà Nội lên đường vào miền Nam, gửi lại cho các con bài thơ Thương con, viết trong đêm 14-2-1961:
…Con à tình nước tình non
Trăng trong vành vạnh con còn lớn khôn
Ẳm con dạ những bồn chồn
Quê Nam còn giặc bốt đồn thù sâu
Thương con thức với đêm thâu
Lòng cha ấm lại từng câu thơ buồn
Ngày mai cha vượt Trường Sơn
Hôn con hơi sữa còn thơm dọc rừng.
Ông Hà Kỳ Ngộ với vợ con trước ngày rời Hà Nội năm 1961. |
Cuối năm 1961, Hà Kỳ Ngộ cùng một số cán bộ từ miền Bắc về đến đất Quảng Nam-Đà Nẵng, liền được tăng cường cho Đà Nẵng. Tháng 9-1964, Khu ủy V quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Đà, trực thuộc Khu ủy, thành lập Thành ủy Đà Nẵng do ông Hồ Nghinh, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đà kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Hà Kỳ Ngộ làm Phó Bí thư Thường trực. Ngày 24-3-1966, ông Hà Kỳ Ngộ được giao nhiệm vụ phụ trách đấu tranh chính trị, bí mật vào nội thành trực tiếp chỉ đạo “Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng”, đẩy mạnh các cuộc đấu tranh công khai, thông qua các cuộc biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị…
Chiến dịch Xuân Mậu Thân-1968, ông Hà Kỳ Ngộ là ủy viên Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, phụ trách đấu tranh chính trị và dân vận. Chiều 17-1-1968, nhằm ngày 18 tháng Chạp, còn hơn mười ngày thì đến Tết Mậu Thân, ông Hà Kỳ Ngộ lên đường vào nội thành, trực tiếp chỉ đạo các công việc cần phải làm trước khi giờ G nổ súng.
Nổi dậy trong ngày mồng một Tết Mậu Thân không thành, địch phản kích quyết liệt. Chấp hành lệnh của ông Hồ Nghinh, tất cả các vị lãnh đạo tìm cách thoát ra khỏi thành phố Đà Nẵng. Chưa kịp thoát, 8 giờ sáng, ngày 29-2-1968, lính an ninh ngụy ập vào nhà. Hỏi giấy tờ, Hà Kỳ Ngộ rút từ trong túi quần ra, đưa cái căn cước mang tên Lê Việt. Viên thiếu tá an ninh ngụy cầm cái căn cước đưa cho ông, không thèm nhìn, tức thì hắn chồm tới chụp cổ áo ông giằng mạnh. Ba tên ở quanh ông, đứa bịt mắt, đứa kéo hai tay, đứa bóp cổ nhận khăn vào miệng, đưa hai tay ông vào còng số 8, đẩy ra xe. Khi chúng mở bịt mắt ông ra, ông biết đó là phòng hỏi cung của an ninh sở 1. Tra hỏi ba ngày, ông ngất xỉu. Không lấy được một lời khai, chúng chuyển ông ra nhà giam Thanh Bình. Đây là một trại giam do CIA - Mỹ và an ninh ngụy Sài Gòn phối hợp tra tấn khai thác thông tin từ tù nhân, đặt tại bờ biển Thanh Bình. Lại bị tra hỏi, ông ráng chịu những trận đòn, rất đau, rất mệt và khát.
Ông không khai, nhưng ông biết có người đã khai và có kẻ đã tường trình khá nhiều về ông. Nếu ông nhận một thì chúng sẽ đánh tra để moi ra điều thứ hai, thứ ba. Tại nhà giam Thanh Bình, ông bị đóng 9 cây đinh mười phân rét rỉ vào xương bánh chè, lên hai bàn chân, vào mắt cá chân, làm gân chân co rút lại, đau thấu trời… Anh em mình thấy ông lết vào phòng, ai cũng rơm rớm nước mắt.
Đêm nằm trên nền xi-măng lạnh trong phòng biệt giam, ông nhẩm Lời thề với Đảng:
Cắn răng thề với Đảng ta
Trung kiên một chết hơn là sống dơ
Dù ta có chết tự giờ
Hay trăm hình phạt xác xơ thân tàn
Không gì lay chuyển tim gan
Hiếu trung ghi tạc tấc lòng đảng viên.
Chúng lôi ông để trên một tấm ván ép, bên cầu tiêu. Hành trang mang vào tù của ông chỉ có một cái xách vải, đựng một bộ áo quần của cô Bảy người Phong Thử gửi vào cho, qua chồng cô là anh Ba Râu, cùng ở tù với ông những ngày mới bị bắt và một bộ bà ba đen của anh Phạm Văn Ba, người đồng chí bị bắt từ rất sớm. Không khuất phục được, chúng đưa ông vào giam xà lim. Dưới nền xi-măng luôn rịn ướt, trên trần, chúng gắn một bóng đèn cao áp chiếu thẳng vào mặt ông mỗi khi nằm xuống.
Rồi một đêm nọ, đùng đùng mở cửa, ba bốn tên dẫn ông đi, vào gần sân bay Đà Nẵng. Đến một nơi đã đào sẵn một cái huyệt đứng, dọa sẽ chôn sống nếu không chịu khai. Chúng đẩy ông xuống cái huyệt, lút tới đầu. Một mũi súng chĩa vào mang tai ông, dọa: Mầy có khai không?
Ông chỉ nói một câu như đã nói: Tau không biết chi hết.
Chúng xúc đất đổ xuống huyệt, đất cát đầy dần lên đến bụng, đến ngực, lên đến yết hầu ông, thì ngừng đổ đất. Ông nghe bọn chúng rì rầm với nhau, rồi lại kéo ông lên, lấy báng súng phang tới tấp lên đầu.
Những ngày ở nhà giam Thanh Bình, khi tỉnh lại ông làm vài câu thơ, nhớ trong đầu, chúng lại tra tấn đến mê man, tỉnh lại, ông làm thêm mấy câu thơ, đến một hôm thành một bài Súng ta nổ:
Súng ta nổ rền như pháo Tết
Hỏa tiễn bay chớp giật oai hùng
Sân bay bốc cháy rùng rùng
Đông Giang kho đạn nổ tung ngất trời
Thành Đà Nẵng náo nức người ơi
Nhìn căn cứ Mỹ cháy vùi ra tro…
Tra tấn cực hình, hù dọa, dụ dỗ, không lấy được ở ông một lời khai, chúng áp giải ông lên máy bay, đưa vào xà-lim khám Chí Hòa. Một dãy xà-lim ba cái đặt ngoài trời, ngay trước phòng hỏi cung. Mùa hè, ở trong xà-lim sắt như ở trong lò. Đến bữa ăn, một tên quân phạm đẩy đĩa cơm vào xà-lim. Ông chưa kịp bưng đĩa cơm, thì một tên giữ xà-lim bước lại, thò tay kéo đĩa cơm ra, gạt gần hai phần ba đĩa cơm vào thùng rác, rồi đẩy phần còn lại vào! Mỗi lần, chúng đưa vào nửa ca nhựa nước lạnh.
Lần thứ nhất, chúng cho ông ăn đói, uống khát trong suốt năm mươi ngày. Lần thứ hai, rút ngắn, còn ba mươi ngày. Một hôm, giữa trưa, chúng thả ông ra sân “tắm nắng”. Trước đó một hôm, có một trận mưa lớn nên để lại trên khoảng đất cạnh sân một vũng nước đọng. Một tên lính cầm cái ca nhựa lại vũng nước múc nửa ca, gạt bỏ lá khô, đưa ca nước cho ông, ông không cầm ca nước, hắn để ca nước bên cạnh ông, bỏ đi. Ông biết hắn muốn hạ nhục ông, vừa làm tăng cơn khát cồn cào trong ông.
Bọn an ninh quân đội Sài Gòn không khai thác được gì, chuyển ông qua cho CIA. Chỉ tay vào mặt một người Mỹ: Mày là tên CIA. Những người Việt-Nam bu quanh bọn mầy là những tên chiêu hồi, loại người phản bội mà chúng tao khinh bỉ.
Ngày 6-9-1969, chúng đưa ông ra tù Côn Đảo. Vừa đẩy ông xuống xe, ông nằm lăn xuống đất, không đi tiếp. Một tên bảo ông vào chào cờ, ông nói: Tao chống chào cờ từ khi bị tống vào tù ở Đà Nẵng, không tin, các ông lên “chuyên môn” hỏi. Sau đó, chúng nói với nhau, đúng là ông này không có tên trong danh sách chào cờ!
Ở trong chuồng cọp, mùa hè gió biển thổi vào còn chịu được, mùa đông nằm trên nền xi-măng, lạnh thấu xương. May, có bộ đồ của vợ Ba Râu và bộ áo quần bà ba đen của Phạm Văn Ba cho, cũng đỡ lạnh.
Mỗi buổi sáng, mỗi buổi chiều, anh em tù bị giam phòng gần nơi ông, luôn nghe tiếng hát vang vang, giọng trầm hùng: Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước… Nghe là biết tiếng chuông trầm quen thuộc muốn đánh thức, động viên của ông Hà Kỳ Ngộ vẫn còn. Ông muốn gieo vào mọi người, nhất là anh em tù trẻ, một tinh thần lạc quan, tin tưởng. Ông hát để tin rằng, cuộc chiến đấu của quân giải phóng dù còn nhiều cam go, nhiều hy sinh gian khổ, nhưng đang hừng hực tiến gần đến ngày thắng lợi.
…Thật ra, bọn thẩm vấn, bọn tra tấn, bọn cai ngục muốn giết ông thì giết lúc nào chẳng được. Không khai thác được gì ở ông, chúng làm nhục ông, muốn hạ gục tinh thần của ông, muốn ông sống trong tàn tạ, lê lết, chúng trêu ngươi cố làm cho các tù nhân khác rùng mình run sợ. Trong những ngày ở trong địa ngục trần gian ở Lao số 5 cấm cố Côn Đảo, hồi hộp chờ tin thắng trận, người chiến sĩ Hà Kỳ Ngộ với hơn nửa thế kỷ làm một đảng viên kỳ cựu trung kiên, đã mơ:
…Ngày hạnh phúc đón tàu từ đất mẹ
Hỡi trời lam rừng tía sóng ca
Tù Chiến sĩ thác hồn thiêng cho Tổ quốc
Chim én bay làm chủ biển trời ta.
Giấc mơ của ông đã thành hiện thực trong buổi sáng tuyệt trần, ngày 1-5-1975, khi mấy anh em tù chạy vào Lao cấm cố số 5 bồng ông ra phòng họp, mời ông cùng dự cuộc họp của những người chỉ huy cuộc nổi dậy, phối hợp với bộ đội cụ Hồ vừa từ đất liền vượt biển khơi, kịp cập bờ, giải phóng nhà lao Côn Đảo.
HÀ KỲ NGỘ (sinh ngày 22-12-1921 tại Điện An, mất ngày 22-2-2008 tại Đà Nẵng). Từ tháng 5-1945, Hà Kỳ Ngộ đã tham gia tổ chức công nhân cứu quốc Đề-pô xe lửa Đà Nẵng. Chưa tròn 24 tuổi ông được cử làm đại đội trưởng Tự vệ cứu quốc và Thư ký Hội công nhân cứu quốc Hỏa xa Đà Nẵng. Tháng 10-1945 ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ 1946, ông làm Bí thư chi bộ Hỏa xa Đà Nẵng, Ủy viên Ban Công vận thành phố Đà Nẵng. Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng tại Bà Bầu-Tam Kỳ tháng 4-1950, sau khi tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam, ông là Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận kiêm Hội trưởng Liên Việt Đà Nẵng. Năm 1951,Trung ương điều ông ra Việt Bắc, đưa ông đi học tại Học viện Mác-Lênin ở Bắc Kinh-Trung Quốc. Năm 1953, ông về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. |
HỒ DUY LỆ