Đến Đà Nẵng mà chưa ghé thăm sông Hàn và chiếc cầu cùng tên thì coi như chưa đến Đà Nẵng.
Hoa đăng trước lúc trình diễn pháo hoa. |
Dân gian có câu chuyện cắt nghĩa địa danh Tourane rất lý thú. Khi lính Pháp lần đầu tiên đặt chân lên đất Đà Nẵng thì gặp một bà già bán cua rang, hỏi bà rằng nơi đây gọi là gì. Bà không hiểu tiếng Pháp, tất nhiên, nghĩ là nó hỏi mình bán thứ gì nên hồn nhiên trả lời: Cua rang. Thế là lính Pháp lật đật lấy sổ ra ghi ngay tên vùng đất mình vừa đặt chân tới, kẻo quên: Tourane!
Về tên gọi sông Hàn, dân gian cũng giải thích tương tự. Rằng hàn ở đây là động từ, từ điển giảng là “làm cho liền kín lại chỗ bị vỡ, bị nứt, thủng”. Vịnh Đà Nẵng có hình thể như cái thùng (nên có tên là Vũng Thùng) nhưng lại bị thủng phía cửa sông, nên phải hàn lại. Cũng có thuyết khác cho rằng hàn là từ Hán Việt, có nghĩa lạnh, như cách chơi chữ trong câu này: Cửa không chờ mà kêu cửa Đợi/ Sông không lạnh lại gọi sông Hàn. (Cửa Đợi là cách gọi khác của Cửa Đại, Hội An).
Bạn tôi, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Xuân Tư hiểu theo nghĩa thứ hai, như trong bài lục bát Sông Hàn: Sông Hàn mà có lạnh đâu/ Nồng nàn chào đón thuyền tàu vào ra/ Đêm về điện ngỡ sao sa/ Dòng sông xanh - dải Ngân Hà đang trôi.
Sẽ là thiếu sót nếu nói đến sắc màu sông Hàn về đêm mà không nói đến cầu Sông Hàn. Bởi chiếc cầu đã ra đời và hình hiện đúng vào chỗ khiếm khuyết của toàn cảnh bức tranh sông nước Đà Nẵng mà xuyên suốt 7 thế kỷ của lịch sử thành phố chưa có một nhà nước nào nhận thấy.
Ngay từ khi “chào đời”, cây cầu dài chưa đến nửa cây số này đã đi vào biết bao văn thơ nhạc họa của các tác giả trong và ngoài nước, nhưng độc đáo nhất có lẽ là cách “xếp hạng” của dothi.net. Trang tin nhanh bất động sản này, trong bài “Top 5 địa điểm ngắm Đà Nẵng tuyệt đẹp từ trên cao” đăng hôm 27-2 vừa qua, đã xếp cầu Sông Hàn ở vị trí thứ tư (sau núi Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà và trước Tòa nhà Green Plaza) với lời giới thiệu như sau:
“Cầu Sông Hàn không có được địa thế cao hàng trăm mét so với các địa điểm trên. Tuy nhiên, nó lại hấp dẫn du khách bởi bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng. Dường như mọi vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Hàn chỉ được bộc lộ một cách hoàn mỹ nhất khi nhìn từ trên cầu Sông Hàn lộng gió”.
Cái cách xếp hạng này kể cũng lạ. Hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Tường Linh đã có bài “Hai miền thương” da diết về hai miền Huế - Quảng, trong đó có đoạn nói về Đà Nẵng: “Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm sông Hàn/ Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện/ Đêm Đà Nẵng vọng về cơn gió biển/ Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô…”. Ngày đó, thi sĩ người Quảng Nam này muốn ngắm sông Hàn phải lên tận Ngũ Hành Sơn “trầm tư hương khói quyện”. Chừ, theo dothi.net, chỉ đứng trên cầu Sông Hàn là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của dòng sông.
Cầu Sông Hàn đã trở thành điểm nhấn của bức tranh đêm Đà Nẵng. Năm nay, năm thứ 5 liên tiếp, trong hai ngày cuối tháng 4 này, khán giả thưởng thức bữa đại tiệc của âm nhạc và ánh sáng sẽ thấy bóng dáng chiếc cầu thoắt ẩn thoắt hiện trong những loạt pháo hoa đình đám. Với “Sắc màu Đà Nẵng”, chủ đề cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012 (DIFC 2012), cây cầu được mệnh danh là “cầu thế kỷ” này càng đẹp thêm với tông màu ánh sáng trang trí mới. Đoàn thuyền hoa xuôi ngược trên sông, dòng hoa đăng sóng sánh cùng sông nước đã chấm phá thêm nét duyên cho sông Hàn ngày hội.
DIFC là cuộc thi tài phối hợp hài hòa đầy nghệ thuật giữa giai điệu, tiết tấu âm nhạc với độ đậm nhạt, khoan nhặt của pháo hoa, tất cả hợp nhất cùng nhau trong một bản đại hòa tấu nhiều chương hồi trên bao la sóng nước sông Hàn. Cũng không ngoa, nếu nói rằng đó là sự giao thoa giữa kỹ thuật của khoa học hiện đại và nghệ thuật của trí tuệ con người.
Người viết đã từng tác nghiệp pháo hoa trên tầng 20 của Khách sạn Green Plaza và không khỏi choáng ngợp, choáng ngợp không phải vì độ cao mà vì đêm Đà Nẵng hiện ra với những nét quyến rũ làm ngây ngất lòng người. Từ chênh chếch nơi góc trái tầm nhìn, dõi theo ánh đèn điện mắc dọc đường dẫn lên cầu Thuận Phước, có thể nhận ra hai trụ dây văng, sau khi giấu mình một ít sau những tòa nhà cao tầng, lại hiện ra với những cung sáng hình cánh võng suốt chiều dài thân cầu. Nối tiếp theo hướng này là những chấm sáng nâu thẫm hình chữ V với hai cánh nằm ngang không cân xứng. Đó là đường lên đỉnh núi Sơn Trà, nơi trên chót vót cao có hai ngọn đèn của Trạm ra-đa canh giữ biển trời.
Lung linh sông Hàn, dìu dặt pháo hoa. DIFC 2012 là cuộc so tài của các nhà vô địch, pháo hoa lại nở vào trời đêm Đà Nẵng những cụm hoa nhiều sắc màu, hình thể và nở vào lòng người những cảm xúc khó thể nguôi quên.
VĂN THÀNH LÊ