.

Thăng hoa cùng DIFC

.

Các màn trình diễn tại cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế TP.Đà Nẵng (DIFC) là sự kết hợp hài hòa đầy nghệ thuật giữa giai điệu, tiết tấu âm nhạc với màn tỏa sáng của pháo hoa trên bầu trời.

Cảm hứng âm nhạc

Sau “Vũ điệu Tiên Sa” (2008), “Âm vang sông Hàn” (2009), “Huyền thoại sông Hàn” (2010), “Lung linh sông Hàn” (2011) thì nay, “Sắc màu Đà Nẵng” là chủ đề màn trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm nay. Hướng về chủ đề này, đội Đà Nẵng chia cuộc trình diễn làm 5 phần và mỗi phần gắn với mỗi ca khúc nổi tiếng như Việt Nam quê hương tôi (Nhạc sĩ Đỗ Nhuận), Việt Nam trên đường chúng ta đi (Nhạc sĩ Huy Du), Tiếng hát giữa rừng Pác Pó (Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ), Đà Nẵng, thành phố tuổi thơ tôi (Nhạc sĩ Hoàng Dũng), Đất nước trọn niềm vui (Nhạc sĩ  Hoàng Hà)…

Nếu như các năm trước, nội dung kịch bản âm nhạc (nhạc nền) bó hẹp khi chỉ nói về sông Hàn thì nay, những ca khúc trên phần nào thể hiện, pháo hoa Đà Nẵng dần thoát khỏi “chiếc áo chật hẹp” mang tính địa phương để nâng tầm ảnh hưởng lên toàn quốc. Ví dụ, năm 2010, với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn”, phần nội dung âm nhạc được chia làm 3 phần, mang cảm hứng chủ đạo về dòng sông như nơi rồng về khai hoa, sông Hàn thanh xuân, sông Hàn nỗi đau chiến tranh với tổng thời lượng 12 phút. Năm 2011, với chủ đề “Lung linh sông Hàn”, phần âm nhạc gồm 4 phần, cũng nghiêng về miêu tả vẻ đẹp của sông Hàn, của Đà Nẵng như Lung linh biển rộng núi cao, Lung linh bóng dáng những công trình, Lung linh chân dung người Đà Nẵng, Lung linh sông Hàn…

Những ca khúc trong DIFC 2012 được khéo léo lồng ghép một cách khá logic trong màn trình diễn pháo hoa của đội Đà Nẵng nhằm mục đích ca ngợi đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh Việt Nam quê hương tôi với giai điệu trữ tình ngân nga và ca từ đầy lãng mạn thì Việt Nam trên đường chúng ta đi lại âm vang giai điệu hùng tráng, tiết tấu mạnh mẽ, dập dồn, hình ảnh Việt Nam vẫn kiên cường tiến bước, vượt qua những giai đoạn lịch sử nghiệt ngã của dân tộc. Trong niềm vui chiến thắng, mỗi con người Việt Nam lắng lại để hồi tưởng đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ những người đã hy sinh máu xương cho độc lập, tự do của tổ quốc qua ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Pó, Đất nước trọn niềm vui.

Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, tác giả kịch bản âm nhạc trong 2 năm 2010, 2011 cho rằng, bên cạnh các tác phẩm âm nhạc gắn liền với đất nước, con người Việt Nam, thì chính phần nhạc lúc khoan thai, êm dịu, lúc mạnh mẽ, hào hùng trong Đà Nẵng, thành phố tuổi thơ tôi đã cho thấy một Đà Nẵng đang hối hả, vươn cao trong quá trình xây dựng, phát triển để ngày một văn minh, giàu đẹp. Đó cũng chính là cái khó khi xây dựng một kịch bản âm nhạc được tròn trịa, vui tươi nhưng không kém phần sinh động, cuốn hút.

Chủ đề ảnh hưởng đến nội dung?

Từ năm 2008, xuất phát từ ý tưởng tạo ra những hoạt động văn hóa mang tầm vóc quốc tế, góp phần xây dựng “thành phố sự kiện”, Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý là địa phương duy nhất được tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hằng năm. Từ đó, cuộc thi đã trở thành bản sắc riêng của Đà Nẵng, thu hút được nhiều nước tham gia tranh tài, được mọi người đánh giá ngang tầm với những sự kiện văn hóa lớn như Lễ hội Cồng chiêng, Festival Huế, Festival biển Nha Trang và là sản phẩm du lịch độc đáo tại địa phương…

Tuy nhiên, từ đó đến nay, vấn đề mà nhiều người quan tâm khi nghĩ đến lễ hội này là chủ đề dành cho cuộc thi. Nhiều ý kiến cho rằng, dù nội dung, các hoạt động phụ trợ, đặc biệt là trong năm 2012 có phần được chăm chút, phong phú hơn nhưng chủ đề cuộc thi vẫn chưa thoát ra khỏi phạm vi hạn hẹp. Chủ một doanh nghiệp thường xuyên tài trợ cho cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trăn trở, chủ đề cuộc thi bó hẹp phần nào ảnh hưởng đến chất và lượng trong các màn Trình diễn pháo hoa của đội Đà Nẵng nói riêng và các đội nói chung, gây hạn chế rất lớn đến sự sáng tạo của các đội. Các năm tới, Đà Nẵng cần chú ý hơn đến các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường hay khát vọng hòa bình và phát triển của các quốc gia để

cuộc thi pháo hoa quốc tế thật sự mang tầm vóc quốc tế.

Trong hai đêm diễn ra cuộc thi pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, những màn trình diễn bằng ngôn ngữ ánh sáng và âm nhạc của các đội sẽ một lần nữa chinh phục khán giả trong và ngoài nước. Hy vọng, với những kinh nghiệm có được, đội Đà Nẵng sẽ ngày một trưởng thành hơn, xứng đáng với kỳ vọng và niềm tin của lãnh đạo và nhân dân thành phố. Và, bản giao hưởng âm nhạc DIFC 2012 sẽ góp phần tạo nên màn trình diễn ấn tượng, đầy cảm xúc của đội chủ nhà.  

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.