Trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, các nhà khảo cổ đã phát hiện 3 di chỉ quan trọng ở 3 vùng, tên gọi của các địa điểm khảo cổ này đã được dùng để đặt tên cho 3 nền văn hóa phát triển cho đến thiên niên kỷ cuối cùng trước công nguyên, đó là văn hóa Đông Sơn ở đồng bằng Bắc bộ, văn hóa Sa Huỳnh ở Trung bộ và văn hóa Óc Eo ở đồng bằng Nam bộ. Đến đầu thiên kỷ 1 sau công nguyên, vương quốc Phù Nam được hình thành ở vùng văn hóa Óc Eo; vương quốc Chămpa hình thành ở vùng văn hóa Sa Huỳnh; ở vùng văn hóa Đông Sơn, cộng đồng cư dân bản địa đấu tranh giằng dai với các triều đại vua chúa Trung Hoa suốt gần 1.000 năm, giành độc lập từ cuối thiên niên kỷ 1 và phát triển mạnh mẽ với vương quốc Đại Việt của triều vua Lý.
Ngày nay, các di sản nghệ thuật còn lại không nhiều nhưng cũng ẩn chứa những dấu hiệu giúp các nhà nghiên cứu khám phá các nét tương đồng và sự giao lưu của các nền văn hóa lớn trên các vùng miền của Việt Nam.
Thoạt nhìn các kiến trúc, điêu khắc Chămpa, không ít người có cảm giác đây là một nền văn hóa rất khác với văn hóa Việt truyền thống. Thật ra, các kết quả nghiên cứu nghệ thuật và khảo cổ cho thấy nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đời Lý của Đại Việt có những nét tương đồng với nghệ thuật Chămpa. Tại khu vực chùa Phật Tích (Bắc Ninh), bên cạnh tượng Phật lớn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều điêu khắc đá hình tượng Kinari, đây là hình ảnh các nhạc công cõi trời, được thể hiện với đầu người, thân hình chim, cầm các loại nhạc cụ khác nhau (ảnh 1).
Ở nghệ thuật Chămpa chúng ta thường bắt gặp hình ảnh này ở các chi tiết trang trí góc tháp. Và trong khi nghệ thuật Chăm để lại cho chúng ta những kiệt tác thể hiện các vũ nữ apsara (ảnh 2) thì ở các bức chạm ở tháp Chương Sơn (Nam Định, đầu thế kỷ 12), ở chùa Phật Tích, chùa Long Đọi (Hà Nam, giữa thế kỷ 11) cũng không thua kém với hình ảnh các vũ công cõi trời phô diễn những đường cong mềm mại. Các tượng sư tử ở chùa Bà Tấm (Hà Nội, thế kỷ 12), và đặc biệt là hình ảnh thần điểu Garuda nâng bốn góc bệ thờ ở chùa Thầy (Hà Nội, thế kỷ 12) khiến chúng ta dễ dàng liên tưởng đến các điêu khắc sư tử ở di tích Chămpa ở Trà Kiệu (Quảng Nam), Tháp Mẫm (Bình Định).
Một hình ảnh đặc biệt là chiếc linga. Nói đến điêu khắc và kiến trúc Chămpa không ai không nhắc đến các chiếc linga được xem là biểu tượng của thần Siva, thể hiện dưới dạng bộ phận sinh dục nam, được chạm khắc tinh tế và được đặt trang trọng ở các đền tháp. Ở đồng bằng Bắc bộ, chúng ta cũng bắt gặp chiếc linga đồ sộ ở chùa Dạm (Bắc Ninh) (ảnh 3) với bố cục và đường nét điêu khắc hoàn toàn giống với bố cục và đường nét chung của các linga Chămpa.
Về sự tương đồng này cũng có thể lý giải đó là tác phẩm của những người thợ thủ công Chămpa bị bắt đưa ra khu vực Thăng Long sau những lần chinh phạt của các vua Đại Việt. Cụ thể hơn có thể cho rằng linga chùa Dạm là do những người Chămpa dựng lên trên đất Bắc hoặc là hình ảnh vay mượn của Chămpa. Nhưng thận trọng hơn, chúng ta có thể nhận ra rằng tục thờ cột đá và thờ các biểu tượng chịu ảnh hưởng của đạo Bà la môn vốn đã phổ biến ở Bắc bộ từ đầu thiên niên kỷ 1. Việt sử lược chép, “năm 1043 - đời vua Lý Thái Tông - tháng 4 vua ngự đến chùa Tùng Sơn ở châu Vũ Ninh, thấy trong tòa điện đổ nát có cây cột đá đổ nghiêng, vua có ý định sửa chữa lại điện đó, cột đá bỗng nhiên dựng thẳng lại. Nhân đó vua sai nho thần làm bài phú để ghi lại việc lạ ấy”. Sử không nói rõ hơn, nhưng chắc hẳn đây phải là một đền tháp thờ cột đá ở tòa điện trung tâm. Cũng ở Việt sử lược, có chép “năm 1059 - đời vua Lý Thánh Tông - tháng chạp, xây hai chùa Thiên Phúc. Lấy vàng đúc tượng Phạn vương Đế Thích để bày ở đó”. Phạn vương Đế Thích chính là thần Indra của Bà la môn giáo và cột đá ở chùa Tùng Sơn là chiếc linga của Bà la môn giáo cũng khả dĩ xảy ra. Ngoài ra, khảo sát bình đồ chùa Giạm, ta thấy chùa xây trên một quả đồi , trên nhiều bậc nền hình vuông. Những điều này cho phép chúng ta lý giải những tương đồng trong kiến trúc và điêu khắc Đại Việt và Chămpa xuất phát từ những quan niệm chung của nền tảng văn hóa Đông Nam Á chứ không phải chỉ đơn giản là dấu ấn của các kíp thợ Chămpa bị Đại Việt bắt làm tù binh.
Những thế kỷ sau của thiên niên kỷ 2, văn hóa Chămpa suy tàn, văn hóa Đại Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, khiến cho những nét chung của nền tảng văn hóa Đông Nam Á lu mờ, khó nhận diện. Và dưới sức ép lịch sử về những cuộc chinh chiến giành quyền lực, mọi người càng dễ có cảm giác như Đại Việt và Chămpa là hai nền văn hóa đối kháng, tiêu diệt nhau. Thật ra, trong di sản nghệ thuật Bắc bộ ở đời Lý và đầu Trần, một thời kỳ Đại Việt vừa giành được độc lập, ý thức dân tộc và sự đề kháng với văn hóa Trung Hoa lên cao, chúng ta bắt gặp rõ nét các đặc trưng của một đại gia đình văn hóa Đông Nam Á, mà gần gũi nhất là sự giao lưu, tương đồng với văn hóa Chămpa anh em ở miền Trung Việt Nam. Sự tương đồng giữa văn hóa Sa huỳnh/Chămpa ở Trung bộ và văn hóa Óc Eo/Phù Nam ở Nam bộ tạo thêm một gạch nối hợp thành nền văn hóa phong phú, đa sắc màu của Việt Nam đương đại.
VÕ VĂN THẮNG
(*) Nhân trưng bày chuyên đề “Giao lưu nghệ thuật Đại Việt-Chămpa - Tư liệu ảnh và hiện vật” tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào ngày 23-4-2012.