.

Từ nhà in đến nhà sách

In sách gì, hình thức thế nào, số lượng bao nhiêu... là một bài toán không phải lúc nào cũng dễ dàng có đáp án đối với các nhà xuất bản (NXB).

Thế kỷ XXI, sách in, sau hơn nửa thiên niên kỷ đồng hành cùng tri thức nhân loại đã gặp phải một đối thủ đáng gờm: Internet. Đối thủ này, theo mô tả của nhà văn Nguyễn Kim Huy, Trưởng ban Biên tập NXB Đà Nẵng, “đầy tính hiện đại, tính toàn cầu, tính năng động, tính nhanh nhạy, tính cập nhật, tính tiện lợi...”. Trước thử thách này, các NXB, để tồn tại và phát triển, buộc phải cố gắng tìm cho mình một hướng đi (ông Trương Công Báo, Giám đốc NXB Đà Nẵng cho rằng, nói chính xác phải là “hướng thoát”!), tùy theo đặc thù của mình.

Sách hay = đẹp + “thông minh”?

NXB Đà Nẵng, trong 5 năm qua, đã xuất bản trên 2.000 đầu sách các loại. Trong đó, bán chạy nhất là sách thuộc loại kinh tế, tham khảo, khoa học kỹ thuật, du lịch, y tế thường thức... nhằm phục vụ nhu cầu thiết thực, phổ biến kiến thức có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày hoặc để phục vụ việc học tập của sinh viên, học sinh. Việc này đã đem lại những lợi ích kinh tế nhất định giữa lúc NXB đang trong hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Báo khẳng định không thể lấy đó làm “định hướng phát triển” của NXB được, vì NXB Đà Nẵng có nhiệm vụ chính trị hàng đầu là phục vụ các yêu cầu tri thức về chính trị - văn hóa - kinh tế - khoa học kỹ thuật... của nhân dân thành phố.

NXB tạo dấu ấn riêng của mình về công tác biên tập, tổ chức bản thảo và in ấn, tất cả thể hiện rõ trên từng đầu sách xuất bản để thu hút cộng tác viên và tạo được sự tin tưởng ủng hộ rộng rãi của bạn đọc. Với dấu hiệu đáng mừng từ những Giải Đồng, Giải Vàng sách hay, sách đẹp, rất nhiều các tác phẩm đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương của NXB Đà Nẵng trong những năm qua, ông Báo hy vọng sẽ tạo nên một “thương hiệu” bền vững  cho NXB và được bạn đọc ghi nhận.

Đối với Công ty CP Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, theo chị Đào Phương Thu, cán bộ Công ty, đơn vị xác định ngay từ đầu việc khẳng định dấu ấn riêng trong cách chọn dòng sách xuất bản với những đầu sách có giá trị, không chạy theo xu hướng thị trường; đồng thời cũng cố gắng đáp ứng nhu cầu của nhiều lớp độc giả (sinh viên, thiếu nhi...). Đó là những dòng sách lãng mạn Trung Quốc, lãng mạn lịch sử Âu Mỹ... tuy nhiên, không hề lơ là với những tác phẩm kinh điển, các tác phẩm Việt Nam, hay non-fiction (sách phi hư cấu, chuyện về người thật việc thật)... Nhã Nam còn tạo dấu ấn riêng trong cách làm bìa sách của mình, các họa sĩ luôn làm việc cẩn trọng, nghiêm túc không bao giờ thiết kế bìa một cách ẩu thả, dễ dãi.

Hay về nội dung, đẹp về hình thức cũng là nhận định của nhà văn Nguyễn Kim Huy khi nói về những yêu cầu của người đọc hiện nay: “Hay mà in không đẹp, họ không nhìn đến. Sách đẹp mà nội dung làng nhàng, họ phản ứng ngay! Mà giá cả lại phải càng rẻ càng tốt! Đó là một thử thách không dễ vượt qua để tồn tại và phát triển của các NXB, càng là một yêu cầu tối thượng để NXB tạo nên thương hiệu và uy tín trong lòng bạn đọc.

Một bạn đọc ví von rằng, đàn ông lấy vợ thường phân vân: Có phụ nữ đẹp mà không thông minh, có phụ nữ thông minh nhưng không đẹp. Với sách cũng vậy, tốt nhất là hãy “cưới” những quyển sách vừa thông minh vừa đẹp.

Ai quyết định “số phận” mỗi cuốn sách?

Không phải tác giả, biên tập viên, NXB, hoặc một cá nhân, tập thể nào khác, mà chính người đọc quyết định “số phận” mỗi cuốn sách.

Thực tế, đã không hiếm các trường hợp có “số phận bất ngờ” đối với nhiều đầu sách, nhà văn Kim Huy nửa đùa nửa thật rằng như là... số phận con người vậy! Hồng nhan đa truân, mà bình bình thì may mắn hạnh phúc! Nhiều cuốn sách rất có giá trị, NXB rất tâm đắc khi phát hành thì lại nằm “mọc rêu” trên giá sách. Trong khi đó nhiều cuốn “thường thường bậc trung” lại bán chạy, được độc giả hỏi han, khen ngợi. Đó là thực tế các NXB đều gặp phải, nhưng để rút ra được bài học gì từ đó thì thật là khó.

Chị Phương Thu cho hay, ở Nhã Nam đã có những cuốn sách mà người làm sách ban đầu không hề đặt nhiều kỳ vọng về doanh thu, lại đạt đến con số nửa triệu bản in, như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nếu em không phải một giấc mơ” (tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Pháp Marc Levy đã làm nên “cơn sốt” sách của tác giả này), hay “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” (kiệt tác dành cho thiếu nhi của nhà văn Chi Lê nổi tiếng Luis Sepúlveda)... Cũng đã có những cuốn sách mang giá trị lịch sử, xã hội lớn lao nhưng lại không được độc giả quan tâm nhiều, đành phủ bụi. Tuy nhiên, chị Phương Thu tin rằng người đọc sách chân chính sẽ không lẫn lộn vàng thau, sẽ không sớm thì muộn nhận ra những cuốn sách thật sự có giá trị.

Người đọc quyết định số phận những cuốn sách và, tất nhiên, quyết định cả số phận của các NXB.

VĂN THÀNH LÊ

Giám đốc NXB Đà Nẵng Trương Công Báo:

Chúng tôi đặc biệt chú trọng nâng cao cả nội dung lẫn hình thức trong xuất bản phẩm và hạ giá thành đến mức tối đa để sách đến được với đông đảo bạn đọc. Mỗi một biên tập viên của NXB Đà Nẵng đều được quán triệt tinh thần này khi làm công việc biên tập trên từng trang bản thảo, làm sao bảo đảm có sự đóng góp tích cực của NXB trong việc hoàn chỉnh và nâng cao giá trị cả nội dung lẫn hình thức của tác phẩm.

 

;
.
.
.
.
.