.

Xôn ve – Di cảo của nhà văn Hoàng Minh Nhân

.

Là tiểu thuyết được Hoàng Minh Nhân khởi thảo từ năm 1979, sau một chuyến  đi thực tế ở miền Đông Bắc Campuchia, Xôn Ve đã viết xong nhưng chưa được Hoàng Minh Nhân sửa chữa và công bố. Đến nay, sách mới được gia đình nhờ nhà thơ Thanh Quế hiệu đính lần cuối trước khi Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành và giới thiệu cùng công chúng trong dịp kỷ niệm một năm ngày mất của ông.

Hoàng Minh Nhân và tiểu thuyết Xôn Ve.
Hoàng Minh Nhân và tiểu thuyết Xôn Ve.

Xôn Ve - tên gọi một cô bé hồn nhiên, từng có thời ấu thơ hạnh phúc bên cạnh người cha Thạo Ngao tháo vát và người mẹ Ki Ri xinh đẹp ở một ngôi làng thanh bình cạnh chân núi Pha Biên. Thế nhưng, đến những năm em lên 12, 13 tuổi, những con quạ khoang, quạ đen từ hướng Chóp Vung bỗng dưng bay về mang theo bao nỗi thắc thỏm, lo âu... Một sáng mùa mưa, theo lệnh Ăngca, cả làng phải dời nhà. Từ đó, mọi người từ già tới trẻ bắt đầu sống cuộc đời làm chung, ăn chung trong tập thể công xã.

Trong một hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy, chỉ sau vài tháng  sống và làm việc theo tiếng kẻng, Xôn Ve đổ bệnh, nằm còng queo trên sạp lạnh. Hay tin, Ki Ri không cầm lòng được, liều mạng gói cơm vào mảnh lá chuối, lén đem đến chăm sóc đứa con thân yêu. Rủi thay, chỉ huy công trường phát hiện, Xôn Ve bị bóp cổ “cho đến khi ói miếng cơm đắng cuối cùng trong miệng ra sạp” và Ki Ri bị “vồ đập vào đầu bôm bốp chết ngay trên sạp”.

Cao trào kịch tính của tác phẩm cũng bắt đầu từ đó: Thạo Ngao lẻn vào lán Xôn Ve ôm con chạy trốn. Thà vào rừng thành con khỉ, con gấu còn hơn. Thế là, bất chấp cuộc truy lùng chưa từng có trong toàn công xã, Thạo Ngao hết cõng đứa con gái bé nhỏ trên lưng lại bồng trên tay, ròng rã năm ngày đêm băng qua cánh rừng chưa có dấu chân người. Vượt qua bao chướng ngại, đói rét, khó khăn, họ đi không ngừng nghỉ. Họ đi về phía mặt trời mọc, nơi Thạo Ngao tin rằng mình sẽ gặp người em kết nghĩa tên Ty, nơi Xôn Ve nghĩ rằng, quê hương của chú An Tiêm, có những trái dưa hấu ngon lành.

Bằng tất cả ý chí và quyết tâm, hành trình đi tìm niềm tin và sự sống rồi cũng có bến đậu an lành, cha con Thạo Ngao và Xôn Ve gặp được quân giải phóng Campuchia và bộ đội Việt Nam. Từ đây, họ cùng nhiều người Campuchia ở hoàn cảnh tương tự tổ chức lực lượng, trở về giải phóng quê hương. Ngày 3-1-1979, “những người nổi dậy ở công xã KumPi đã gặp được bộ đội giải phóng ở sân bay. Người ngồi trên xe tăng để chỉ đường cho bộ đội về giải phóng quê hương chính là Thạo Ngao”. Vào cái ngày vui ngỡ ngàng ấy, Xôn Ve chưa kịp về, vì bận đi học xa. Em học một nghề mà em hằng thích: Nghề dạy học. Nhưng chắc chắn em sẽ trở về. Em phải trở về với mảnh đất em sinh ra, nơi có rừng cao su bảo tàng, nơi có người mẹ yêu quý của em yên nghỉ, trở về góp sức làm cho Pha Biên mãi mãi xanh tươi, mãi mãi hạnh phúc.

Mặc dù tác phẩm được khởi thảo từ nhiều năm trước, nhưng đọc Xôn Ve chúng ta vẫn cảm nhận ra giọng văn hừng hực, đầy cảm xúc như tác giả vừa viết trong những chuyến đi xa trở về hôm qua. Cũng với tác phẩm này, chúng ta có dịp bổ sung một cái nhìn đầy đủ hơn về ông, một con người sáng tạo đa dạng trên mọi lĩnh vực văn học: biên khảo, thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết... Đồng thời, đối với những bạn đọc trẻ, Xôn Ve là một trong những tác phẩm khá hiếm giúp hiểu rõ một cách khá toàn diện về cuộc chiến đấu của nhân dân Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, bằng tình đoàn kết kề vai sát cánh, đã  đưa đất nước chùa tháp thoát khỏi ách thống trị của Pôn Pốt và hiểm họa diệt chủng.

LINH THY

;
.
.
.
.
.