.

“2 mặt” của một viên thuốc

.

“Bệnh nhân (BN) tâm thần phân liệt (TTPL) sẽ giảm các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, kích động, rối loạn hành vi... khi dùng aminazin. Tuy nhiên khi dùng aminazin, BN có thể có các biểu hiện như cứng hàm, chảy nước dãi, ăn uống khó, chân tay cứng, vận động chậm chạp, tay không vung vẩy khi đi...”.
 

Tự phục vụ mình trong bữa ăn, một phương pháp điều trị liệu pháp tại TTĐDNTT.
Tự phục vụ mình trong bữa ăn, một phương pháp điều trị liệu pháp tại TTĐDNTT.

Đó là những lưu ý khi dùng một trong các loại biệt dược chữa bệnh TTPL. Phản ứng phụ của thuốc khá nhiều nhưng vẫn được dùng rộng rãi bởi “ưu điểm” nổi bật của thuốc là giá thành thuộc loại rẻ nhất trong nhóm thuốc thần kinh. Nhưng hệ quả của nó là  BN dễ rơi vào tình trạng “ngõ cụt”, cuộc sống mất dần ý nghĩa.

Bằng lòng với thuốc “cổ điển”

Theo các bác sĩ tâm thần (TT), aminazin là thuốc thuộc nhóm thần kinh, được sử dụng từ năm 1952 để điều trị cho các bệnh loạn thần, trong đó chủ yếu là bệnh TTPL, việc sử dụng aminazin là một “cuộc cách mạng”, là thuốc mở đầu trong lĩnh vực dược lý TT, trước đó chưa một phương pháp nào có thể so sánh được. Tuy nhiên, tác dụng không mong muốn của aminazin lại có khá nhiều như thuốc gây ra sạm da nếu dùng kéo dài; viêm gan với các biểu hiện gan to, đau vùng gan, men gan tăng; gây dị ứng bằng các ban dát sẩn trên da. Và đặc biệt là biểu hiện triệu chứng trầm cảm bằng tình trạng lờ đờ, chậm chạp, BN mất hết các hứng thú và sở thích, sự tập trung chú ý và trí nhớ đều giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lao động và sinh hoạt…

Năm 1958, haloperidol, một loại biệt dược có hoạt tính chống loạn thần được tìm ra và đưa vào điều trị các trạng thái kích động TT - vận động nguyên nhân khác nhau (trạng thái hưng cảm, cơn hoang tưởng cấp, mê sảng, run do rượu); các trạng thái loạn thần mạn tính (hoang tưởng mạn tính, hội chứng paranoia, hội chứng paraphrenia, bệnh TTPL); trạng thái mê sảng, lú lẫn kèm theo kích động; hành vi gây gổ tấn công; các bệnh tâm căn và cơ thể tâm sinh có biểu hiện lo âu. Nhưng haloperidol hay gây ngoại tháp, biểu hiện bằng tình trạng bồn chồn, đứng ngồi không yên, tăng tiết nước bọt, run tay, cứng lưỡi, cứng hàm gây khó nuốt, khó nói. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là tác dụng phụ rất khó chịu, là nguyên nhân hàng đầu gây bỏ thuốc của BN.

Một loại thuốc “cổ điển” nữa trong điều trị bệnh lý TT là Levomepromazin. Tác dụng phụ hay gặp là thuốc hay gây ngủ nhiều, đặc biệt ở các BN đã ổn định về TT; hạ huyết áp tư thế đứng khiến người bệnh rất khó chịu với tình trạng này.

Các thuốc “cổ điển”  BNTTPL đã dùng từ trước đến nay gồm: Aminazin 25mg, Haloperidol 1,5mg, Levomepromazin 25mg. 1 ngày BN dùng hết 796,32 đồng. Trong 1 năm mỗi BN dùng hết 278.860 đồng. 2.012 BNTTPL dùng trong 1 năm là 659.399.802 đồng.

Thuốc an thần kinh thế hệ mới Olanzapine hiện có giá 2.350 đồng/viên x 5% VAT x  365 ngày x 2.012 BN = 1.812.082.650 đồng.

Với BN bị bệnh động kinh đang điều trị tại nhà, thì thuốc “cổ điển” phenobarbital chỉ cắt được cơn, có người không cắt hẳn được cơn động kinh. Thuốc không giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, thậm chí làm cuộc sống ngày càng xấu đi. BN mắc bệnh lâu năm có thể biến đổi nhân cách (không hòa nhập với gia đình, xã hội, dễ cáu gắt, bùng nổ, gây hấn). Khoảng 7 năm trở lại đây, Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí cho BN động kinh dùng thuốc depakine để giúp tăng chất lượng cuộc sống.

Theo bác sĩ Trần Văn Mau, Phó Giám đốc Bệnh viện TT Đà Nẵng, thì với hai loại bệnh TT thuộc bệnh xã hội bệnh viện quản lý là bệnh động kinh (1.658 BN) và TTPL (2.012 BN) đều dùng thuốc từ chương trình Mục tiêu quốc gia – chủ yếu là thuốc “cổ điển”, sản xuất từ những năm 1950-1960. Hầu hết những loại thuốc thế hệ cũ này được dùng tại Việt Nam từ khi ra đời đến nay, các bác sĩ khi kê đơn đều hiểu rõ tác dụng không mong muốn của thuốc, nhưng “ưu điểm nổi bật” là giá thành rẻ khiến họ không thể thay đổi đơn thuốc khi BN điều trị theo danh mục thuốc của chương trình quốc gia.

Kê đơn theo chương trình Mục tiêu, nhưng hiện nay giá thành các loại thuốc “cổ điển” đang có xu hướng tăng, nên Bệnh viện TT đang phải cân đối lại nguồn kinh phí điều trị. Mới đây, bệnh viện đưa thêm một loại thuốc “cổ điển” nữa là Levomepromazin, nhưng có ít tác dụng phụ thì số tiền thuốc cho hơn 2.000 BN TTPL dùng trong 1 năm đã lên đến trên 659,3 triệu đồng. Trong khi nguồn kinh phí từ trung ương hỗ trợ năm 2010 là 522 triệu đồng, thành phố hỗ trợ 52 triệu đồng và số tiền này của năm 2011 là 590 triệu và 20 triệu đồng.

Hiện nay có nhiều thuốc an thần kinh thế hệ mới như Risperdal, Leponex, Olanzapine, ít tác dụng phụ nhưng giá thành khá cao. Chỉ những BN có thẻ bảo hiểm y tế được bác sĩ kê đơn dùng thuốc trong danh mục phù hợp (thuốc cũ và thuốc mới) hoặc BN có tiền để dùng thuốc mới thì mới nâng cao chất lượng cuộc sống, có thể lao động, học tập, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Gánh nặng xã hội

Bà Trần Thị Bình, 56 tuổi có lẽ là một trong số ít BN ở Trung tâm Điều dưỡng người TT (TTĐDNTT ) Đà Nẵng còn nhớ quê mình ở xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam. Từ hồi mắc bệnh TT, bà nhớ có 3 năm ở Thăng Bình, 10 năm điều trị tại Trung tâm TT đóng ở Phước Tường và 6 năm bà ở TTĐD này. Phần ký ức về người thân, bà quên, (hay bà cố tình quên), khi hầu hết người bệnh điều trị tại đây đều không có người thân thăm viếng, chăm sóc?! Họa chăng người thân đưa họ đến nhập viện, tới lui một thời gian rồi thôi, như trút được gánh nặng…

Theo quy định, BN TTPL sau thời gian mắc bệnh khoảng 5 năm, trải qua nhiều lần điều trị nhưng bệnh tái phát nhiều lần sẽ được chuyển từ Bệnh viện TT sang TTĐDNTT. Ở đây người bệnh được miễn phí các loại tiền thuốc điều trị, tiền ăn và các chi phí khác (năm 2008-2009 mỗi BN được dùng 40 nghìn tiền thuốc/tháng; năm 2011 tăng lên 50 nghìn/người/tháng + 15 nghìn tiền ăn/người/ngày (trừ buổi sáng có nhà hảo tâm tài trợ)).

Theo bác sĩ Trần Văn Mau, khoảng 75-80% BN TTPL sẽ bị tái phát nếu bỏ thuốc hoặc uống thuốc điều trị không đều đặn. Có nghĩa là một số đông BN TTPL tái phát sau nhiều năm điều trị tại bệnh viện, trong hoàn cảnh phải dùng thuốc điều trị “cổ điển” với việc hỗ trợ điều trị không cao, nhiều phản ứng phụ, thì một kết cục là họ sẽ ở (có thể) đến trọn đời tại TTĐD là điều tất yếu. Như vậy gánh nặng xã hội sẽ đặt lên vai thành phố ở ngay trung tâm này. Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc TT cho biết cách đây khoảng 15  năm, số BN vào khoảng 80 người, nhưng hiện nay đã có 316 BN, trong đó ở Quảng Nam có 74 BN và 21 tỉnh thành khác có 32 người.

Bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên, Trưởng phòng Y tế, TTĐDNTT cho biết, trước đây ngành Y tế thành phố cấp trực tiếp thuốc aminazin cho BN. Khoảng 5 năm trở lại đây TT tự cân đối kinh phí, ký hợp đồng với các công ty dược để trực tiếp mua thuốc, do đó có 15 BN được dùng thuốc thế hệ mới bởi cơ thể kháng thuốc, có rối loạn vận động. Và chi phí 50 nghìn đồng/BN/tháng không đủ chi phí điều trị, bác sĩ đã áp dụng biện pháp giảm liều, cắt bớt thuốc, cho BN dùng liều thấp nhất và ổn định. Mỗi tháng mỗi BN có thêm 8.000 đồng điều trị bệnh thông thường, số tiền này được san sẻ cho những BN thường xuyên bị bệnh khác tấn công (mỗi ngày có khoảng 10 BN mắc bệnh thông thường).

Chữa bệnh bằng liệu pháp

Một phương pháp chữa bệnh TT đang được áp dụng tại TTĐDNTT Đà Nẵng là sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc +  điều dưỡng + vận động tập thể dục + ca hát. 5 năm trở lại đây, khi bác sĩ Nguyễn Thái Nguyên áp dụng phương pháp điều trị liệu pháp, sức khỏe của BN cải thiện rõ rệt. Ở đây là sự kết hợp chủ yếu giữa âm nhạc + lao động (trồng rau, tự phục vụ trong bữa ăn) và hỗ trợ về tâm lý giao tiếp (giữa các BN, với nhân viên phục hồi chức năng, với người làm từ thiện, đọc báo).

Theo điều tra của Viện nghiên cứu phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng, đến năm 2011 thành phố có 93% số người có thẻ BHYT. Thành phố đang phấn đấu đạt BHYT toàn dân trong năm 2012 và Đà Nẵng cũng đang hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho BN, nên bác sĩ Trần Văn Mau hy vọng rằng sắp tới BN TTPL sẽ được dùng thuốc an thần kinh thế hệ mới hoặc thuốc kháng an thần kinh mới. Lúc đó nếu kết hợp giữa thuốc và phương pháp điều trị liệu pháp, số người mắc bệnh TT sẽ giảm rõ rệt, cuộc sống của người bệnh cũng có ý nghĩa hơn, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Sử dụng thuốc chống loạn thần (CLT) ở các nước Đông Á: 71,9% là thuốc cổ điển và 28,1% là thuốc thế hệ mới. Haloperidol là thuốc cổ điển được dùng nhiều nhất (25%), tiếp theo là Clopromazine (9,7%), Levomepromazine (8,7%), Sulpiride (8,4%). Việc sử dụng thuốc thế hệ mới với tỉ lệ thấp nhất là Singapore (3,6%), Nhật (21,5%), Hàn quốc (27,1%), Hồng Kông (35,2%), Đài Loan (42,3%) và Trung quốc (51,3%).

Chi phí hằng ngày của thuốc thế hệ mới cao hơn nhiều so với thuốc cổ điển trừ thuốc Clozapine ở Trung Quốc. Giá thuốc này ở Singapore và Đài Loan cao gấp 40 lần ở Trung Quốc. Tại Đài loan, các thuốc thế hệ mới chỉ được dùng cho những bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc cổ điển, cho người già hoặc khi có tác dụng phụ nhiều. (Khảo sát sử dụng thuốc CLT trong điều trị TTPL ở khu vực Đông Á)

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.