.

Ava Hồ trong trái tim người Cơtu

.

Dù mấy lần thay đổi chỗ ở, tên họ, nhưng trong trái tim của anh em Alăng Nhơi vẫn không đổi thay hình ảnh một Ava Hồ kính yêu.
 

Già Trương Văn Nhơi thôn Tà Lang luôn tự hào vì chỉ nhà mình mới có đến hai ảnh Ava Hồ.
Già Trương Văn Nhơi thôn Tà Lang luôn tự hào vì chỉ nhà mình mới có đến hai ảnh Ava Hồ.

Lần nào lên thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, tôi cũng không quên ghé thăm bà Trương Thị Ríp, tôi gọi là cô Ríp, nguyên Chủ tịch Hội LHPN huyện Hiên. Tuần rồi ghé lại, tôi mới biết bà đã ra đi vĩnh viễn. Trên bàn thờ bà có vòng hoa chia buồn của Công an thành phố Đà Nẵng. Trang trọng ở gian giữa nhà bà là bàn thờ Bác Hồ, nơi mà mỗi lần tôi lên thăm, bà đều thắp một nén nhang trước khi vồn vã bắt chuyện với tôi. Giờ đây, tôi là người thắp hương cho cả hai bàn thờ, không còn được nghe giọng nói trầm ấm mà chỉ thấy nụ cười bà lặng lẽ trên di ảnh để lại.

Tiếp tôi là già Trương Văn Nhơi, anh ruột của bà, nhà ở sát bên. Ngày trước, ông từng cùng với anh em du kích bắn rơi máy bay Mỹ ngay trên khu đất nay là Nông trường Sông Nam, gần cầu Tà Lang - Giàn Bí. Khi chiến tranh ác liệt, ông theo bà con dân tộc mình lên huyện Hiên, nay là huyện Đông Giang, với cái tên mới là Alăng Nhơi. Bà Ríp em ông cũng đổi tên thành Lê Thị Liễu để hoạt động cách mạng, tên gọi này được ghi trong Giấy chứng nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng của bà vào năm 2010.

Đồng bào Cơtu gọi Bác Hồ là Ava Hồ. Dù mấy lần thay đổi chỗ ở, tên họ, nhưng trong trái tim của anh em Alăng Nhơi vẫn không đổi thay hình ảnh một Ava Hồ kính yêu. Anh em ông đi đầu trong phong trào thờ ảnh Ava Hồ ở Tà Lang. Riêng nhà ông còn có một ảnh Ava Hồ khắc trên đĩa đá nghệ thuật do đơn vị bộ đội tặng con trai ông khi cậu hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Trước đó, ghé thăm già Trần Văn Nhu ở thôn Giàn Bí, thấy trên tường nhà ông có Giấy chứng nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng vào năm 2008 ghi tên ông. Ngược lại khoảng thời gian này, ông nhớ những tháng ngày gian khổ khi đi dân công ở Điện Bàn, Đại Lộc; khiêng tên lửa cho bộ đội bắn máy bay Mỹ; đưa bộ đội đánh đồn Phò Nam, nay là thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc... Ông kể: Hồi đó, nghe lời Ava Hồ, coi Cách mạng trên hết chứ có nghĩ gì tới vợ con. Sống thì nhờ, chết thì thôi. Nhiều khi đói lả người, cầm cây súng không nổi, nhưng vẫn kiên trung. Chủ yếu là ăn củ sắn to như bắp chân, nên mới có câu “ăn sắn thắng Mỹ”.

Chợt nhớ câu nói của ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, nơi có 100 hộ với 341 nhân khẩu đồng bào Cơtu: “Đồng bào Cơtu sống rất chân thật, một là một, hai là hai. Lòng kính yêu Bác Hồ của bà con là không có gì lay chuyển”.

Ông Vân kể, khi triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” xuống tận chi bộ, người Cơtu thôn Phú Túc có cách làm riêng của họ, rất thực tế và hấp dẫn, không lý luận gì nhiều. Như khi bầu trưởng thôn chẳng hạn, mọi người quây quần trong nhà Gươl cùng hát múa, diễn văn nghệ cho nhau xem. Đến lúc kiểm phiếu, thấy người đắc cử trưởng thôn mới có số phiếu cao là mọi người đứng dậy hát vang bài “Như có Bác Hồ”.

Bài hát cũng là cách để người Cơtu học tiếng phổ thông, tức tiếng người Kinh, như chuyện kể của Bí thư chi bộ Phú Túc Nguyễn Văn Lớ. Sau khi thắp hương trên bàn thờ Ava Hồ trong nhà Gươl, ông Lớ cất tiếng hát: Hdum manua dhi poalum Ava Hồ. Chatau Ava phoonh, soonh Ava poonh phuh… Đó là câu Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ. Râu Bác dài, tóc Bác bạc phơ... trong bài hát “Em mơ gặp Bác Hồ” của Xuân Giao, được chuyển sang tiếng Cơtu.

Sau khi ghi lại cho tôi câu hát bằng tiếng dân tộc mình, ông Lớ bảo, chính bài hát thiếu nhi nổi tiếng này đã giúp ông học được “cái chữ của Ava Hồ” như cách gọi của ông. Ngày đó, khi còn ở Phú Túc, lớp thiếu nhi cỡ tuổi ông chỉ nói được tiếng Cơtu, khi tản cư lên Nam Giang, nhờ các thầy dạy học tiếng bằng bài hát, ông mới dần dà làm quen và nói được tiếng Kinh. Cũng qua “nhịp cầu” âm nhạc này, ông biết đến Ava Hồ qua những bài thiếu nhi khác như: Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Em là mầm non của Đảng,…

Phó Bí thư chi bộ Phú Túc là Lê Văn Hoàng, con ông Lê Văn Nghĩa, nguyên là Bí thư kiêm Trưởng thôn Phú Túc. Hoàng hiện là cán bộ phụ trách Lao động-Thương binh & Xã hội xã Hòa Phú. Hoàng có 5 em thì 4 người đã có công ăn việc làm làm ở các cơ quan, đơn vị trong xã, một người còn đi học. Tôi gặp Hoàng lần đầu là ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hội An, nơi anh em Hoàng được cử tuyển vào học. Tại đây, Hoàng đã quen với một cô gái Cơtu người Đông Giang và nay đã thành vợ thành chồng, vợ Hoàng hiện dạy ở Trường tiểu học Hòa Phú khu vực Phú Túc. Với Hoàng, Ava Hồ là người đã mang lại cơm no áo ấm không chỉ riêng cho gia đình mình mà cho cả đồng bào mình.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.