.

Bài toán nan giải

“Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, giá trị gia tăng lớn, đạt yêu cầu về hiệu quả - chất lượng - sạch, theo hướng phục vụ cho đô thị, du lịch, khu công nghiệp và gắn với các ngành nghề khác, góp phần bảo vệ môi trường... Quy hoạch xác định vành đai xanh, xây dựng các vùng rau an toàn, rau cao cấp, vùng hoa, cây cảnh, cây ăn quả; xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ với các địa phương khác trong vùng”.

Những nội dung này được đề ra một cách cụ thể trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố và được nhắc lại trong quá trình đánh giá, triển khai nhiệm vụ của chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang trong thời gian gần đây.

Vấn đề sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, theo tiêu chí “sạch”... phục vụ đô thị, phục vụ cho đời sống hằng ngày của chính người dân Đà Nẵng đã được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng việc thực hiện chưa đạt được như mong muốn. Một minh chứng cụ thể là theo đánh giá của Đại hội lần thứ XV Đảng bộ huyện Hòa Vang (nhiệm kỳ 2010-2015) về kết quả thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2005-2010), cũng đã từng có nhận định “Sản xuất nông nghiệp bị động do thiếu quy hoạch chi tiết, thiếu tính chiến lược; một số chủ trương đã đề ra như: xây dựng thương hiệu hàng nông sản, sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp... nhưng thực hiện chưa đạt yêu cầu”. Nhận định đó đến nay vẫn còn giá trị, bởi trên thực tế, những vấn đề về sản xuất nông nghiệp theo định hướng này vẫn đang gặp phải khó khăn rất lớn.

Chất lượng bữa ăn của từng gia đình hiện bị đe dọa không phải từ thu nhập, mà từ việc vệ sinh an toàn thực phẩm không được bảo đảm. Trong đó, có trách nhiệm rất lớn từ việc chưa hình thành và bảo đảm phát triển bền vững của các vùng rau chuyên canh an toàn; chưa bảo đảm việc liên kết trong sản xuất - tiêu thụ để hình thành một đường dây “sạch” cho sản phẩm nông nghiệp - trong đó có rau sạch, đến với mỗi gia đình ở Đà Nẵng...

Nhìn lại quá trình thực hiện trong gần 15 năm qua, có thể thấy, việc thực hiện khó khăn không chỉ đến từ thiếu quy hoạch, mà cái chính là chưa giải nổi những bài toán từ thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp.

Trước tiên, đó là bài toán về sự kết hợp thiếu chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông; được cụ thể hóa trong thực tiễn qua việc lúng túng trong khâu liên kết, tổ chức nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp được sản xuất có chất lượng, bảo đảm an toàn đến người tiêu dùng. Người nông dân Đà Nẵng không thiếu cần cù, thông minh để tiếp cận với những kỹ thuật mới; nhưng khi họ kết hợp tốt với nhà khoa học thì lại thiếu vai trò hỗ trợ tích cực của Nhà nước hoặc doanh nghiệp. Điều đó thể hiện ở việc quy hoạch chưa đồng bộ và bền vững, các dự án thiếu hiệu quả, sự hỗ trợ về vốn chưa bảo đảm; doanh nghiệp không mặn mà do hiệu quả kinh doanh ban đầu gặp nhiều khó khăn, không đủ sức duy trì hoạt động để xây dựng và quảng bá thương hiệu trên lĩnh vực nông nghiệp...

Hoặc khi Nhà nước, nhà doanh nghiệp mặn mà, thì nhà nông lại làm ngơ vì nhiều lý do; trong đó có một bài toán khó giải khác là mối quan hệ giữa chất lượng và giá cả sản phẩm. Trên thực tế, việc đầu tư sản xuất theo quy trình kỹ thuật và bảo đảm chất lượng trong quá trình sản xuất nông nghiệp của nhà nông đã không được đền đáp một cách tương xứng. Cụ thể, trên lĩnh vực sản xuất rau sạch, người tiêu dùng vẫn chưa có độ tin cậy vào sản phẩm của những nhà sản xuất chân chính, nên giá cả dĩ nhiên là ưu tiên so sánh hàng đầu. Trong khi đó, chi phí đầu tư của nông dân cho việc sản xuất rau sạch là quá cao nên cạnh tranh không lại. Thế là dẫn đến sự “phá sản” giấc mơ rau an toàn của nhà nông; trong khi Nhà nước và nhà doanh nghiệp cũng đành bó tay!

Chính vì vậy, khi đặt ra vấn đề đi tìm sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, bảo đảm hiệu quả - chất lượng - sạch, thì cần phải đi từ thực tế để giải những bài toán khó theo từng bước; trong đó yếu tố sản xuất và thị trường đóng vai trò quan trọng, chứ không chỉ là quy hoạch xong rồi để đó!

ANH QUÂN
 

;
.
.
.
.
.