Đấy là một nơi không chỉ gom góp, nuôi dưỡng, cưu mang những mảnh đời bất hạnh mà còn là bến đỗ của những con người tìm lại với chính mình.
Nơi đây, những người già đã có thể yên tâm vui sống. |
Bước ra từ vùng tối
Khi đặt chân đến Trung tâm (TT) Bảo trợ xã hội Đà Nẵng, hình ảnh đầu tiên mà tôi bắt gặp là chị Nguyễn Thị Hương (1954, Đại Lộc, Quảng Nam) dỗ dành từng thìa cơm cho những đứa trẻ thiểu năng.
Cuộc đời của chị thấm đẫm những nhọc nhằn tủi nhục. Mẹ mất sớm, cha đi thêm bước nữa. Mới học đến lớp 4, chị phải nghỉ học giữa chừng một mình tự bươn chải mưu sinh. Lập gia đình, với đồng tiền kiếm được ít ỏi từ nghề lái xe ôm của chồng cũng không đủ để thuê nhà và nuôi sống cả gia đình khi hai đứa con nhỏ lần lượt ra đời.
Chị tay bồng, tay dắt con nhỏ khi thì bán vé số, lúc lang thang xin ăn. Có lúc, chị đành phải nghĩ ra nhiều “chiêu” để làm mủi lòng người qua đường. Buổi tối, vỉa hè đường Trần Phú (Đà Nẵng) là nơi gia đình chị đoàn tụ. Mùa nóng, chịu cảnh muỗi đốt. Mùa mưa, gió tạt, mưa vây. “Thỉnh thoảng đang ngủ say giấc, nghe xe của công an đến, tôi phải vội vàng vùng dậy, ôm con xách quần áo chạy thục mạng mà không biết mình phải đi về đâu. Khi nhìn lại, phía sau mình là cả một bóng đêm bao trùm, mẹ con tôi lại ngủ gà ngủ gật trên đường phố đợi ngày mai…”. Ánh mắt chị xa xăm nhắc lại khoảng thời gian cũ.
Năm 1997, cuộc sống của gia đình chị bắt đầu chuyển sang “trang mới” khi được đưa về TT, dù rằng người chồng đã bỏ mẹ con chị đi biệt xứ. Ở đó, chị không phải bươn chãi với miếng ăn hằng ngày. Hai đứa con chị được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác. Niềm tự hào lộ rõ trên khuôn mặt chị: “Giờ đây, đứa con gái lớn đã tốt nghiệp cấp III, còn thằng út đang học sửa xe sắp ra nghề”. Hằng tháng, ngoài tiền ăn uống, thuốc men, mỗi người trong gia đình chị được chu cấp thêm 150 ngàn/người. Chị dành dụm, tiết kiệm để lo cho tương lai các con sau này. Điều đó dường như rất đỗi bình thường với những người khác, nhưng ở hoàn cảnh gia đình chị lại là điều chị chưa bao giờ dám nghĩ tới.
Học cách cưu mang
Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh của TT, dọc theo hàng ghế đá là những cụ già đang ngồi hóng mát, những đứa trẻ nô đùa, tiếng nói cười xen lẫn. Ngoài vườn, ông Lê Khả Độ (58 tuổi) đang tận tình hướng dẫn cho mọi người tưới rau, trồng cải. Những mầm rau non xanh trong nắng. Nhiệm vụ chính của ông là lo khâu giường chiếu, chăm sóc nuôi dưỡng, lẫn công tác ma chay cho những người ở TT qua đời.
Ở TT từ ngày mới thành lập (1996), đến nay, ông có khá nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, đối xử và giáo dục những người ăn xin. Ông kể: Ngày TT mới thành lập, lượng người lang thang ăn xin chuyển về nhiều bao gồm người già, trẻ em, bệnh tật, nghiện rượu, tinh thần bất ổn… Để tránh tình trạnh xảy ra xung đột, anh chị em trong TT phải thường xuyên thăm hỏi sức khỏe họ, chỉ cho mọi người học cách nhường nhịn, cưu mang lẫn nhau. Và hơn hết là sống vì mọi người.
Như anh Nguyễn Văn Đông (55 tuổi, Quảng Nam) không nơi nương tựa, sống lưu lạc trên đường phố, ăn xin bữa đói bữa no, bệnh tật. Khi được chuyển vào TT, anh được nuôi dưỡng, chữa lành bệnh. Giờ, một ngày đến với anh là một ngày anh cảm thấy mình không vô dụng, sống có trách nhiệm với bản thân và với xã hội. Ngoài việc lao động trồng rau trong vườn để cung cấp thêm cho bữa ăn của các thành viên, anh còn được TT phân công làm trật tự viên, canh giữ trật tự trong khuôn viên. Như chị Hương, giờ, chị luôn xem việc được chăm sóc, giúp đỡ các em thiểu năng là niềm vui của chính mình, vừa chia sẻ bớt nhọc nhằn của những người đã gắn bó cuộc đời mình với TT, vừa chăm lo cho cuộc sống của những người gặp phải hoàn cảnh như chị.
Nhiều năm chung sống với họ, như rất nhiều anh chị em khác ở TT, ông Độ luôn xem họ như người thân trong gia đình. Để rồi, mỗi khi có nỗi niềm gì, họ lại chia sẻ rất chân tình: “Chú Độ nè! đêm khuya, tôi đau bụng mà sợ làm phiền mọi người không dám gọi ai”. “Chú Độ nè! khi tôi chết đi, tôi cũng muốn được mai táng chu tất như chú đã làm cho ông (bà) đó vậy”.
Đôi mắt ông Độ lóng lánh tình người khi nói: “Họ thật đáng thương, đáng trân trọng. Họ rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người để có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng”. Đó, âu cũng là lý do ông nguyện gắn cuộc đời mình với TT cho đến bây giờ.
Cần có một nghề đàng hoàng
Đà Nẵng ngày nay không chỉ phát triển mạnh về kinh tế mà còn là thành phố du lịch đã thu hút đông đảo du khách khắp nơi về tham quan. Kéo theo đó, là những người nghèo tìm đất mưu sinh.
Năm 2012, tại TT còn khoảng 150 người, (chưa kể có 61 người thu gom được từ ngày 1-3 đến ngày 4-4-2012), đa số không có nơi nương tựa và sống lâu năm tại TT. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Liên, Giám đốc TT, những người mới đưa về lần này đa số là biến tướng của ăn xin, họ không trực tiếp ăn xin mà vừa bán vừa xin, chèo kéo. Họ thường phản ứng gay gắt khi bị đưa về TT. Nhưng sau vài ngày sống với những người đồng cảnh ngộ, họ tĩnh tâm nhận ra mình cần có một cái nghề đàng hoàng để nuôi sống bản thân. Phần lớn, họ được gia đình, người thân bảo lãnh về quê sinh sống, chuyển đổi nghề nghiệp. Trừ những trường hợp quá đặc biệt, TT sẽ hướng nghiệp, tạo công ăn việc làm nếu còn khả năng lao động hoặc sẽ nuôi dưỡng với những người không còn sức lao động.
Ông Liên cũng cho biết thêm: Nếu các địa phương có sự kiểm soát chặt chẽ lượng người cư trú trên địa bàn của mình và tuyên truyền chủ trương chung của thành phố Đà Nẵng sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng người ăn xin biến tướng ở thành phố.
Bằng sự sẻ chia, sự đồng cảm, TT là nơi mà bao cuộc đời đã mở sang một trang mới, tuy muộn màng nhưng thấm đẫm tình người. Khi xa nơi này, nhiều người đã không tin vào mắt mình khi nghĩ, trước đây, những cụ ông, cụ bà hiền hậu ngồi kia, những đứa trẻ trong veo đôi mắt kia, từng là những người đã từng ăn xin, giả mù, giả điên, lê lết ngoài đường… Riêng với những người may mắn được TT xác minh tìm lại người thân, được về với gia đình; họ hy vọng một ngày nào đó sẽ có dịp trở lại Đà Nẵng để thăm TT, để đi du lịch, vui chơi chứ không phải là hình ảnh của một người ăn xin hè phố.
TUYẾT PHAN