Một buổi tối mùa thu Hà Nội, Bác Hồ sang thăm nhà đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đang vui chuyện, Bác quay sang bà Bích Hà là vợ Đại tướng, hỏi vui: - Có phải không cô Hà, nghe nói chú Văn chịu khó tập đàn? Sao không đánh thử Bác nghe?
Không thể từ chối, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liền ngồi vào cây đàn pianô vốn được kê ngay phòng khách. Với dáng điệu nghiêm trang, Đại tướng suy nghĩ xem nên đánh bài gì cho Bác nghe. Và rồi, tiếng đàn vang lên giai điệu bài hát quen thuộc: Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Bác ngồi lắng nghe, niềm xúc động ngời lên khóe mắt. Lúc này Đại tướng đã lấy lại bình tĩnh, đánh tiếp để Bác nghe bài So-nat của Betthôven.
Bác chăm chú nghe, sau đó chợt hỏi: Chú có chơi các bài dân ca của ta không?
Liền đó, cây đàn pianô dưới các ngón đàn của Đại tướng vang lên giai điệu các Trống cơm, Trảy hội đêm rằm…, những bài mà chính Đại tướng cũng rất thích và thường hay chơi.
Bác Hồ tỏ ra thích thú rõ rệt.
Khi Đại tướng sắp rời cây đàn, Bác mỉm cười gật gù: Chú đánh hay đấy, nhưng mà chú đã đánh bài Kết đoàn chưa?
Bị bất ngờ, Đại tướng đành thành thật thưa với Bác: Dạ chưa.
Bác cười tươi hơn và nói: Đánh giặc, chú đánh cả trận to lẫn trận nhỏ. Đánh đàn, chú phải đánh cả bài khó lẫn bài dễ mới là giỏi. Bài Kết đoàn ai cũng hát, chưa đánh được bài Kết đoàn thì chưa giỏi, hà hà! Bác cười rất đôn hậu.
Quả thật, bài hát quen thuộc này từ trong kháng chiến chống Pháp, khắp nơi dường như ai cũng biết hát. Nhưng có ai ngờ Bác yêu cầu đánh bài ấy trên chiếc đàn pianô vốn vẫn dành cho những bản nhạc mang tính kinh điển. Và cũng bởi một lẽ giản đơn: chưa có ai soạn cho pianô bản ca khúc nhỏ bé ấy!
Nhưng, lời yêu cầu của Bác như một mệnh lệnh. Vị Đại tướng đã nhờ người soạn ca khúc Kết đoàn cho đàn pianô để ông tập một cách nghiêm chỉnh và đầy hào hứng, chẳng bao lâu nó đã được ông thể hiện một cách trơn tru. Đối với ông, điều ấy không khó vì ông đã từng đánh được những bài khó trong danh sách những bài cổ điển dành cho pianô.
Chỉ có điều tiếc rằng, cho đến mãi sau này, vị Đại tướng lừng danh, người học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch đã không bao giờ có cơ hội đánh đàn bài này cho Bác Hồ nghe nữa. Người đã vĩnh viễn đi xa.
NẠI HIÊN (sưu tầm)
Những chi tiết trong bài dựa theo bài viết của nhà văn Đào Vũ đăng trên Báo Văn Nghệ số 35 (1599), ra ngày 1-9-1990.