Nếu việc nghiên cứu, sưu tầm tên của các danh nhân, địa danh, sự kiện, di tích và danh từ tiến hành chậm chạp thì sẽ không tránh khỏi việc “quỹ tên đường” mau “hết vốn” trong thời gian tới.
Nếu việc nghiên cứu, sưu tầm tên của các danh nhân, địa danh, sự kiện, di tích và danh từ tiến hành chậm chạp thì sẽ không tránh khỏi việc “quỹ tên đường” mau “hết vốn” trong thời gian tới. |
Những sai sót không đáng có
Tháng 10-2011, khi giới thiệu đường Lê Đình Lý trên Báo Đà Nẵng cuối tuần, người phụ trách chuyên mục “Hồ sơ tên đường” đã truy cập vào “Đường phố Đà Nẵng” ở trang http://www.danang.gov.vn và ghi lại thông tin từ trang này: “Đường Lê Đình Lý dài 550m, rộng 8m”. Rất may, tòa soạn có một anh nhà ở ngay đường Lê Đình Lý, thấy đường rất rộng mà sao bài viết ghi chỉ có 8m. Chưa hết, anh phát hiện thêm là đường này dài gần cây số chứ không chỉ 550m!
Được thông báo, người phụ trách “Hồ sơ tên đường” liên hệ đối chiếu số liệu thống kê “Đường năm 2011” của Sở Giao thông-Vận tải thì đúng là đường này dài 853m, rộng 15m thật.
Cả “Đường phố Đà Nẵng” lẫn “Đường năm 2011” có nhiều số liệu “vênh” nhau như thế. Chẳng hạn như đường Bùi Thị Xuân, theo “Đường phố Đà Nẵng” thì đường này “dài 200m, rộng 7m, từ đường Trần Quang Diệu rẽ về phía cầu Nguyễn Văn Trỗi”; theo “Đường năm 2011” thì dài 550m, rộng 6m, điểm đầu giáp đường Trần Quang Diệu, điểm cuối giáp Trần Hưng Đạo.
So sánh hai thông tin này, có thể suy đoán rằng, “Đường phố Đà Nẵng” trên danang.gov.vn cập nhật từ khi đường Bùi Thị Xuân mới làm xong được 200m (vì đã xác định điểm đầu nên đã có tên đường), xong rồi dự đoán rằng nó chạy về phía cầu Nguyễn Văn Trỗi. Còn Sở GTVT thì cập nhật khi đường đã hoàn thành. Tuy nhiên số liệu hai bên vẫn còn “đá” nhau ở bề rộng của mặt đường. Muốn xác định số liệu nào đúng, chỉ có cách là đem thước đi đo thực tế?!
Công bằng mà nói, so với “Đường phố Đà Nẵng” thì thống kê của Sở GTVT có đầy đủ hơn, tuy nhiên vẫn còn một số “hạt sạn”. Số liệu do Phòng Quản lý giao thông đô thị của Sở cập nhật đến tháng 12-2011 cho thấy đường Trương Hán Siêu dài 260m, rộng 3,75m. Khi đi thực tế chụp hình minh họa cho bài giới thiệu tên đường này trên báo Đà Nẵng cuối tuần mới thấy nó rộng cũng phải đến 7,5m.
Giải thích những trường hợp số liệu sai lệch như thế, ông Nguyễn Văn Trường, chuyên viên Phòng Quản lý giao thông đô thị cho biết, theo phân cấp quản lý thì UBND các quận, huyện trực tiếp quản lý, bảo trì đường có mặt đường rộng từ 7,5m trở xuống, số liệu về các đường này được tập hợp từ báo cáo của UBND các quận, huyện, Sở không kiểm tra hết được nên khó tránh khỏi sai sót.
Khi chúng tôi viết bài này thì trang web giới thiệu đường phố Đà Nẵng vẫn chưa chỉnh sửa, cập nhật các thông tin sai sót. Có nhiều đường phố đã được đặt tên từ lâu nhưng vẫn chưa được “lên mạng” như đường Tú Mỡ (đặt ngày 3-12-2010), đường Nguyễn Sáng, Nguyễn Phước Tần (cùng đặt ngày 24-12-2009), đường Nguyễn Viết Xuân (đặt ngày 8-7-2009)… Buồn cười là đường Lê Đại Hành đã được chuyển về địa điểm mới ở quận Cẩm Lệ từ lâu rồi nhưng trang này vẫn còn giới thiệu là “Đường Lê Đại Hành xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1958, từ đó đến nay không thay đổi” và “dài 240m, rộng 4,5m, nối đường Huỳnh Thúc Kháng đến đường Hoàng Diệu bên cạnh nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương thuộc quận Hải Châu” (!).
Cập nhật cả... quỹ tên đường
Hằng năm, Sở VHTT&DL chủ động xây dựng “quỹ tên đường” để đáp ứng nhu cầu đặt tên cho các đường phố mới, cuối năm 2010 “tồn quỹ” gần 40 mục tên. Năm 2010, Sở đã chủ trì đề tài Nghiên cứu, sưu tầm tên của các danh nhân, địa danh, sự kiện, di tích và danh từ để bổ sung vào “quỹ tên đường” trên địa bàn thành phố. Kết quả, theo anh Nguyễn Tiến Thành, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ văn hóa của Sở, đã có tổng cộng 565 mục tên, trong đó 457 mục tên nhân vật trong nước, 66 mục tên nhân vật người nước ngoài, 32 mục tên địa danh lịch sử, 10 mục tên mỹ từ.
Trong năm 2010 và 2011, từ “nguồn quỹ” này, HĐND thành phố đã đặt tổng cộng 205 tuyến đường là các nhân danh và địa danh lịch sử (không kể các tuyến đường được đặt theo phương thức địa danh kèm số). Như vậy, đến nay, theo anh Thành, “quỹ tên đường” còn lại ước khoảng 360 mục tên (trong đó có 66 nhân vật nước ngoài).
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Sở, một số nhân vật trong “quỹ”, dù đã được đặt tên đường ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhưng vẫn khó có thể được đặt ở Đà Nẵng như Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Lý Ông Trọng, Tiên Dung… Ngoài ra, các nhân vật nước ngoài cũng còn có những quan điểm chưa được thống nhất cao (nhất là các nhà triết học, tư tưởng của Trung Hoa đã được đặt ở TP. Hồ Chí Minh như Khổng Tử, Trang Tử, Tôn Tử…). Như thế, “quỹ tên đường” sẽ dễ “cạn kiệt”.
Hiện nay, các quận, Ban Quản lý các Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, Ban Quản lý Dự án hạ tầng giao thông đô thị, Công ty TNHH MTV Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng gửi đến Sở VHTTDL danh sách 293 đường phố đề nghị đặt tên đợt 1 năm 2012. Sau khi kiểm tra rà soát lại, có một số tuyến đường có đề xuất trùng nhau, còn lại 213 đường, cụ thể gồm: Cẩm Lệ 50 đường, Sơn Trà 76 đường, Thanh Khê 17 đường, Ngũ Hành Sơn 19 đường, Liên Chiểu 47 đường, Hải Châu 4 đường.
Vậy là, đợt 1 năm nay đã có trên 200 đường cần đặt tên. Nếu việc nghiên cứu, sưu tầm tên của các danh nhân, địa danh, sự kiện, di tích và danh từ tiến hành chậm chạp thì sẽ không tránh khỏi việc “quỹ tên đường” mau “hết vốn” trong thời gian tới.
VĂN THÀNH LÊ