Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong một hội nghị về dạy - học ngoại ngữ đã cho rằng, “cần phải đổi mới tư duy về dạy - học ngoại ngữ. Nếu cứ duy trì như hiện nay thì môn ngoại ngữ sẽ trở thành nỗi sợ hãi của sinh viên (SV)”.
Để rèn kỹ năng nghe-nói, nhiều SV đã tự bỏ tiền để học thêm kỹ năng này với các thầy giáo nước ngoài. |
“Choáng” với đầu vào
PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ dẫn chứng: “Năm 2009, khi ĐH Ngoại ngữ tiến hành khảo sát trình độ tiếng Anh đầu vào của 1.000 SV ĐH thuộc các trường thành viên ĐH Đà Nẵng, chỉ có 50 em, tương đương tỷ lệ 5% đạt mức B1; khoảng 5% SV đạt mức A2, số còn lại đều bị mất căn bản, dưới mức A1, không xếp loại được. Kết quả khảo sát đầu vào tiếng Anh năm 2010, 2011 có nhích lên một chút, nhưng cũng không quá 10% SV đạt mức B1”. Trong khi đó, theo QĐ 1400 của Thủ tướng Chính phủ, thì năng lực ngoại ngữ của học sinh (HS) THPT phải đạt trình độ B1; CĐ, ĐH không chuyên ngữ: tối thiểu B1 dựa theo khung tham chiếu về năng lực ngôn ngữ của châu Âu.
Đầu vào ngoại ngữ của HS phổ thông đã thấp, nhưng đầu vào của các học viên cao học cũng không khá hơn là bao. Kết quả của đợt kiểm tra ở ĐH Đà Nẵng lần 1 đối với gần 1.000 học viên cao học, có trên 80% không đạt trình độ B1 theo quy định. Đã có nhận xét cho rằng: “Phần lớn HS sau phổ thông “không để lại dấu ấn ngoại ngữ”, nhiều HS khi trở thành SV các trường ĐH, CĐ thì “bắt đầu học lại ngoại ngữ từ đầu. Và phần lớn trong số SV sau khi tốt nghiệp ĐH “cũng không dùng được ngoại ngữ”.
Đến nay, đã có 2 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng quy định SV phải đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ là một trong những điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp ĐH. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa quy định: kiến thức ngoại ngữ tương đương TOEIC 400 và am hiểu kiến thức tiếng Anh chuyên ngành. Trường ĐH Kinh tế quy định, SV chính quy phải đạt trình độ tiếng Anh tương đương TOEIC 450 hoặc 500 tùy theo từng chuyên ngành hoặc tiếng Pháp DELF A2 hoặc có chứng chỉ các ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 – Khung chung châu Âu.
Trong năm đầu tiên áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ, ĐH Bách khoa đã liên tục khai giảng các lớp ôn thi và tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực ngoại ngữ cho SV. Chính vì vậy, chỉ có chưa đến 30 SV chậm xét tốt nghiệp vì nợ chứng chỉ ngoại ngữ. Để SV không “tự bơi” với chuẩn đầu ra ngoại ngữ, ĐH Kinh tế cũng đã có những hỗ trợ tương tự. Thế nhưng, theo như nhận xét của một cán bộ quản lý Trường ĐH Ngoại ngữ thì, “nếu chúng ta không tổ chức thi và đánh giá ngoại ngữ “theo kiểu của chúng ta” thì, có thể, số lượng SV chưa được cấp bằng tốt nghiệp do chưa đạt chuẩn ngoại ngữ chắc sẽ không dưới 50%”. “Kiểu của chúng ta” ở đây, như cán bộ quản lý này nói, là các trường tự tổ chức thi với mức đề tương đương với chuẩn quốc tế, có mời giảng viên của Trường ĐH Ngoại ngữ tham gia ra đề, chấm thi. Chính vì vậy, giấy chứng nhận trình độ ngoại ngữ này chỉ có giá trị trong nội bộ các trường.
Xóa ranh giới trong dạy - học ngoại ngữ
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng thừa nhận, chỉ có khoảng 20 - 30% SV có đầu vào tiếng Anh có thể học ngay chương trình ở bậc ĐH; số còn lại phải học qua lớp dự bị mới có thể theo kịp chương trình. Thế nhưng, với cách phân loại chỉ ở 2 mức như trên, thêm vào đó, mức thời lượng dành cho việc dạy ngoại ngữ hiện nay trong các trường ĐH, CĐ thì yêu cầu sử dụng thành thạo ngoại ngữ đối với SV là rất khó thực hiện. Với thời lượng khoảng 10 tín chỉ ngoại ngữ ở bậc ĐH và khoảng 6 tín chỉ ở bậc CĐ, lớp học lại quá đông, khoảng 50 - 60 SV/lớp học... thì việc nâng cao mặt bằng ngoại ngữ cho SV là rất khó. Chưa kể, dù ĐH Đà Nẵng đã trang bị thêm phương tiện dạy ngoại ngữ ở các trường thành viên, thế nhưng, hiện tại, Trường ĐH Bách khoa chỉ có 4 phòng học tiếng/gần 10.000SV; ĐH Kinh tế: 3 phòng, ĐH Sư phạm 1 phòng/khoảng 5.000SV, CĐ Công nghệ: 1 phòng... Với số lượng phòng chuyên dùng cho dạy - học ngoại ngữ ít ỏi như thế nên phương tiện dạy học chủ yếu vẫn là máy cassette.
Trước thực trạng này, Trường ĐH Ngoại ngữ đã đề xuất một số giải pháp mang tính đột phá trong phương thức tổ chức dạy - học ngoại ngữ, trong đó, tận dụng được lợi thế của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ để “xóa biên giới trường, khoa, lớp” trong dạy - học ngoại ngữ.
Theo PGS.TS Phan Văn Hòa, với lợi thế của một ĐH vùng với nhiều trường thành viên và để có thể sử dụng triệt để sức mạnh chuyên ngành của mỗi thành viên thì cần thống nhất một đầu mối cho ĐH Ngoại ngữ. Trong đó, Trường ĐH Ngoại ngữ sẽ đảm nhận việc kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào, xác định chuẩn năng lực đầu ra theo chuẩn quốc tế. Các chương trình ngoại ngữ sẽ được thiết kế theo từng cấp độ, phân chia nội dung và thời lượng từ cấp thấp nhất A1 cho đến cao nhất C2. Trong mỗi cấp độ, còn có thể chia thành các cấp độ nhỏ hơn tùy theo từng ngành, từng trường và trình độ của SV như trong B1 có B1.1...
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, dự tính, từ khóa tuyển sinh 2012 sắp tới đây, sẽ bắt đầu thí điểm áp dụng triển khai cách thức đào tạo mới này tại một hoặc hai trường thành viên của ĐH Đà Nẵng. Để thực hiện một cách có chất lượng, đòi hỏi có sự vào cuộc mạnh mẽ của giáo viên (GV) khoa tiếng Anh (chuyên ngữ) của Trường ĐH Ngoại ngữ; Ban kiểm định chất lượng của ĐH Đà Nẵng cũng sẽ đảm nhận vai trò đảm bảo chất lượng, để cuối cùng, năng lực ngoại ngữ mà SV đạt được là thực chất. Ngoài lực lượng GV của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cũng sẽ huy động lực lượng trợ giảng là các SV khá, giỏi ở năm cuối, GV chuyên ngành có năng lực ngoại ngữ tốt ở các trường thành viên, GV tình nguyện quốc tế, doanh nghiệp tham gia thỉnh giảng... để tạo môi trường cho SV có điều kiện giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Dự tính, với cách dạy - học ngoại ngữ mới, ranh giới năm học cũng sẽ được xóa bỏ. SV sẽ học ngoại ngữ theo cấp độ phù hợp với năng lực ngoại ngữ hiện có theo kiểu tích hợp tín chỉ và phải đạt một số tín chỉ tối thiểu theo năng lực chuẩn được công bố về ngoại ngữ căn bản. Vấn đề băn khoăn còn lại, để SV đạt chuẩn ngoại ngữ như mong muốn thì GV buộc lòng cũng phải đạt chuẩn. Nói như TS Võ Như Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) thì muốn SV thành thạo các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết mà GV tiếng Anh chuyên ngành không thông thạo những thuật ngữ chuyên ngành thì khó mà thảo luận hoặc giải đáp thỏa mãn những thắc mắc cho SV...
SONG LINH