.

Chuyện xưa xứ Quảng: Lá rụng về cội

.

Từ đường dòng họ Nguyễn Tường hiện nay còn ở thành phố Hội An, nằm trên đường Lê Quý Đôn, giữa hai di tích được xếp hạng là Khổng Miếu và mộ của quan Tham tri Trần Ngọc Giao.

Từ đường Nguyễn Tường tại Cẩm Phô, Hội An. (Ảnh: Internet)
Từ đường Nguyễn Tường tại Cẩm Phô, Hội An. (Ảnh: Internet)

Người mở đầu cho dòng tộc danh giá này ở Hội An là cụ Nguyễn Tường Vân. Cụ sinh năm 1774, tại huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa (cùng quê với tổ tiên của Nhà Nguyễn - Gia Miêu, Tống Sơn), di cư vào sinh sống tại Gia Định và theo phò Nguyễn Ánh. Năm 1796, cụ được bổ vào chức Thị thư làm việc trong bộ tham mưu của Nguyễn Ánh. Năm sau, cụ theo Nguyễn Ánh ra đánh Quảng Nam, đóng quân ở nhiều nơi như cửa biển Đại Chiêm, Thanh Chiêm, Tam Thai... và lập được nhiều chiến công. Vì thế cụ đã chọn làng Cẩm Phô, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Cẩm Phô, thành phố Hội An) làm đất lập nghiệp. Trước, cụ có họ Nguyễn Văn, sau mới đổi lại Nguyễn Tường.

Chuyện kể, một hôm khi hành quân ở Quảng Nam gần cửa biển Đà Nẵng, Nguyễn Ánh chỉ một ngọn núi và hỏi cụ:

- Núi này tên gì?

Cụ tâu:

- Thưa đây là núi Phước Tường.

Nghe hai chữ Phước Tường, Nguyễn Ánh lấy làm vui. (Phước là việc tốt lành, Tường là rõ ràng) nên thấy cụ là người đồng họ, đồng hương lại có nhiều công trạng nên bảo:

- Nguyễn Phước là họ của ta. Nay ta ban cho nhà ngươi họ Nguyễn Tường.

Cụ Vân có tên là Nguyễn Tường Vân từ đó.

Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, cụ Nguyễn Tường Vân được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh cầu phong. (Trịnh Hoài Đức, người viết Gia Định thành thông chí làm Chánh sứ). Năm 1803, cụ được cử làm Cai bạ Quảng Nam. Cụ làm quan suốt hai triều Gia Long và Minh Mạng, trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Ký lục Bình Thuận, Hiệp trấn Nghệ An, Tham tri Bộ Hộ, Phó Tổng trấn Bắc thành, Thượng thư Bộ Binh.

Trước khi mất năm 1822, cụ có dâng một tờ biểu lên vua Minh Mạng trình bày một số kế sách về nội trị, ngoại giao, được nhà vua khen ngợi. Vì thế khi cụ mất nhà vua lấy làm thương tiếc ban cho vàng bạc, cấp cho người trông coi mộ phần; lại dụ cho các quan rằng: “Vân đủ cả tài chính sự, văn học, lo việc nước theo phép công, gặp việc nghĩ gắng sức, chưa ai có thể bì kịp, tiếc rằng , chí chưa thỏa, mà thân đã chết, lòng trung ái ấy tỏ rõ ở tờ biểu để lại; trẫm xem biểu, không ngờ nước mắt chứa chan”.

Hai người con của cụ đều đỗ đại khoa. Con trưởng Nguyễn Tường Vĩnh sinh năm 1789, đỗ cử nhân năm 1837, năm sau đỗ phó bảng (cùng khoa với khai khoa tiến sĩ lục tỉnh Lê Thiện Trị và phó bảng Nguyễn Dục). Ông khởi đầu hoạn lộ với chức Kiểm thảo biên tu, rồi Phụ đạo tại phủ Trường Khánh Công (dinh thự của vua Thiệu Trị - ĐNCT) để dạy hoàng tử Hồng Bảo (anh của vua Tự Đức). Khi Hồng Bảo bị truất, ông chuyển qua làm việc ở Tòa Thị thư rồi Án sát Khánh Hòa. Một thời gian sau được bổ làm Tuần vũ Hưng Yên rồi Định Tường.

Nguyễn Tường Phổ sinh năm 1807, là anh em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Tường Vĩnh. Ông thi đỗ cử nhân năm 1841, tiến sĩ năm 1842, từng trải qua các chức vụ Hàn lâm viện biên tu, Tri phủ Hoằng An (Thanh Hóa), Tân An (Định Tường), Giáo thọ Điện Bàn, Đốc học Quảng Nam. Ông mất năm 1857 tại quê nhà.

Thời đó, việc đỗ đạt của hai anh em nhà Nguyễn Tường là một hiện tượng đặc biệt, hết sức vinh hiển. Một nhà, hai khoa liên tiếp (1838, 1842) đều có người đỗ đại khoa, em lại đỗ cao hơn anh.

Dòng Nguyễn Tường sau này không có nhiều người đỗ đại khoa như trước nhưng đều giữ được nếp nhà. Con trai của cụ Nguyễn Tường Phổ là Nguyễn Tường Tiếp đỗ cử nhân ở Trường thi Hà Nội, làm đến chức Tri huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Người con trai duy nhất của Nguyễn Tường Tiếp là Nguyễn Tường Nhu làm Thông phán Tòa sứ.

Cụ Nguyễn Tường Nhu có 6 người con trai và một người con gái. Các con cụ đều là những người học hành thi cử đỗ đạt có tiếng, trong đó có ba người là những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn: Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Ba ông không những là những người sáng lập mà còn là những cây bút chủ lực của Tự lực Văn đoàn trong thập niên 30 của thế kỷ XX.

Hoàng Đạo chết năm 1948 tại Quảng Đông, Trung Quốc. Mộ ông hiện nay còn ở thị trấn Thạch Lỗi, Quảng Đông, Trung Quốc. Thạch Lam chết năm 1942, an táng ở Hà Nội. Còn Nhất Linh mất ngày 7 tháng 7 năm 1963 tại Sài Gòn.

Ngày 28-4-2001, các con của Nhất Linh đã đưa hài cốt ông và vợ ông (bà Phạm Thị Nguyên) về chôn tại Nghĩa trang Nhân dân thành phố Hội An. Di ảnh của Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam cũng được thờ tại từ đường Nguyễn Tường tại Hội An.

Thế là những đứa con của tộc Nguyễn Tường ở Cẩm  Phô, Hội An sau hơn một trăm năm lưu lạc, cuối cùng cũng đã tìm về lại mảnh đất mà cụ cố Nguyễn Tường Vân đã chọn làm nơi “phát tường địa” năm nào. Đúng là “Nấm cỏ đưa về tấc đất xuân” như tên một bài báo nói về sự kiện này. Nhưng có lẽ nhiều người vẫn nghĩ “lá” luôn “rụng về cội”.

LÊ BÌNH TRỊ

;
.
.
.
.
.