.
CHUYỆN XƯA XỨ QUẢNG

Lập lò chén bằng... mỹ nhân kế

.

Ngày đó, để lấy được bí quyết nghề làm chén, người dân làng Lộc Thượng đã phải sử dụng một trong ba mươi sáu kế.
 

Những khuôn chén, bát còn sót lại của Lò Chén Làng.
Những khuôn chén, bát còn sót lại của Lò Chén Làng.

Chuyện là vào cuối thế kỷ XIX, có một người Hoa ở phường buôn Minh Hương (Hội An) tên là Khách Gia Bang (thường gọi là Ba Bang) đến mở cơ sở sản xuất hương tại chân đèo Le (làng Lộc Thượng, xã Quế Long, huyện Quế Sơn) và làm ăn rất phát đạt. Nhưng sau đó vì có nhiều người địa phương học lóm nghề rồi làm theo nên không còn độc quyền như trước nữa, hương sản xuất ra tiêu thụ được rất ít, ông bỏ nghề và chuyển sang làm nghề sản xuất chén, bát.

Lúc đầu để người dân địa phương khỏi học lóm nghề, ông Ba Bang rời làng Lộc Thượng và chuyển về làng Cang Tây (thị trấn Đông Phú, Quế Sơn ngày nay) để mở lò sản xuất nhưng đất ở đây chịu nhiệt kém nên sản phẩm làm ra chất lượng thấp, bán không chạy. Ông Ba Bang và một số người Hoa lại kéo nhau về làng Lộc Thượng xin cư trú trở lại và tìm vị trí mới để xây lò chén.

Được sự mách nước của dân địa phương, ông Ba Bang phát hiện ở phía nam đèo Le có mỏ cao lanh với trữ lượng khá lớn và đất ở đây chịu lửa khá tốt nên ông làm lễ vật đến trình lý trưởng làng Lộc Thượng rồi lên quan huyện, quan tỉnh xin xây dựng lò chén ở chân đèo Le. Sau khi được các cấp chính quyền sở tại cho phép, ông về Hội An mời một số thương nhân người Hoa như Khách Hãn, Khách Xuồng, Khách Phách... góp vốn rồi tuyển thợ để xây dựng lò chén.

Rút kinh nghiệm, lần này để giữ bí quyết nghề nghiệp và khai thác nguồn lợi lâu dài từ lò chén, ông Ba Bang đã sử dụng toàn người Hoa để đảm nhận những khâu sản xuất quan trọng như quản lý, điều hành, kỹ thuật... và trả công rất hậu hĩnh. Trong khi đó, ông chỉ thuê mướn nhân công địa phương làm những công việc nặng nhọc, vất vả như đào đất, vận chuyển đất, bửa củi đun lò... nhưng trả công rất thấp.

Không cam tâm khi thấy điều phi lý đó, một số nhân sĩ làng Lộc Thượng đã lên phương án học lóm nghề làm lò chén bằng... mỹ nhân kế. Họ đứng ra thuyết phục ông Lý trưởng Hà Kiếm (còn gọi là Cửu Kiếm) gả con gái cho một anh thợ lành nghề người Hoa tên là Trịnh Tấn rất giỏi trong việc giã đất, lọc đất và pha trộn đất; đồng thời vận động lý trưởng cho anh này ở rể để dễ dàng trong việc truyền nghề cho một số người dân địa phương.

Trong một thời gian ngắn, dưới áp lực của cha vợ và sự tác động của người vợ theo kiểu lạt mềm buộc chặt, Trịnh Tấn đã dần dần truyền dạy hết bí quyết nghề làm chén cho một số người dân trong làng như ông Tư Rẫy, ông Ròng, ông Điểu... Đồng thời, ông Đỗ Phiên - một thân sĩ có uy tín trong làng - cũng đã thành công trong việc thuyết phục ông Xã Ba gả cô con gái Ba Thì cho anh thợ tên Trường, người rất giỏi trong việc xây lò và vô lò; vận động bà Hội lấy ông Hai Hoành, một thợ giỏi chụm lửa và coi lửa... Qua các bà vợ này, họ khai thác hết những ngón nghề trong các khâu sản xuất chén, bát của người Hoa.

Sau khi nắm hết được các kỹ thuật, vào khoảng đầu thập niên 1910, lý trưởng Cửu Kiếm đứng ra vận động bà con trong làng, kẻ góp công, người góp của cùng nhau xây dựng lò chén tại Hố Lớn, gọi là Lò Chén Làng. Những sản phẩm do Lò Chén Làng làm ra về kỹ thuật không thua kém gì sản phẩm của lò chén người Hoa do ông Ba Bang làm chủ. Nguồn lợi từ Lò Chén Làng sau khi trả chi phí do việc sản xuất và tái sản xuất, ông Cửu Kiếm đem phân phối đều cho những người trong làng tham gia vào quá trình sản xuất nên họ rất tin tưởng, phấn khởi và hăng say trong lao động sản xuất.

Về phần ông Ba Bang, vì tuổi già sức yếu lại có sự cạnh tranh của Lò Chén Làng nên ông không đủ sức để điều hành và đã trở về Hội An an hưởng tuổi già, một thời gian sau thì mất. Ông giao lò chén lại cho con trai là Hai Nấu để tiếp tục duy trì sản xuất nhưng cũng chỉ tồn tại được một thời gian nhất định...

Năm 1949-1950, Mặt trận Liên Việt cùng với xã đội Quế Phong (huyện Quế Sơn) xây dựng một lò chén tại làng Lộc Thượng, lấy tên là Lò Chén Liên Việt để lấy lợi nhuận làm tài chính phục vụ kháng chiến chống Pháp. Sau đó không lâu, bà con tín đồ đạo Cao Đài cũng xây dựng một lò chén ở đây lấy tên là Lò Chén Cao Đài. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, các lò chén này đã giải quyết việc làm cho nhiều người dân trong và ngoài xã. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ rộng rãi ở các chợ lớn trong huyện lúc bấy giờ như: Cây Bùi, Đông Phú, Chợ Đàng, Hương An, Bà Rén..., hiệu buôn Việt Quảng ở Hội An và các huyện trong cả tỉnh, thậm chí còn được đưa đi tiêu thụ ở tận Quảng Ngãi, Bình Định. Chính nhờ vậy mà đời sống nhân dân trong xã được cải thiện, nhiều người có của tích lũy, góp phần tích cực vào việc đóng góp phục vụ kháng chiến và giải quyết nạn đói xảy ra vào năm 1952.

Sau năm 1975, UBND xã Quế Phong (cũ) cho xây dựng lại HTX Sành sứ tại Cấm Bầu (Lộc Thượng) nhưng do phương tiện, kỹ thuật lạc hậu, sản phẩm làm ra không đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng sành sứ khác trên thị trường nên tự giải tán.

Ngày đó, tuy người ta chưa quen với cụm từ “gián điệp thương mại”, nhưng diệu kế của người dân Lộc Thượng thì dùng cụm từ này để gọi quả chẳng ngoa chút nào.

AN TRƯỜNG

;
.
.
.
.
.