Một trong những nỗi cực nhục mà nhân dân ta phải cam chịu dưới thời thực dân Pháp đô hộ là không được phép mở trường, không được đi học. Ở làng Tân Hạnh (nay thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), người dân quyết không để cho con em mình phải mang tiếng dốt chữ...
Trường Tân Hạnh xưa giờ là Trường Mầm non Hòa Phước khu vực thôn Tân Hạnh. |
Năm 1933, ông Nguyễn Ngọc Kinh (còn gọi là Kỳ), một trong những thanh niên tiến bộ ở làng Tân Hạnh hồi đó, bị Pháp bắt giam ở nhà lao Hội An. Lúc người bạn cùng làng là ông Nguyễn Ngọc Cầu đến thăm, ông Kinh dặn ông Cầu về địa phương thành lập một tổ chức khoảng 10 người lấy tên là “Tân Lương phổ”, nghĩa là “Hội làm việc lành mới” để dễ dàng tổ chức hoạt động nhằm nâng cao dân trí.
Từ mấy năm trước đó, hai ông đã từng lén lút trao đổi với một số thanh niên tiến bộ trong làng về những bộ sách của các chí sĩ yêu nước như “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu, “Chấn dân khí” của Phan Châu Trinh, “Tờ cớ mất quyền tự do” của Trần Hữu Độ... Ngoài ra, bất cứ văn bản, thư tịch, thơ ca, hò vè nào có nội dung đề cao tinh thần yêu nước đều được các ông chuyền tay nhau. Từ đó, một luồng tư tưởng cách mạng nhen nhóm rồi bùng lên trong tim, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn dân tộc, các ông không đành lòng ngồi yên nhìn người trong làng mình thất học.
Hội “Tân Lương phổ” được thành lập, ông Cầu làm hội trưởng. Trong làng, ai ốm đau - Hội tổ chức thăm viếng, ai chết - Hội đến trợ giúp an táng mồ yên mả đẹp. Hồi đó, trong làng còn có lệ đãi đằng khách đến viếng người quá cố, nhưng các thành viên của Hội chỉ đến lo trợ tang, còn các khoản ăn uống thì từ chối tất. Thấy việc làm của Hội có kết quả, nhiều người xin vào, ngày càng đông. Dần dà, ngoài việc chia sẻ nhau trong cuộc sống, Hội nghĩ đến việc tổ chức học chữ quốc ngữ, thời đó ngay cả nhà giàu cũng ít người được đi học. Một ông kêu ông Kinh bằng dượng được mời lên dạy học. Học sinh lúc đầu chỉ mươi lăm người, sau lên gần bảy mươi, ngồi kín khắp mấy dãy chiếu trải suốt 2 gian 2 bên đình làng Tân Hạnh. Tuy ăn uống kham khổ, nhưng thầy vẫn tích cực dạy. Hằng tháng, bà con kẻ ít người nhiều góp lại trả công thầy vài đồng.
Đầu năm 1935, mãn hạn tù về, ông Kinh vận động đưa ông Cầu làm lý trưởng để dễ bề hoạt động cách mạng mà việc ưu tiên hàng đầu là xin mở trường học. Sau khi nắm ấn triện “lý trưởng” trong tay, ông Cầu làm đơn xuống Đốc học ở Hội An xin lập trường, Đốc học không cho. Lên tỉnh, tỉnh đồng ý, nhưng bảo không có ngân sách. Quan huyện Hòa Vang mới bày ra kế “bán chức” cho những ai có tiền muốn mua chức tước để vừa lấy oai với bàn dân thiên hạ, vừa khỏi phải đi xâu. “Chánh tổng dụng” được rao giá 30 đồng, “Phó tổng dụng” 20 đồng, nhưng lâu quá, không thấy ai mua…
Nghe nói trong làng Bảo An quê ông Phan Thanh nhiều người cần mua chức, các ông cử người về đó bán được 8 cái “Chánh tổng dụng”. Còn 2 cái “Phó tổng dụng”, một cái nhờ Chánh tổng Trần Khắc Thiệu bán ở Cẩm Nam, một cái nhờ quan huyện Hòa Vang bán cho một người làm thợ nề. Nhưng người thợ nề này không có tiền, quan mới bày ra cách cứ đứng nhận làm trường rồi lấy công trừ vào tiền mua chức.
Thế là, nhờ gần 300 đồng “mua quan bán chức”, cộng với số tiền ủng hộ của hiệu sách Việt Quảng ở Đà Nẵng, làng Tân Hạnh khởi công làm trường. Chính quyền Nam triều chính thức công nhận trường và bổ nhiệm giáo Hạng (Phan Hạng) về phụ trách giảng dạy. Học sinh con em nhà nghèo theo học ngày một đông.
Một đêm vào đầu năm 1945, làng Tân Hạnh ra mắt Hội Truyền bá quốc ngữ. Ông Phạm Dục (tức xã Ký, người làng Hà Thanh gần đó) đứng lên kêu gọi, đại ý: “Bà con hãy mau học chữ quốc ngữ. Có học mới biết đâu là chính nghĩa để mà theo, đâu là phi nghĩa để mà tránh. Có học mới thấy được thân phận nô lệ của mình, mới biết được ai đang bóc lột mình”.
Tháng 4-1945, ông Trương An (người làng La Châu, nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) đến Tân Hạnh, Quá Giáng tổ chức truyền bá quốc ngữ cho thanh-thiếu niên quanh vùng. Hai ông Nguyễn Ngọc Cầu và Lê Xuân Hòa được giao nhiệm vụ đôn đốc người đi học. Hội Truyền bá quốc ngữ Tân Hạnh do ông Nguyễn Quyên làm trưởng ban, tổ chức ban ngày học văn hóa, ban đêm nghe cán bộ cách mạng tuyên truyền Việt Minh.
Đầu tháng 8-1945, ông Nguyễn Xuân Diệp lên Tân Hạnh công bố quyết định của Huyện ủy Hòa Vang đổi “Hội Truyền bá quốc ngữ” thành “Ủy ban Khởi nghĩa cướp chính quyền”.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành hàng loạt sắc lệnh quan trọng nhằm khuyến khích giáo dục. Tại các làng Tân Hạnh, Nhơn Thọ, Quá Giáng, Miếu Bông..., nay thuộc xã Hòa Phước, do có phong trào học chữ quốc ngữ phát triển mạnh từ trước ở trường Tân Hạnh nên các thành viên nòng cốt tại đây đã nhanh chóng đưa phong trào “Bình dân học vụ” rộng khắp các nơi. Phong trào này đã góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân địa phương, tạo nên một đội ngũ cán bộ có đủ trình độ văn hóa để lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương về sau này.
VĂN THÀNH LÊ
(Theo lời ông Nguyễn Ngọc Cầu và tư liệu của Đảng bộ xã Hòa Phước)