.

“Có nhà ở” sẽ về đích

.

Bất kể thị trường nhà đất trên cả nước biến động, thất bại ở các địa phương về chủ trương xây nhà cho người thu nhập thấp, hay giá vật tư xây dựng lên cao, giấc mơ có nhà ở với người nghèo, người có thu nhập thấp ở Đà Nẵng đang trở thành hiện thực.

Người thu nhập thấp được sống trong những căn hộ khang trang, tiện ích.
Người thu nhập thấp được sống trong những căn hộ khang trang, tiện ích.

Giá căn hộ rẻ

Ở các địa phương khác mặc dù được chính quyền hỗ trợ nhiều về bàn giao nền đất sạch nhưng đến khi đưa vào bán thì giá cao chót vót. Theo tính toán, loại trừ tiền đất thì giá thành xây dựng 5 - 6 triệu đồng/m2, giá bán 7 - 9 triệu đồng là chấp nhận được, thế nhưng hầu hết các nơi, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều được nhà đầu tư công bố mức giá 13 - 14 triệu đồng/m2.

Thế nhưng ở Đà Nẵng, những căn hộ được bán với giá chỉ 5,2 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư Vicoland xây dựng 800 căn hộ được bán với giá thành phố duyệt là 5,2 triệu/m2, tức chỉ dưới 300 triệu đồng/căn hộ 50m2, 2 buồng ngủ, có thang máy. Công ty Đức Mạnh với dự án nhà xã hội Blue House có 13.700m2 sát bờ sông, tầm nhìn thật đẹp, dịch vụ hỗ trợ cao cấp nhưng cũng rao bán với giá 5,6 triệu/m2.

Có thể do nguồn tiền trong xã hội đang khan, mặc dù mỗi căn hộ chỉ có giá từ 250 đến 350 triệu đồng nhưng vẫn còn khá nhiều căn chờ người mua.

Nếu nơi khác lên kế hoạch về nhà cho người thu nhập thấp là vì những mục tiêu chính trị xã hội, lồng trong những mục đích kinh doanh hợp lý, ít lãi; thì với Đà Nẵng đây không chỉ là món nợ với 1.684 lô đất tái định cư chưa bố trí mà còn là kế hoạch chỉnh trang lâu dài còn cần đến diện hộ chung cư.

Có nghĩa là, theo quy định, những hộ có diện tích dưới 50m2 thì không được bố trí đất ở khu dân cư mới mà phải vào ở chung cư. Thử tính toán, blốc nhà chung cư trung bình 200 hộ thì số đất thu được từ 200 hộ này là trên dưới 10.000m2. Nguồn thu từ khai thác 10.000m2 này là đủ để xây những tòa nhà chung cư cho họ. Nếu không đủ, lấy ngân sách bù vì đây chính là đối tượng đông đảo cần phải an dân trước khi nghĩ đến chuyện khai thác đất với những hộ có diện tích lớn. Và Đà Nẵng đã đi đến quyết định các nơi khác khó mà bắt chước: Lên đề án xây 93 khối nhà với 7.361 căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp. Vì những lý do khách quan, 93 khối nhà chưa hoàn thành đúng với kế hoạch đề ra, nhưng Đà Nẵng đã lộ rõ một dáng vẻ của nếp sống đô thị hiện đại và nền nếp nhìn từ hàng chục khối chung cư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; cùng hàng chục khối nhà khác đang ngày một hiện rõ hình hài.

Thử lý giải

Khi Đà Nẵng đề ra “5 không”, nhiều người thấy rõ là Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; Không có giết người để cướp của là rất khó hoàn thành, đơn giản vì đó thuộc về khách quan và cũng không biết đến bao giờ là có thể tổng kết được hai điều đó. Tuy nhiên, không có người lang thang xin ăn thì thực sự gây ấn tượng mạnh với đồng bào cả nước. Người lang thang xin ăn bất kể từ đâu đến đều được mời về trung tâm bảo trợ xã hội nuôi ăn đến bao giờ chán thì gọi người nhà đến bảo lãnh mới cho về. Chi phí ít nhưng xem ra khá hiệu quả, chỉ cần sự quyết tâm. Riêng cái “không” này đạt được là có thể xem như Đà Nẵng thành công lớn.

Nhưng đến khi Đà Nẵng đề ra “3 có” thì sự hoài nghi cao nhất rơi vào Có nhà ở. Có việc làm và Có nếp sống văn minh ngó vậy mà dễ vì ... trừu tượng, khó có điểm để tổng kết; thế nhưng “có nhà ở” lại là một chỉ tiêu cụ thể. Trong một nhiệm kỳ 5 năm mà dân không có nhà ở thì có thể kết luận được lãnh đạo Đà Nẵng nói cho vui!

Trong cơ chế thị trường, Đà Nẵng liệu có đủ ngân sách xây nhà cho dân nghèo vào ở? Hơn nữa, sự tiêu cực trong phân phối nhà ở là điều rất khó kiểm soát, liệu nhà được xây có đến được dân nghèo? Giá nhà bán ra rẻ người có tiền nhảy vào mua cả thì bao nhiêu ngân sách mới đủ? Nhà được cấp dân vào ở nhưng kẹt đem bán lại, hóa ra không có nhà ở thì giải quyết sao? Tất cả những câu hỏi này chỉ có thể được giải khi có nguồn cung dồi dào. Và hình như Đà Nẵng lại may mắn một lần nữa khi thị trường bất động sản cả nước rơi vào điểm đáy.

Khi Đà Nẵng tiến hành khai thác quỹ đất thì thị trường địa ốc đất đai cả nước chỉ có tăng trưởng nóng sốt suốt hơn chục năm ròng, bao nhiêu đất khai thác đều nhanh chóng được bán và thành phố đã có một nguồn ngân sách lớn. Và nay, khi đất đai đóng băng thì Đà Nẵng lại có một cơ hội hiếm có khác để dùng nguồn ngân sách đó xây nhà cho dân nghèo mà không lo sự đầu cơ của người có tiền.

Sau 1975 có thể do nguồn đất dồi dào Đà Nẵng chưa chú trọng  xây chung cư. Chỉ khi tiến hành chỉnh trang đô thị thì nhà chung cư mới được xây. Những căn hộ đầu tiên xây dọc đường Nguyễn Tất Thành nhanh chóng xuống cấp do hệ thống chống thấm từ buồng tắm nhà bếp gần như không có. Nay, những căn hộ cho người thu nhập thấp nhưng chất lượng khá cao, khá khang trang đã được xây và đủ nguồn cung cho người dân Đà Nẵng.

HỒ TRUNG TÚ
 

;
.
.
.
.
.