* Trong chuyên mục Cửa sổ tri thức trên Báo Đà Nẵng cuối tuần trước đây, tôi thấy có giải thích “mỗi tay sách (còn gọi là ca-yê, phiên âm của từ tiếng Pháp cahier, nghĩa thông thường là quyển vở, nghĩa trong ngành in là tay, tập)”. Xin cho biết một số từ khác như công-tắc (điện), dên (xe máy), pông-tu (xe máy)... có phải cũng có nguồn gốc từ tiếng Pháp? (Nguyễn Hùng, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
Lò rèn với người “xụt bệ” trên bưu ảnh thời Pháp thuộc. (Ảnh tư liệu) |
- Gần 100 năm người Pháp đô hộ Việt Nam, vì thế tiếng Việt vay mượn khá nhiều từ có nguồn gốc tiếng Pháp. Có rất nhiều từ đã Việt hóa đến độ ít ai nghĩ rằng chúng có gốc Pháp, chẳng hạn như xà phòng/xà bông (savon), xi-măng (ciment), cà-phê (café), ô-tô-ma-tíc/au-tô-ma-tic (automatique, nghĩa là tự động),…
Công-tắc là phiên âm của contact, (từ kỹ thuật tiếng Anh và tiếng Pháp viết giống nhau), nghĩa là: tiếp điểm, chỗ tiếp xúc; cái công tắc; cái hãm; tiếp xúc; nối (mạch) (điện).
Pông-tu là phiên âm của từ tiếng Pháp pointu, nghĩa đen là nhọn, nghĩa trong kỹ thuật chỉ cây kim điều chỉnh xăng trong xe máy.
Dên là cách đọc trại của từ tiếng Pháp bielle, nghĩa là thanh truyền. Nói là đọc trại, vì từ này phiên âm đúng phải là bi-ên. Vì thế, có thể nói đây là từ có “bà con khá xa” so với từ nguyên tiếng Pháp. Kỹ thuật xe máy có từ “đôn dên” để chỉ việc thay đổi tỷ số truyền giữa bánh răng gắn ở trục quay kéo xích (bánh xe nhỏ) và bánh răng ở trục bánh xe (bánh răng lớn) bằng cách thay pít-tông (piston, cũng từ tiếng Pháp) và tay biên để tăng tỷ số nén buồng đốt; nếu tỷ số truyền lớn thì xe sẽ “mạnh” hơn, nhưng hao xăng hơn. Các loại xe thồ chạy đường nhiều dốc, xe chở nặng thường “đôn dên” là vì thế.
Nói thêm, do không biết rõ từ gốc tiếng Pháp nên đã có một số người phiên âm không chuẩn. Ví dụ: fut, danh từ, nghĩa là thùng phuy đã bị viết sai thành phi; carburateur (bộ chế hòa khí) đã sai thành bi-ra-tơ.
Để tránh tình trạng sai biệt này, có thể tham khảo cuốn Từ điển Các từ tiếng Việt gốc Pháp (Dictionnaire des termes Vietnamiens d’étymologie française) của các tác giả Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân, xuất bản năm 1992.
“Đồ xụt bệ”
* Người Quảng Nam có thành ngữ “đồ xụt bệ” để chê người không có nghề nghiệp, người không ra gì. “Xụt bệ” ở đây có liên quan gì đến cái bệ của thợ rèn hay không? (Lê Công Tư, Điện Bàn, Quảng Nam).
- Ngày trước, trong nghề thợ rèn thì cực nhất là kéo hai cái bệ để thổi hơi cho lò, suốt ngày đứng mãi một chỗ, lặp đi lặp lại một động tác đến chán giữa hơi nóng hầm hập. Để tìm người cáng đáng công việc nặng nhọc này, ông thợ rèn thường đi tìm những trai tráng không nghề ngỗng, không cần kiến thức gì, miễn là có sức khỏe dẻo dai để... xụt bệ. Bản thân những anh chàng “xụt bệ” này cũng không đòi hỏi gì nhiều, miễn là có cơm ăn rượu uống hằng ngày là được. Dần dần, trong dân gian hình thành thành ngữ “đồ xụt bệ” để chỉ những cái gì không hay, những người làng nhàng không nghề nghiệp.
Giới nghiên cứu cho rằng “đồ xụt bệ” có nguồn gốc miền Trung 100%. Bởi, để chỉ động tác này, người miền Nam gọi là “thụt bệ”, người miền Bắc gọi là “kéo bễ”. Tác giả Nguyễn Thạc Điền có bài thơ “Kéo bễ” lấy cảm xúc từ nghề này: Giong ruổi xóm thôn lưng cả còng/ Phì phò năm tháng vẫn như không/ Chân co rạng rỡ chân ao ước/ Bễ mở hồn ôm bễ sướng mong/ Đâu phải “cau xanh” tình chóng thắm/ Mà như “vôi trắng” chuyện nhanh xong/ Nhân duyên trăm sự do thiên định/ Ấy khúc gia hòa chẳng quản công.
ĐNCT