Chấp tử
* Vừa rồi, một nhóm trẻ viếng đám tang ông nội của bạn mình có đi một câu liễn, ở phần liệt kê tên của các thành viên nhóm trẻ này có ghi: “Chấp tử: Nguyễn Văn A, Trần Văn B, Lê Văn C…”. Tang chủ không hiểu “chấp tử” nghĩa là gì. Có người bảo là “bất chấp tử thần” chăng? Xin quý báo giải thích giùm trường hợp này. (Công Chiến, Đài Truyền thanh Hòa Vang, Đà Nẵng).
- Theo Wiktionary, chấp tử là một trong những cách xưng hô theo Hán – Việt. Con tự xưng với cha ghẻ/cha dượng là chấp tử.
Tra Hán Việt từ điển, thấy có từ chấp 執 (danh từ) nghĩa là bạn tốt, bạn cùng chí hướng. Ví dụ: chấp hữu 執友 nghĩa là bạn bè; phụ chấp 父執 là bạn của cha. Có lẽ từ nghĩa ban đầu này đã phát sinh từ chấp tử 執子 nghĩa là tiếng con tự xưng với cha ghẻ/cha dượng như đã nói trên.
Nhóm bạn trẻ nói trên viếng đám tang ông nội bạn mình mà ghi chấp tử là hoàn toàn không chính xác, vì người mất không phải là cha ghẻ/cha dượng của các bạn đó.
Việc xưng hô theo Hán - Việt hiếm khi diễn ra trong đời sống thường nhật nên rất phức tạp, dễ nhầm lẫn. Nhiều cách gọi, xưng hô rất lạ. Ví như: Trưởng tức (dâu lớn); thứ tức (dâu thứ); quý tức (dâu út); giá nữ (con gái đã có chồng); sương nữ (con gái chưa có chồng); cựu phụ (cậu); cựu mẫu (mợ)… Lạ nữa, mợ còn có cách gọi khác theo Hán - Việt là câm.
Nói thêm, chấp tử cũng xuất hiện trong Kinh Thi ở bài Kích cổ, thiên Bội phong: “Chấp tử chi thủ/ Dữ tử giai lão” (Nắm chặt tay em/ Cùng em sống đến già). Bài thơ tả tâm trạng của người nước Vệ (Trung Hoa) khi đi chinh chiến xuống phía Nam vẫn luôn nhớ mong, thề thốt với người yêu. Tuy nhiên, nghĩa của từ chấp tử ở đây hoàn toàn không quan hệ gì với vấn đề đang bàn.
Cần xé
* Trong một buổi trà dư tửu hậu, có anh bạn cắc cớ hỏi rằng: Gà xé, mực xé... rõ ràng là những món “mồi” để nhậu, vậy cần xé có phải cũng là món rau cần xé ra để lai rai. Tôi giải thích rằng “cần xé” không phải là một món nhậu mà là một loại sọt để đựng hàng, nhưng xuất xứ của từ này thế nào thì… chịu. Rất mong quý báo giải đáp. (Nguyễn Hòa, Hòa Vang, Đà Nẵng).
- Cần xé đúng là một sọt to bằng mây hoặc tre, miệng rộng, đáy sâu, có hai quai, thường dùng để đựng hàng hóa khi chuyên chở (ảnh).
Về xuất xứ của từ “cần xé”, có thể tham khảo ý kiến của tác giả Nguyễn Đức Hòa trong bài viết “Quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1860 đến năm 2008 và những kết quả tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố” đăng trên trang tainguyenso.vnu.edu.vn như sau:
“Nhiều người cho rằng địa danh “Chợ Lớn” có lẽ được phát âm theo tiếng Khơ-me “Cần Chớ” có nghĩa là cái cần ché hay xé, loại vật dụng đan bằng tre để phục vụ ngày mùa hay săn bắt thủy hải sản. Ở Nam Bộ nhất là Sài Gòn, Chợ Lớn ngày nay vẫn còn thông dụng nhiều vật dụng đan lát bằng tre, trong đó có cần xé - có nguồn gốc từ chữ Cần Chớ”.
Cũng có người cho rằng “cần xé” có nguồn gốc từ từ panier, tiếng Pháp, có nghĩa là cái sọt, cái giỏ. Panier có âm đọc là pa-niê, cũng na ná với cần xé, nhưng giới nghiên cứu cho rằng cần xé có “họ hàng” gần với tiếng Khơ-me hơn.
ĐNCT