.
Cuộc sống phụ nữ Ai Cập thời hậu Mubarak

Cách mạng ngược

.

Trong nỗ lực lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak hồi năm ngoái, phe đối lập ở Ai Cập huy động nữ giới với lời hứa sẽ có cuộc cách mạng về giới. Phụ nữ Ai Cập quá ngán sự hà khắc của Mubarak nên chẳng ngại sát cánh cùng phái mạnh trong những cuộc biểu tình.

Phụ nữ Ai Cập từng được huy động biểu tình với lời hứa có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phụ nữ Ai Cập từng được huy động biểu tình với lời hứa có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đất nước Ai Cập đã bước vào thời kỳ hậu Mubarak được 15 tháng và tiến hành bầu cử tổng thống mới. Vậy mà những nhà hoạt động nhân quyền cho rằng phụ nữ Ai Cập vẫn chịu cảnh đứng bên ngoài những quyết định quan trọng của đất nước.

“Trong cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập, nữ giới được huy động. Nhưng giờ đây khi đất nước cần được ra những quyết định thay đổi lịch sử thì nữ giới bị đặt sang một bên”, Hoda Badran - người đứng đầu Hiệp hội bình quyền cho nữ giới Ai Cập nói. Đây là hiệp hội bị cấm hoạt động dưới thời Mubarak nhưng được khôi phục hồi năm ngoái.

Phụ nữ chỉ chiếm 2% ghế trong Quốc hội mới. Tỷ lệ này là quá thấp so với con số 12% dưới thời của Mubarak. Chính quyền quân sự không có bất cứ phụ nữ nào dựa vào quy định của sửa đổi hiến pháp sau cuộc trưng cầu dân ý hồi năm ngoái. 13 ứng cử viên cũng chẳng có phụ nữ nào trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên thời kỳ hậu Mubarak. Ứng cử viên Morsi là người phản đối kịch liệt nhất sự tham gia chính trị của nữ giới, nhất là những người ít học và nghèo.

Nhóm của Badran quyết định thuê hàng trăm chiếc xe buýt chở phụ nữ tới các điểm bầu cử để bỏ phiếu cho ứng cử viên nào có thái độ tôn trọng nữ giới, không sử dụng tôn giáo trong quá trình vận động tranh cử và không nói dối.

So với các nước láng giềng trong thế giới Ả Rập, Ai Cập tự hào là nước thoáng nhất với nữ giới. Phụ nữ có thể đệ đơn ly hôn, chiếm bộ phận đáng kể trong lực lượng lao động, có thể kết hôn với người nước ngoài... Tuy nhiên, Quốc hội đa phần những người theo đạo Hồi đang có những đề xuất nhằm hạn chế nữ quyền: Tuổi kết hôn của các cô gái giảm từ 18 tuổi xuống còn 13. Hủy bỏ quyền nuôi con (trai 7 tuổi và gái 9 tuổi) của những phụ nữ ly hôn... Đây là những quy định đã được phu nhân cựu tổng thống Mubarak đưa ra. Giờ đây, chế độ độc tài của Mubarak không còn, phụ nữ Ai Cập hy vọng sẽ có được những quyền lợi nhiều hơn nhưng không ngờ... Badran dự báo cuộc sống của phụ nữ Ai Cập có thể khó khăn hơn nữa sau cuộc bầu cử tổng thống lần này nếu như người đứng đầu quốc gia là người cổ xúy cho việc hạn chế nữ quyền.

ANH THƯ (theo Washington Post)

;
.
.
.
.
.