.

Đặt tên đường theo cụm

.

Mỗi con đường mới mở, sẽ được gắn với một cái tên nhất định. Song, khi đi trên những con đường gần nhau có cùng mối quan hệ gia đình, hoặc cùng hoạt động trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc, nhiều người như được gợi lên những cảm xúc, cùng sự liên tưởng đầy ý nghĩa.
 

Đường mang tên Bác nằm cạnh cụ thân sinh của mình.
Đường mang tên Bác nằm cạnh cụ thân sinh của mình.

Một cách để dễ nhớ tên đường

Sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Toản (SN 1948, 113 Lê Văn Thịnh, tổ 85, Hòa Phú 4A, Hòa Minh, Liên Chiểu) mỗi lần đi qua những con đường, góc phố thường chú ý, ghi nhớ từng tên đường để định vị cho những lần đi khác. Tại giao lộ Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, ông rất tâm đắc với cách bố trí tên đường của cơ quan chức năng khi đặt con đường mang tên Bác bên cạnh cụ thân sinh của mình. Bởi, theo ông, để hình thành nên nhân cách vĩ đại của Bác Hồ, thì không thể phủ nhận công lao của đấng sinh thành, nuôi nấng và dạy dỗ Bác. Điều đó phần nào tạo động lực để người con Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Cách đặt tên cho 2 con đường giao nhau này với ông thật tuyệt vời, vừa thể hiện tình cảm ruột thịt, tình cha con hòa thuận, đồng thời là tấm gương để người dân học hỏi.

Ông Toản cũng nhận ra rằng, cách đó không xa, ở khu vực Hòa Khánh, những con đường mang tên cha và con như Đặng Tất - Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân - Nguyễn Cảnh Dị giao nhau. Hoặc như trong khu tập thể Hòa Cường đều mang tên những sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX như Tiểu La, Châu Thượng Văn, Lê Cơ, Lê Vĩnh Huy, Lê Bá Trinh, Dương Thưởng, Mai Dị...

Ông Toản bắt đầu khám phá ra cho mình cách mới để dễ nhớ tên đường thành phố hơn bằng cách khoanh vùng các cụm tên đường có chung những mối quan hệ với nhau.

Khó  đặt tên đường theo cụm

Ông Nguyễn Chương (K 25/07, tổ 29, đường Trần Quang Diệu, An Hải Tây, Sơn Trà) tại khu dân cư An Trung cũng chia sẻ những con đường nơi ông sống đều mang tên của những người mà tên tuổi gắn với triều Tây Sơn như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Phan Huy Ích, Vũ Văn Dũng, Nguyễn Thiếp, Ngọc Hân. Trong đó, tên đường vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân - hai danh tướng phò tá vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) từ khi còn áo vải đến khi lên ngôi Hoàng Đế - được đặt cạnh nhau. Sống lâu năm ở nơi đây, ông Chương bảo, bản thân ông rất tự hào về nơi mình sống được gắn với những con đường mang tên đôi vợ chồng đồng lòng, son sắt, hy sinh vì nghĩa lớn.

Tuy nhiên, nét mặt ông thoáng buồn khi có nhiều tên đường “chồng một nơi vợ một nẻo”, như Lê Thị Xuyến - Phan Thanh - Lê Văn Hiến; Lê Ngọc Hân-Quang Trung; Lê Hồng Phong-Nguyễn Thị Minh Khai; Nguyễn Thái Học - Cô Giang (Nguyễn Thị Giang)…

Theo ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Ủy viên Hội đồng tư vấn về việc đặt, đổi tên đường thành phố Đà Nẵng, việc đặt, đổi tên đường theo cụm như thế tuy không trở thành tiêu chí nhưng đã có thực hiện được ở một số nơi. Tuy nhiên, trong quá trình đặt tên đường có quá nhiều ý kiến khác nhau và không đồng tình. Số lượng đường trước đây ít mà đặt theo cụm, trong khi các nhân vật khác chưa được đặt theo kiến nghị của các cử tri và các chuyên gia sẽ tạo ra sự vênh lớn giữa các nhân vật.

Hơn nữa, việc chọn cho các nhân vật lịch sử, văn hóa, quân sự để đặt thành cụm rất khó thực hiện. Bởi, lịch sử tên đường Đà Nẵng đã có sớm, ví dụ như các nhân vật là nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Du, (phường Thạch Thang), Đoàn Thị Điểm (phường Hải Châu II) đã đặt trước năm 1975, sau năm 1975 có Hàn Mặc Tử (phường Thanh Bình), Hồ Xuân Hương (phường Mỹ An), Thế Lữ (phường An Hải Bắc)… và gần đây, sau khi các nhà thơ Tố Hữu, Huy Cận qua đời phải đúng 10 năm mới đặt tên tại khu dân cư số 5 Nguyễn Tri Phương.

Do vậy, ở Đà Nẵng từ trước đến nay không áp dụng việc đặt tên đường theo cụm. Cách đặt tên đường thông thường được dùng hiện nay là khu dân cư nào, khu vực nào cũng có các nhân vật là các nhà hoạt động nghệ thuật, nhân vật tướng lĩnh quân sự, nhân vật chính trị và các anh hùng lực lượng vũ trang…

TUYẾT PHAN
 

;
.
.
.
.
.