Nhiều danh nhân có sự nghiệp lẫy lừng nhưng đường phố mang tên thì nhỏ, ngắn, hoặc đang xuống cấp, chưa tương xứng với công trạng, tài năng của họ là vấn đề đã và đang gặp ở nhiều đô thị trong cả nước. Có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố lịch sử, thời gian đặt tên đường trước đây quyết định khiến những vướng mắc này khó có thể sửa đổi.
Đường Lê Văn Duyệt, con đường ngắn nhất trong số các đường phố mang tên danh nhân đã được đặt tên ở Đà Nẵng. |
Tên tuổi lớn trên những con đường nhỏ
Nhiều con đường mang tên các danh nhân mà tiếng tăm lưu truyền mãi cho hậu thế khá nhỏ, ngắn. Và việc đặt tên đường sao cho tương xứng với công trạng và tài năng của từng danh nhân là một đòi hỏi hết sức lý tưởng, ai cũng mong như vậy nhưng thường lực bất tòng tâm, như những con đường được kể sau đây:
Lê Quý Đôn (1726-1784) là nhà văn hóa lớn của Việt Nam thời Hậu Lê. Ông là nhà bác học uyên thâm bậc nhất trong thế kỷ 18. Ông đã đỗ giải nguyên, đỗ bảng nhãn. Ông trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Sau khi mất, ông được truy tặng Thượng thư Bộ công, tước Dĩnh thành công. Công trình ông để lại gồm một thư tịch đồ sộ về nhiều môn: lịch sử, địa lý, văn học, ngôn ngữ, triết học, đáng chú ý nhất là Vân Đài luận ngữ, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Toàn việt thi lục, Đại Việt thông sử. Con đường mang tên ông có chiều dài 300m, rộng 8m, xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1962.
Lê Văn Duyệt (1763-1832). Từ năm 1780 ông theo Nguyễn Ánh, giữ chức Cai cơ, hai lần sang Xiêm, hết lòng phò tá cho việc khôi phục cơ đồ chúa Nguyễn. Khi vua Gia Long lên ngôi, phong ông làm khâm sai Chưởng tả quân dinh Bình Tây tướng quân, lãng chức Kinh lược xứ Thanh Nghệ. Không chỉ có tài quân sự, Lê Văn Duyệt còn là nhà chính trị giỏi. Ông giữ vững bờ cõi miền Nam, phát huy ảnh hưởng và uy thế của nước nhà ra các nước láng giềng. Con đường mang tên ông được đổi từ Rue Gateau từ năm 1954, dài 80m, rộng 6m, nối đường Bạch Đằng với đường Trần Phú, là đường ngắn nhất ở Đà Nẵng.
Lê Thánh Tông (1442-1497). Lên ngôi năm 1460, lấy niên hiệu Quang Thuận, sau đổi là Hồng Đức. Ông đã đề xuất nhiều cải cách về kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự, làm cho triều đại ông trở nên thịnh vượng. Năm 1471 ông thân chinh bình Chiêm Thành, thu hồi lại vùng Chiêm Động và Cổ Lũy, lập nên Quảng Nam thừa tuyên đạo. Ông đã cho vẽ Hồng Đức bản đồ năm 1490, hoàn chỉnh chế độ giáo dục và thi cử, tổ chức các khoa thi đều đặn để kén chọn nhân tài. Ông mất đi để lại bộ Hồng Đức quốc âm thi tập bằng chữ Nôm và nhiều bài thơ chữ Hán. Con đường mang tên ông dài 190m, rộng 7m, xuất hiện trên bản đồ Đà Nẵng từ năm 1958.
Và nhiều con đường khác như đường Lê Lai (dũng tướng của Lê Lợi. Bình Định vương từng nói Sau này ta mất đi, khi đến ngày giỗ ta, thì một ngày trước đó phải cúng tế Lê Lai, nên trong dân gian lưu truyền câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi) chỉ dài 350m; đường Lưu Quang Vũ chỉ dài 200m, rộng 6m; đường Nguyễn Tuân dài 252m, rộng 5,5m; đường Nguyễn Trường Tộ dài 210m, rộng 2,4m, có chiều rộng hẹp nhất trong số các con đường được đặt tên ở Đà Nẵng…
Tôn trọng lịch sử đặt tên
Việc đặt tên đường sao cho tương xứng với công trạng và tài năng của từng danh nhân là một đòi hỏi hết sức lý tưởng, các thành viên của Hội đồng đặt tên đường thành phố cũng như người dân đều mong như vậy nhưng thường lực bất tòng tâm. Theo lời một lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng, thì “lịch sử cần được tôn trọng, kể cả lịch sử đặt tên đường. Các thế hệ những người làm công việc đặt tên đường xa xưa trước đây cũng đã cân nhắc kỹ, không phải bây giờ chúng ta mới thấy tầm quan trọng của việc này. Do biến đổi lịch sử, địa lý, cơ cấu dân cư mà nảy sinh bất hợp lý, nhưng không phải mọi trường hợp đều cần chỉnh sửa. Trừ những trường hợp quá đặc biệt có liên quan đến sự trái ngược về thuần phong mỹ tục, về quan điểm đánh giá chính trị so với thể chế hiện tại, còn thì không nên thay đổi quá nhiều gây xáo trộn lớn. Việc xáo trộn sẽ gây nên rất nhiều hậu quả, tuy không gọi là nghiêm trọng, nhưng phiền toái thì chắc chắn là có nhiều”.
Khi một con đường đã được đặt tên thì cái tên ấy lập tức gắn chặt với các thông tin không thể và không nên thay đổi - trừ những trường hợp bất khả kháng (như đường Lê Đại Hành, đường Trần Hưng Đạo do chỉnh trang đô thị đã được di dời, ) - trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Trước đây có nhiều con đường nhỏ được đặt tên các nhân vật lịch sử, dẫn đến tình trạng nhiều danh nhân có sự nghiệp lừng lẫy, nhưng đường phố thì nhỏ, ngắn, chưa tương xứng với công trạng, tài năng của họ. Từ năm 2005 đến nay, các đường lớn được lựa chọn để đặt tên các nhân vật lịch sử có nhiều công lao với dân tộc. Với những đường đã được đặt tên, Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng đã ghi rõ: Không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.
Ngoài những danh nhân là anh hùng dân tộc, danh nhân quốc gia được cả nước suy tôn, các danh nhân khác căn cứ vào đâu để so sánh công trạng đặt tên cho đường phố lớn, bé, to, nhỏ? Đó là chưa kể, theo quan điểm của người này, nhân vật đó là nhỏ, công trạng ít, chưa nổi bật nhưng với người khác, nhân vật đó là lớn, công trạng nhiều… Hiện nay do xu hướng có nhiều đường phố mới cần đặt tên thì những đường dài 200m trở lên mới được đặt tên theo danh nhân, những đường nhỏ hơn thì phải đặt theo địa danh kèm số. (Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, Thành viên Hội đồng tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng TP. Đà Nẵng). |
HIỀN LƯƠNG