.

Đường vòng nội ngoại

.

Nếu không cho huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia được kiêm nhiệm công việc ở câu lạc bộ thì chắc chắn sẽ không tìm được người dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lúc này. Đó là lời than vãn mới nhất được đưa ra từ người lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Một đoàn công tác của VFF bao gồm Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VFF và Chủ tịch Hội đồng huấn luyện viên quốc gia cũng… lên đường đến Tổng cục Thể dục - thể thao để thuyết phục cơ quan này dỡ bỏ quy định trước đó mà chấp thuận việc cho phép huấn luyện viên kiêm nhiệm.

Từ lúc chuyên gia người Đức F. Goetz (ảnh trái) ra đi, ba người trẻ có trình độ, thành tích khá tốt ở chính CLB mà họ đang dẫn dắt có lý do để từ chối chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia, đó là: Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng và Lê Huỳnh Đức (từ trái qua). (Ảnh tư liệu)
Từ lúc chuyên gia người Đức F. Goetz (ảnh trái) ra đi, ba người trẻ có trình độ, thành tích khá tốt ở chính CLB mà họ đang dẫn dắt có lý do để từ chối chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia, đó là: Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng và Lê Huỳnh Đức (từ trái qua). (Ảnh tư liệu)

Hành trình kiếm tìm huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển Việt Nam sau lúc sa thải chuyên gia người Đức F. Goetz sao lắm truân chuyên, rối rắm! Đã có lúc, thất vọng với các kế hoạch “thầy nội”, có người nghĩ đến chuyện quay trở lại với phương án cũ là chọn “thầy ngoại” dù biết làm như thế chẳng khác nào tự vả vào mặt mình (sau thất bại liên tiếp với các triều “thầy ngoại”, VFF từng tuyên bố nhất quyết dùng nguồn lực trong nước).

Chưa biết các nỗ lực thuyết phục, thương thảo mới nhất giữa VFF và cơ quan quản lý Nhà nước đi đến kết quả nào, chỉ biết rằng đội tuyển bóng đá quốc gia tiếp tục vắng người cầm chịch thêm một thời gian giữa lúc các phần việc chuẩn bị cho các giải đấu và tương lai phát triển của làng bóng nước nhà thì không thể chậm trễ thêm nữa. Luống cuống, nan giải là tình cảnh của VFF lúc này!

Các ứng cử viên chức huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia (ba người trẻ có trình độ, thành tích khá tốt ở chính câu lạc bộ mà họ đang dẫn dắt) có lý do để từ chối chiếc ghế này. Đây là chỗ đứng vinh dự có thể giúp họ tạo dựng uy tín nghề nghiệp bên cạnh chế độ thù lao hậu hĩnh nhưng cũng là vị trí chất chứa nhiều rủi ro, mạo hiểm. Vào lúc bản thân VFF cũng không tự quyết định được nhiều chuyện hệ trọng liên quan đến đội tuyển, niềm tin vào cơ quan này cũng phai nhạt dần thì việc phó thác tương lai, sự nghiệp vào chiếc ghế mong manh là chuyện chẳng ai mặn mà. Nếu không chuẩn bị dự phòng một chỗ để kịp quay về lỡ khi thất bại, sự nghiệp và cuộc sống của họ sẽ rơi vào bế tắc. Chế độ kiêm nhiệm - vừa dẫn dắt đội tuyển quốc gia vừa giữ chân ở câu lạc bộ - vì thế sẽ giúp họ yên tâm hơn.

Ngược lại, cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực thể thao có quyền lo ngại về tính bền vững, xuyên suốt trong các tính toán đường dài liên quan đến đội tuyển, dẫn đến khuyến cáo cần một người chuyên trách có đủ năng lực, uy tín và dành toàn bộ thời gian cũng như toàn tâm toàn ý cho công việc này. Một người như thế trong đội ngũ huấn luyện viên bóng đá Việt Nam lúc này quả là chẳng dễ kiếm. VFF quả là đang đứng trước… hai làn đạn, xoay trở kiểu nào cũng thấy chật hẹp, khó khăn. Họ vừa sợ làm mất lòng công chúng vốn không tin nhiều lắm vào năng lực điều hành của VFF vừa loay hoay với chuyện tránh làm phật lòng cơ quan quản lý Nhà nước là Tổng cục Thể dục-thể thao.

Đường vòng nội ngoại phản ánh tính chất ngoằn ngoèo ở một bộ máy nhạt nhòa về năng lực, mỏng manh về sự tự tin. Từ chuyện này đến chuyện khác, tiếng nói của VFF ít được lắng nghe với lòng tin cậy, cả từ công chúng lẫn cấp quản lý Nhà nước. Đó có thể là mất mát lớn nhất mà một nền bóng đá phải gánh chịu lúc này.

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.