.
Hồ sơ tên đường

Tản Đà, người dịch thơ Đường hay nhất

.

Không chỉ được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của Thơ mới trong nền văn học Việt Nam, Tản Đà còn được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất.

Đường Tản Đà vòng quanh hồ  Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Đường Tản Đà vòng quanh hồ Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.

Tản Đà (1889 - 1939) tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu. Bút danh Tản Đà được ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, hai địa danh quê hương ông.

Tổ tiên ông từng nhiều đời làm quan dưới triều Lê. Cha ông là Nguyễn Danh Kế, đỗ cử nhân thời Tự Đức, làm quan triều Nguyễn đến chức Ngự sử, nổi tiếng là người có tài văn án trong triều. Mẹ ông là một đào nương nổi tiếng tài sắc ở phố Hàng Thao, Nam Thành, làm vợ lẽ cha ông; ông là con thứ tư và cũng là con út của bà. Năm ông lên ba tuổi thì bố mất, sau đó mẹ ông quay lại nghề cũ. Từ đó, ông được người anh cùng cha khác mẹ là Giáo thụ Nguyễn Tài Tích nuôi dưỡng.

Tản Đà hấp thụ nền Nho giáo từ nhỏ. 5 tuổi ông học Tam Tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, Dương tiết,...; 6 tuổi học Luận ngữ, kinh, truyện và chữ quốc ngữ; 10 tuổi biết làm câu đối; 11 tuổi làm thơ văn; 14 tuổi đã thạo các lối từ, chương, thi, phú. Lúc học ở trường Quy thức - một trường học thực nghiệm cải cách của Pháp mở ở Hà Nội, ông viết bài “Âu Á nhị châu hiện thế” bằng Hán văn, được các báo ở Hồng Kông đăng trong mục xã thuyết. Năm 15 tuổi, ông đã nổi tiếng là thần đồng của tỉnh Sơn Tây.

Thời niên thiếu, ông giành phần lớn cho chuyện thi cử, hai lần thi Hương đều bị trượt. Năm 1915, ông về Vĩnh Phú làm nghề báo, tác phẩm đầu tiên của ông được công bố trước công chúng là những bài tản văn đăng ở tờ báo ông cộng tác đầu tiên, tờ “Đông Dương tạp chí” của Nguyễn Văn Vĩnh. Văn của ông ngay từ khi ra mắt bạn đọc đã nổi tiếng, đến mức “Đông Dương tạp chí” phải mở riêng một mục là Tản Đà văn tập chuyên đăng tải văn của ông với nhận xét của Tòa soạn: “Bản quán duyệt qua tập văn ấy, thì thấy ông Nguyễn Khắc Hiếu cũng là một văn sĩ có biệt tài, có lý tưởng riêng, ngắm cảnh vật một cách kỳ khôi, lạ thay cho một bậc thiếu niên!”.

Suốt từ đó cho đến năm ông mất, 1939, ông đã sáng tác liên tục không mệt mỏi một khối lượng đồ sộ gồm đủ loại thơ, văn, truyện, ca kịch, các làn điệu dân ca, từ khúc, diễn ca, dịch văn học cổ điển Trung Quốc như thơ Đường và Kinh Thi, chú giải Truyện Kiều... Ngoài sáng tác thơ, ông còn giỏi trong việc dịch thơ Đường thành thơ lục bát và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất. Ông còn là người sáng lập ra tờ báo chuyên về văn học đầu tiên của Việt Nam, tờ An Nam tạp chí. Số đầu tiên ra ngày 1-7-1926, Tản Đà làm chủ báo, thư ký tòa soạn là Ngô Tất Tố.

Lạ một điều là, Tản Đà học chữ Hán, theo lối học cử nghiệp, vốn quen thuộc với văn sách, với phú, với lối văn tứ lục, với thơ luật Đường... thế mà ông viết văn xuôi lại rất hay, rất sắc sảo, rất nhuần nhuyễn, thuần thục. Ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của Thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”. Năm 1941, Hoài Thanh và Hoài Chân cho in tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng, đã cung kính đặt Tản Đà lên ngồi ghế “chủ súy” của Hội Tao đàn, ở những trang đầu tiên, như một người mở lối cho thi ca Việt Nam bước vào một giai đoạn tươi đẹp mới.

Ngay sau khi Tản Đà mất, nhà thơ trẻ Xuân Diệu (lúc đó) đã ghi nhận công của thi sĩ Tản Đà với văn học Việt Nam: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi”.

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 400m, rộng 5,5m, vỉa hè rộng 3m, điểm đầu giao với đường Hàm Nghi, điểm cuối giao với đường Văn Cao, vòng quanh hồ Thạc Gián thuộc phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, theo Nghị quyết của HĐND thành phố khóa VI, kỳ họp thứ 9, ngày 27-3-2003 về đổi, đặt tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.