Sử cũ chép bà có hai việc nổi bật: “chuộc người” và “đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi”. Chính những việc làm đầy tính nhân văn này đã góp phần làm cho nhân dân quý trọng và tôn vinh bà như là “Quan Âm bồ tát” tái hiện.
Trường Tiểu học Núi Thành trên đường Ỷ Lan Nguyên phi. |
Ỷ Lan (1044? – 1117), theo truyền thuyết, sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (1044) tại hương Thổ Lỗi, sau đổi là Siêu Loại; nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tuy các tài liệu ghi bà nhiều tên như Lê Khiết Nương, Lê Thị Yến, Lê Thị Khiết... nhưng bà được biết nhiều hơn qua cái tên Ỷ Lan, nghĩa là “tựa vào cây lan”. Bà là vợ vua Lý Thánh Tông và là mẹ vua Lý Nhân Tông, là người đóng góp rất tích cực vào cơ nghiệp của nhà Lý.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Lý Thánh Tông mãi đến năm 40 tuổi vẫn chưa có con trai, thân hành đi cầu tự nhiều nơi mà vẫn không linh ứng. Một sớm xuân năm 1063, vua về viếng chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) thì thấy mọi người đều ra rước vua, duy chỉ cô thôn nữ xinh đẹp của làng Thổ Lỗi vẫn điềm nhiên hái dâu. Vua lấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái có vẻ “kiêu căng” đang đứng hái dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung quỳ tâu: Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối để phụng dưỡng cha mẹ, có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt rồng.
Vua thấy cô gái tuy ăn mặc quê mùa, nhưng cử chỉ đoan trang hiền thục, lời lời phong nhã, đối đáp phân minh, lễ nghĩa khác hẳn những người con gái mà mình từng gặp. Vua yêu vì sắc, trọng vì nết, nên đưa người con gái ấy vào cung phong làm Ỷ Lan phu nhân và cho xây một cung điện riêng đặt tên là cung Ỷ Lan. Sau đó, nhờ sinh được hai người con trai (hoàng tử lớn tên là Kiền Đức), Ỷ Lan phu nhân được phong làm Thần phi, rồi Nguyên phi.
Năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông thân chinh cùng danh tướng Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành, trao quyền trị nước cho Ỷ Lan Nguyên phi. Vua đánh trận lâu ngày không thắng, truyền lệnh lui quân, về đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hải Hưng) thì nghe dân chúng ca ngợi Ỷ Lan Nguyên phi ở nhà trị nước rất giỏi, lòng dân cảm hóa, được suy tôn là bà Quan Âm. Vua lấy làm thẹn: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông há thua sao!”. Nói rồi, vua quay lại đánh giặc và thắng lớn, bắt được vua Chiêm là Chế Củ... Năm sau, Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (tức vùng Quảng Bình và Quảng Trị) để chuộc tội.
Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng rồi mất. Thái tử Lý Kiền Đức mới 6 tuổi lên nối ngôi, vương hiệu Lý Nhân Tông, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu làm Hoàng thái hậu. Hai năm sau, Hoàng thái phi đoạt được quyền nhiếp chính và trở thành Hoàng thái hậu.
Sử cũ còn chép rằng, vào mùa xuân năm Quý Mùi (1103), chính Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo bị bán đi ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ. Vài tháng trước khi mất (tháng 2 năm Đinh Dậu, 1117), bà còn đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi. Việc thứ nhất, được sử thần Ngô Sĩ Liên khen là: “Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm chân chính vậy”. Còn việc thứ hai khiến nhiều người dân càng kính trọng và biết ơn bà, bởi “con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Về già, Hoàng thái hậu Ỷ Lan càng để tâm làm việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo Phật, bà đã cho xây cất 150 chùa, đền. Cảm ơn đức cao dày của bà, nhân dân đã tôn vinh bà như là “Quan Âm bồ tát” tái hiện.
Đà Nẵng đặt tên bà cho con đường dài 1.050m, rộng 7,5m, điểm đầu giao với đường 30 Tháng 4, điểm cuối giao với đường Lương Nhữ Hộc, thuộc phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, theo Nghị quyết số 80/2009/NQ/HĐND ngày 8-7-2009 của HĐND thành phố về đổi, đặt tên đường ở Đà Nẵng.
LÊ GIA LỘC