.

Học và hành

.

Trong căn phòng thực hành bếp của Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng, giữa ngổn ngang dao, thớt, các loại rau, củ, quả và thực phẩm khác, sinh viên (SV) ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, đang chăm chú thực hành những món ăn các em mới được học.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề du lịch thực hành bếp.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề du lịch thực hành bếp.

Thực hành giúp nâng cao tay nghề

Sau nhiều năm triển khai, năm học đầu tiên 2011-2012, Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng đã tuyển được gần 300 học viên ở các chuyên ngành như Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Kỹ thuật chế biến món ăn… Theo anh Đỗ Tiến Minh, Phó phụ trách khoa Khách sạn của trường, lớp học dài hạn hay ngắn hạn, học viên đều được thực hành tại trường hoặc đi thực tế tại khách sạn. Những dịp như thế là cơ hội để các em có sự đối chiếu giữa bài học và thực tế.

Riêng với những chuyên ngành Du lịch, dù học hệ đại học, cao đẳng hay trung cấp thì quá trình thực hành nghề rất quan trọng, giúp SV hình dung được công việc sẽ làm trong tương lai, đồng thời cọ xát thực tế, các em có cơ hội rèn được những kỹ năng, tác phong trong công việc.

Hơn 5 năm hoạt động đào tạo nghề, tại Trường Trung cấp nghề Việt Úc,  khi SV làm hồ sơ ghi danh học, Trường tư vấn rất kỹ cho SV việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với mỗi cá nhân, để các em sớm định hướng được nghề nghiệp mình sẽ làm trong tương lai, thuận lợi cho quá trình xin việc. Chị Nguyễn Kiều Anh, cán bộ phòng tư vấn hướng nghiệp cho biết: “Mỗi chuyên ngành như bếp, khách sạn, nhà hàng… trường đều có phòng thực hành theo đúng tiêu chuẩn khách sạn và khu nghỉ mát để SV thực hành ngay tại trường. Hoặc các em sẽ được giới thiệu về một số khách sạn, resort nhà trường liên kết để thực hành tại đó. Nhờ vậy, mỗi khóa SV tốt nghiệp ra trường, khoảng 90% có việc làm ngay.

Học ngành Dịch vụ nhà hàng, khi còn là SV Trường Trung cấp Nghề Việt Úc, Trương Thị Liên và các bạn thường xuyên được thực hành tại phòng mẫu. Sau đó được đi thực tập ở Victoria Resort, Liên coi đây là cơ hội quý giá của mình, nên em đã dành khá nhiều thời gian quan sát các anh chị trong nhà hàng làm việc, đồng thời học hỏi thêm ở các thầy cô, nhờ vậy mà em khá thành thạo các kỹ năng phục vụ nhà hàng. Ra trường được nhận về làm ở Life Resort, Liên thấy mình rất may mắn. Chính nhờ những buổi thực hành nghiệp vụ đã giúp em trưởng thành và nắm bắt công việc nhanh hơn.

Sinh viên cần chủ động, sáng tạo

Đã xác định đào tạo các ngành, nghề liên quan đến dịch vụ du lịch, trường nào cũng mong muốn sẽ đào tạo ra những lứa SV có tay nghề vững chắc, có các kỹ năng và đáp ứng được nhu cầu xã hội. Bởi vậy, mỗi trường đều có chiến lược trong công tác tuyển sinh và đào tạo.

Là trường chuyên đào tạo ngoại ngữ, mỗi năm có hơn 700 SV ra trường, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường thể hiện tính chuyên nghiệp trong chiến lược nhân sự. Ngay từ khi khởi động dự án, họ đã tính đến việc đào tạo nguồn nhân lực để đón đầu dự án. Hằng năm, bên cạnh việc gửi SV trong trường tới các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để thực tập, một số SV cũng chủ động trong việc liên hệ thực tập cho mình. Chính những điều này giúp các em mạnh dạn hơn trong việc tiếp xúc với đối tác, doanh nghiệp, có cơ hội thể hiện khả năng ngoại ngữ.

Một số công ty, doanh nghiệp về trường đăng ký tuyển dụng, trường cũng  khuyến khích SV song song với việc học cần có được những kỹ năng mềm, có như vậy cơ hội mới rộng mở cho tất cả các em. Ngoài những buổi đi thực tập, Thanh Loan (Khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại ngữ) thường cùng bạn ra biển Mỹ Khê hoặc đi bộ đường Bạch Đằng chủ động bắt chuyện với các vị khách nước ngoài. Đấy cũng là một cách để Loan và các bạn luyện kỹ năng nói, và kỹ năng giao tiếp trước đám đông, có như vậy sau này, Loan mới đủ tự tin khi nộp hồ sơ đi xin việc.

Tuy nhiên, không phải lúc nào SV cũng biết tận dụng những cơ hội hiếm hoi đó để tích lũy thêm vốn kinh nghiệm cho mình.

Chẳng hạn, năm nào Khách sạn Saigontourane cũng tạo điều kiện, nhận một số SV các trường CĐ, ĐH, trường trung cấp nghề trên địa bàn thành phố đến thực tập nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, chế biến, nhà hàng... để các em được thực hành, cọ xát tại doanh nghiệp. Nhưng, theo đánh giá của chị Nguyễn Thị Viễn Hương, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, nhiều em chấp hành kỷ luật tốt, nhưng kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng thực tế chưa tốt, thậm chí nhiều em còn rất nhút nhát. Chỉ có khoảng 8 - 10% trong số các em đến thực tập tại khách sạn là đạt tiêu chuẩn, xác định được tính chất công việc mình sẽ làm trong tương lai.

Chị Viễn Hương cũng nhấn mạnh, khi SV đi thực tập không nên để các em quá chú trọng vào báo cáo thực tập, các em nên tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình sẽ đến để không bị bỡ ngỡ và thể hiện được sự ham học hỏi, năng động, nhiệt tình với công việc mình đã lựa chọn, có như vậy phía doanh nghiệp mới tận tình hướng dẫn, các em cũng rút ra được những kinh nghiệm từ thực tế.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.