Bà Trần Thị Mai, sống ở KDC làng cá Nại Hiên Đông chia sẻ: “Tôi sống gần khu vực đường Nguyễn Thị Ba. Thoạt nghe, tôi không thể hình dung được bà này là ai, sống vào thời nào. Nếu là những cái tên như Lê Duẩn, Trường Chinh, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Thái Phiên tôi còn hình dung ra, chứ mấy tên lạ huơ lạ hoắc này thì tôi chịu”.
Ông Nguyễn Hoàng Long trả lời phóng viên DRT về lịch sử tên đường Nguyễn Tất Thành. |
Lên mạng tra cứu, người viết bài cũng chỉ biết được bà Nguyễn Thị Ba là Thiếu tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (sống cùng thời với Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn). Những thông tin về bà rất mờ nhạt, hầu như rất ít tài liệu nhắc đến.
Nhiều tên “lạ”
Năm 2011, thành phố Đà Nẵng có trên 150 con đường được đặt tên mới, đa số tên còn khá xa lạ với người dân. Trong đó, KDC làng cá Nại Hiên Đông có đến 25 tên đường được đặt mới như Ngô Thì Trí, Lê Hữu Kiều, Nguyễn Khắc Cần, Trương Quốc Dụng, Nguyễn Thị Ba, Lê Cảnh Tuân… Quả thật, nếu không phải là người am hiểu lịch sử thì sẽ rất khó biết đó là những danh nhân nào.
Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng (HĐTVĐĐTĐ & CTCC) thành phố cho rằng: “Tên đường được đặt theo tên các danh nhân để thể hiện sự biết ơn, trân trọng những giá trị lịch sử và lòng yêu nước. Thế nhưng, nếu ngay cả người dân sống trên con đường đó, không hiểu về tên đường là một thiệt thòi lớn. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý, khi chưa có được giải pháp, cách thức để giúp người dân tiếp cận thông tin”.
Lúng túng khi được hỏi tên đường Hoàng Thiều Hoa trước cổng nhà mình, ông N.V.T, một người dân sống ở KDC Tân Trà, quận Ngũ Hành Sơn nói: “Quả thật tôi không biết Hoàng Thiều Hoa là đàn ông hay đàn bà. Hôm bảng tên đường được dựng lên, tôi và nhiều người khác nhìn vào mà “ngẩn tò te” không biết đó là ai”.
Theo sử sách, Hoàng Thiều Hoa là danh tướng thời Hai Bà Trưng, người huyện Gia Hưng, tỉnh Thanh Hóa (có sách chép là tỉnh Sơn Tây ngày nay), không rõ năm sinh, năm mất. Bà là nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng, giữ nhiệm vụ huấn luyện đoàn Nương tử quân. Khi Hai Bà Trưng lên ngôi vua, đã phong tước cho bà là Thiều Hoa công chúa. Hiện nay đền thờ công chúa Thiều Hoa ở làng Hiếu Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Hằng năm, người dân tổ chức lễ hội nhớ ơn vào các ngày 12, 13 tháng giêng âm lịch.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chọn tên danh nhân ít được nhắc đến trong lịch sử để đặt tên cho đường phố mà không giải thích cặn kẽ cũng là lý do khiến cho người dân thiếu thông tin về tên đường.
Làm sao để dân hiểu?
Nếu yêu cầu người dân phải hiểu tường tận lai lịch tên đường phố trên địa bàn thành phố là điều không tưởng. Tuy nhiên, với những con đường nằm ngay cạnh nhà mình, mà không hiểu, lại là thiếu sót lớn.
Về điều này, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, Ủy viên HĐTVĐĐTĐ & CTCC thẳng thắn thừa nhận: Đừng nói gì đến người dân mà ngay bản thân những người tham gia quá trình đặt tên đường ở thành phố cũng không sao nắm được một cách đầy đủ thông tin liên quan đến mỗi nhân danh, địa danh dùng đặt tên đường. Có lẽ là do số lượng đường được đặt tên ở một thành phố đang từng ngày đổi mới như Đà Nẵng quá lớn, nên có chủ tâm nắm cũng không thể nắm hết, mà có nắm hết cũng chưa chắc nhớ hết.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giúp người dân hiểu được ý nghĩa tên đường phố là việc làm cần thiết hiện nay. “Tôi nghĩ về lâu về dài, thành phố nên biên soạn Từ điển đường phố Đà Nẵng để giúp người dân và cả du khách không chỉ nắm được một cách đầy đủ thông tin liên quan đến mỗi nhân danh, địa danh dùng đặt tên đường mà còn có thể nắm thêm sự biến thiên trong quá trình đặt tên cho từng con đường trong thành phố, chẳng hạn các tên đường Lê Đại Hành, Nguyễn Hoàng, Đông Kinh Nghĩa Thục…”, ông Tiếng góp ý.
Lần đầu tiên lên sóng truyền hình tháng 2 năm 2010, chương trình truyền hình Đà Nẵng phố của Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn xem đài. Ông Nguyễn Minh Ánh, Trưởng ban chuyên đề DRT cho biết, việc tìm hiểu về các danh nhân, vùng đất khá thuận lợi khi thông qua các trang website, sử sách. Tuy nhiên, không phải với con đường nào, cũng có thể đưa vào chương trình được. Bởi, có tên đường, nhưng chưa có dân cư sinh sống hay đường quá ngắn, nhỏ hẹp cũng gây không ít khó khăn trong quá trình thu thập tư liệu… Biên tập viên Nguyễn Thị Diễm Hương, người trực tiếp thực hiện chương trình Đà Nẵng phố chia sẻ, để có những thước phim hay về tên đường, nhiều ngày chị và đồng nghiệp phải dậy từ lúc 4 giờ sáng, vác máy đi từ đầu đường đến cuối đường để kịp ghi lại những khoảnh khắc đẹp, mang hơi thở cuộc sống. Chương trình đã góp phần giúp người dân Đà Nẵng biết được tên đường, tên phố mình quan tâm.
Ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, tại những trục đường vào thành phố cần làm những bản đồ lớn, có vài nét giới thiệu khái quát về một số con đường lớn. Hay khuyến khích các công ty du lịch khi đưa khách ngang qua con đường nào thì giới thiệu về con đường đó. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần có chuyên mục để tuyên truyền, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin.
Cần bổ sung tiêu chí bình xét “Khu dân cư văn hóa”
Ông Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Ủy viên HĐTVĐĐTĐ&CTCC: Đây là việc lớn và hết sức cần thiết, nhất là đối với một thành phố du lịch như chúng ta, lại là một thành phố phấn đấu “có nếp sống văn hóa văn minh đô thị”. Tôi đề xuất, cần bổ sung tiêu chuẩn bình xét “Khu dân cư văn hóa” như sau: “Đối với các khu dân cư có đường phố mang tên danh nhân, địa danh, sự kiện lịch sử… phải bảo đảm 80% dân cư trong khu phố hiểu được một cách khái quát lai lịch, gốc tích, tiểu sử, nội dung công trạng của danh nhân, địa danh, sự kiện được mang tên”. Để làm được điều này, thành phố cần chỉ đạo xuất bản những tập sách nhỏ, mỏng, nội dung ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu phát cho các hộ nhân dân. Trong những lần sinh hoạt tổ dân phố, cần có thêm nội dung học tập lịch sử đường phố thuộc khu vực mình. Đoàn thanh niên, đội thiếu nhi, trong sinh hoạt cũng cần có nội dung này kết hợp với các cuộc thi tìm hiểu… Nói chung tùy theo sáng kiến từng nơi, miễn sao đạt được hiệu quả. |
TIỂU YẾN