.

Mô hình rau an toàn

.

Trong khi cả nước báo động về tình hình không an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc đi tìm mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết đối với các HTX nông nghiệp.

Dưa leo là  một trong những sản phẩm chủ lực ở HTX Sản xuất dịch vụ và tiêu thụ RAT Túy Loan.
Dưa leo là một trong những sản phẩm chủ lực ở HTX Sản xuất dịch vụ và tiêu thụ RAT Túy Loan.

Cấp thiết, bởi theo ông Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông, Chủ nhiệm HTX RAT La Hường - Cẩm Lệ, vì nó vừa mang lại lợi nhuận cho người sản xuất vừa làm yên tâm người tiêu dùng.

Mùa hè vẫn xanh

Ông Hoàng cho biết, ở bờ Bắc sông Cẩm Lệ có bãi bồi La Hường rộng khoảng 7,5ha, trong đó có 5ha sản xuất rau củ quả các loại. Ngày trước, nông dân chỉ sản xuất một vụ đông theo tập quán, chủ yếu tưới bằng nước thủy triều dưới sông lên, thời gian còn lại bỏ đất hoang. Cuối năm 2009, khi HTX ra đời với 17 xã viên, việc sản xuất đã đổi sang tiêu chuẩn VietGAP, không tưới nước sông, chuyển sang nước ngầm với sự hỗ trợ đưa điện về của Phòng Kinh tế quận. Từ khi chủ động được nguồn nước, xã viên tổ chức sản xuất quanh năm, trừ tháng 9 vì ngập lụt.

Ở xã Hòa Phong, từ năm 2003 đã có Tổ sản xuất vùng RAT Túy Loan với hỗ trợ của Sở NN&PTNT và huyện Hòa Vang thông qua HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 2. Làm ăn có hiệu quả, bà con đã chuyển hình thức tổ sản xuất thành HTX, gọi là HTX Sản xuất dịch vụ và tiêu thụ RAT Túy Loan. Ông Thi Lý Nhi, Chủ nhiệm HTX, hiện chỉ mới khai thác sản xuất được 8ha trong tổng số 20ha cả vùng.

Chủ trương của các HTX này là không bỏ đất hoang vào mùa hè. Vì thế, những ngày này, đến cánh đồng La Hường hay vùng RAT Túy Loan vẫn thấy xanh mướt các loại rau tươi, điều mà những năm trước ít ai nghĩ đến. Ở La Hường, sau vụ đông xuân trồng su lơ và các loại cải phục vụ Tết, vụ xuân hè chủ yếu rau muống và ớt xanh. Ở Túy Loan, mùa này có các loại rau ăn lá như cải, dền đỏ, mồng tơi, bí lấy ngọn…; ăn quả như khổ qua, dưa leo, cà tím, ớt, đậu đũa, đậu tây, bí đao...

Cải thiện thu nhập

Ông Nhi nhẩm lại, gần 10 năm qua, từ tổ sản xuất đến HTX đã có rất nhiều mô hình triển khai thành công ở vùng RAT Túy Loan, trong đó khả quan nhất là Mô hình sản xuất RAT vụ Đông có vòm che được tổ chức thí điểm vào mùa mưa năm ngoái, xã viên gọi là mô hình làm rau trái vụ. Mô hình do Ban Quản lý dự án QSEAP - Sở NN&PTNT Đà Nẵng phối hợp với Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển rau hoa quả thuộc Viện rau quả Hà Nội triển khai với 12 hộ nông dân tham gia.

Nông dân đã được công ty tập huấn kỹ thuật làm vòm che, quy trình sản xuất RAT theo Tiêu chuẩn VietGAP, giống rau, phân bón... Nói chung, nông dân chỉ bỏ công chăm sóc và thu hoạch. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Châu, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 2, trước đó chưa ai dám làm rau trái vụ, nhưng qua mô hình thí điểm này, mới thấy năng suất cao gấp 1,5 lần so bình thường và giá trị thì tăng gấp 2,5 lần vì trái vụ. Cũng may, vừa thu hoạch xong thì cả vùng ngập lũ tháng 11. Năm nay, mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai, nhân rộng.

Ở bãi bồi La Hường, mô hình trồng rau muống trên diện tích 2,5ha cũng đã cho thấy hiệu quả kinh tế. Ông Hoàng cho biết, rau muống cạn trồng một lần mà thu hoạch được vài năm; cắt xong, bón phân, tưới nước, khoảng 20 ngày sau là có thể thu hoạch lứa kế tiếp. Mỗi lứa rau muống, cứ 1m2 được 3kg, giá hiện nay 5.000 đồng/kg thì mỗi sào thu được 7,5 triệu đồng. Trên 1ha trồng ớt xanh mùa xuân hè cũng thế: 1m2 chỉ được 2kg, nhưng giá đến 8.000đồng/kg nên thu nhập cũng xấp xỉ như rau muống.

Rau mùa hè quý nên hiếm, thu nhập của nông dân được cải thiện. Nông dân La Hường, mỗi tháng trước đây chỉ khoảng 1 triệu đồng nhưng mùa có mùa không. Nay thì chỉ trừ 2 tháng ngập úng, còn lại đều 3 triệu đồng/tháng, nghĩa là sáng ra xuống đồng là đã nắm chắc trong tay mỗi người 100.000 đồng mỗi ngày.

“Bà đỡ” cho các mô hình

Trong khi cả nước báo động về tình hình không an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc đi tìm mô hình sản xuất RAT trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết đối với các HTX nông nghiệp. HTX RAT La Hường - Cẩm Lệ đã được một số đơn vị liên hệ ký hợp đồng cung cấp thường xuyên cho bếp ăn tập thể, nhưng HTX chưa dám, vì “chưa chủ động nguồn rau, nhỡ không có rau cung cấp theo hợp đồng thì mất uy tín”. HTX Sản xuất dịch vụ và tiêu thụ RAT Túy Loan thì đã được một doanh nghiệp ở quận Sơn Trà ký văn bản ghi nhớ và sẽ ký kết hợp đồng liên doanh, sản xuất và bao tiêu sản phẩm ngay trong tháng tới.

Các HTX vẫn định hướng là không bỏ đất hoang, phải luôn có rau để giữ chân khách hàng. Nói vậy chứ không dễ, nếu không có những “bà đỡ” từ phía các cơ quan hữu quan.

VietGAP là viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Đó là việc áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn, đặc biệt là các sản phẩm về rau quả tươi.

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.