.

Mơ về những cánh đồng rau

.

Sau gần 10 năm triển khai vùng sản xuất rau an toàn (RAT), người dân Đà Nẵng vẫn chưa thật sự được ăn RAT  đúng nghĩa. Rau được trồng theo một quy trình kỹ thuật riêng, nhưng đến người tiêu dùng thì RAT và rau chưa an toàn không được phân biệt rõ ràng.

Thu hoạch rau ngò ở cánh đồng rau Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.
Thu hoạch rau ngò ở cánh đồng rau Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Đâm lao thì phải theo lao

Năm 2010, vùng RAT ở 2 phường Khuê Mỹ và Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn xem như “cáo chung” khi các dự án phát triển đô thị thu hồi luôn đất trồng rau. Nông dân trồng rau không chịu bỏ ngang mà tìm những vùng đất đã được quy hoạch cho một dự án khác nhưng chưa triển khai, tiếp tục với nghề trồng rau. Bà Đỗ Thị Sáu, ở tổ 45, phường Mỹ An cho biết, hồi trước còn thuộc HTX, bà có 2 sào rau ở khu vực Nước Mặn, giải tỏa, về đây vỡ được hơn sào đất trồng rau húng, hành lá, xà lách. “Năm ni tui 57 tuổi rồi, làm rau từ hồi nhỏ đến chừ nên sống chết chi cũng cứ bu nghề, đất dự án ni họ lấy thì đi tìm chỗ khác, chứ biết làm nghề chi khác”. Trên những luống rau húng đã thu hoạch, bà rải phân chuồng lên, phía trên rắc thêm một lớp cát, chờ khoảng 10 ngày sau đã có thể thu hoạch lứa tiếp theo. Bà Sáu khẳng định, hồi còn HTX RAT Bắc Mỹ An, quy trình làm đến đâu đều có người hướng dẫn, giám sát; giờ về đây không có ai kiểm tra, rau xấu quá thì phải phun thuốc trừ sâu.

Thế nhưng ông Phụng Hiệp, ở tổ 44, phường Mỹ An, có 4 sào rau thì khẳng định, từ hồi nào đến giờ dân trồng theo quy trình sản xuất RAT nên về đây cũng theo quy trình đó, dù không có ai giám sát. “Chúng tôi trồng chỉ bón phân chuồng, phân NPK, phun thuốc trừ sâu chỉ khi nào có sâu và rau còn nhỏ, bảo đảm thời gian bón phân cũng như thu hoạch, khi rau lớn rồi thì không phun ẩu được. Không phải là chuyện có ai kiểm tra hay không, mà chuyện làm rau cả tháng mới bán được mà có ai ăn phải rồi ngộ độc thì coi như chúng tôi bỏ không công, ảnh hưởng cả vùng rau thì coi như bỏ nghề”. Bà Nguyễn Thị Vui, ở tổ 9, phường Khuê Mỹ, có hơn nửa sào trồng rau cải, ngò, xà lách cũng cho biết là rau trồng thế nào thì bán thế ấy, bà không hề phun thuốc, dù giá có ngang bằng các loại rau đẹp khác ở chợ. “Mà nghề trồng rau chừ chẳng cho thu nhập bao nhiêu, mỗi tháng kiếm được chừng 2 triệu là mừng lắm rồi, dịp này có lễ còn bán kiếm được ít đồng chứ qua lễ rau lại rẻ. Có khi rộ mùa, thương lái không mua, rau già quá thì phải nhổ bỏ”, bà Vui nói về nghề trồng rau là kiểu “đâm lao thì theo lao”. Vào mùa nắng thế này, mỗi ngày người dân trồng rau phải tưới 3 lần nước, từ 4 giờ 30 đến 7 giờ, từ 9 đến 11 giờ trưa và từ 6 đến 7 giờ tối.

Nông dân hai phường Khuê Mỹ và Mỹ An từ khi không còn HTX RAT, đã làm nghề một cách tự phát, vỡ vạc hơn 20ha đất ven sông Cổ Cò, bám lấy cánh đồng rau kiếm sống. Nông dân tự kéo điện từ những nhà dân gần đó, mua máy bơm, lắp ống nước, tự đào những cái giếng nhỏ chứa chừng 2 khối nước để tưới rau hằng ngày. Họ đều đã có tuổi, không thể bỏ nghề và đổi nghề, nên vừa làm rau, vừa phấp phỏm không biết đến bao giờ dự án thu hồi đất, để đi tìm một vùng đất mới.

Khi RAT có đất trồng ổn định

Đến nay là đã 10 năm, nông dân trồng rau ở Hồ Bún, Túy Loan, xã Hòa Phong, Hòa Vang biết đến mô hình RAT.

Bà Nguyễn Thị Ca, thôn Túy Loan Tây 2 có 1 sào trồng ớt, rau dền và 1 sào trồng dưa leo. Với dưa leo, bà nhẩm tính cứ 1 vụ sẽ có thời gian sinh trưởng chừng 3 tháng, trung bình 5 tạ dưa/sào. Trừ các chi phí, lãi ròng gần 3 triệu đồng. Và cứ mỗi tạ dưa, bà có thể mua được 2 tạ lúa, khi dưa được giá 6.000 đồng/kg. Thu nhập cao hơn hẳn trồng lúa. Chi phí cũng thấp hơn khi sản xuất theo quy trình RAT, chỉ được bón phân NPK trộn với bánh dầu, không được bón phân urê, không được phun thuốc (khi cây đã lớn). Song, bà Ca vẫn băn khoăn: “Dưa sạch hay không sạch giá như nhau, ra thị trường thì loại nào cũng như loại nào. Mình nằm trong vùng rau sạch nên phải theo quy chuẩn; chứ rau ở vùng không sạch, bỏ thuốc nên dưa xanh mướt, thương lái chuộng hơn”.

Với vùng RAT La Hường, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, do đất nhiều, nông dân trồng nhiều chủng loại nên ở đây rau cho thu nhập khá hơn những cánh đồng RAT khác. Ông Nguyễn Văn Luận, ở tổ 29 cho biết, 5 năm nay ông nhận thêm đất trồng 2 sào rau muống, mỗi sào cho thu nhập 2 triệu đồng, cứ 20 ngày cắt 1 lần; ông có thêm 1 sào trồng xà lách, rau cải vào tháng Chạp, qua tháng 2 - 3 trồng rau dền, mùng tơi. Thời điểm ra Giêng 1 chục rau mùng tơi (12 bó) giá 70 ngàn, bữa nay hạ xuống còn 40 ngàn... Hay như ông Lê Tránh, cũng ở tổ 29 có 2,5 sào trồng ớt, 2,5 sào trồng rau muống và gần 5 sào đất trồng các loại rau màu khác. Mỗi ngày riêng ớt và rau muống ông đã thu về cả triệu đồng.

Tuy nhiên, RAT được trồng ở cánh đồng nào thì khi ra thị trường, chất lượng, giá cả cũng không khác các loại rau củ khác, khiến người trồng rau cũng như người tiêu dùng đều thiệt thòi. Bà Phan Thị Lệ, thương lái chuyên mua rau ở vùng rau La Hường cho biết rau ở đây được bà bỏ tại chợ đầu mối và chợ Hòa Khánh. Một số người bán sỉ ra chợ Cẩm Lệ. Còn rau vùng Mỹ An, thương lái bán ra chợ Bắc Mỹ An, chợ đầu mối. Rau vùng Túy Loan, nông dân tự hái và mang ra chợ, bỏ mối ở chợ Túy Loan.

Có trôi theo dự án?

Người dân đi chợ ở những nơi có RAT, có thể may mắn mua được bó rau sạch. Nhưng toàn thành phố Đà Nẵng chỉ có được 30% nguồn rau của địa phương (trong số này chưa tính được bao nhiêu % RAT).
Từ năm 2003, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Dự án sản xuất, tiêu thụ RAT quy mô 87ha, với tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách 4 tỷ đồng). Nhưng do các vùng nằm trong dự án phân bố nhỏ lẻ, rải rác nhiều nơi nên việc triển khai, quản lý dự án gặp nhiều khó khăn và cuối cùng vẫn chưa đi đến đâu. Dự án đề ra mục tiêu sản xuất 10 ngàn tấn rau/năm nhưng trên thực tế các vùng rau sản xuất không đủ số lượng, không có cơ quan kiểm tra chất lượng nên doanh nghiệp ngừng thu mua.

Đầu năm 2010, Sở NN&PTNT triển khai dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học, với tổng vốn đầu tư 3,8 triệu USD (tương ứng 77,69 tỷ đồng), từ nguồn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của thành phố. Đây là dự án quy mô lớn nhất kể từ trước đến nay của ngành nông nghiệp Đà Nẵng, triển khai trong thời hạn 5 năm (2010-2015).

Trong tiểu dự án 1, Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp, mà cụ thể là sản xuất RAT (QSEP), việc đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hỗ trợ cho sản phẩm nông nghiệp an toàn chiếm lượng vốn nhiều nhất: 70,2 tỷ đồng, trong đó vốn của ADB 63,18 tỷ đồng, đối ứng của thành phố 7,021 tỷ đồng. Những nội dung sẽ triển khai trong hạng mục này là quy hoạch vùng sản xuất RAT (520 triệu đồng), phát triển cơ sở hạ tầng vùng rau (61,06 tỷ đồng), hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản phẩm (3,02 tỷ đồng), đào tạo nhân lực thực hiện tiêu chuẩn GAP, HACCP (bảo đảm an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm) và thực hành dựa trên tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nông trại (5,6 tỷ đồng).

Đến nay, dự án đã bước sang năm thứ 3, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, quy hoạch các vùng rau vẫn chưa xong. Trước đây, các vùng rau dự kiến sẽ xây dựng tại 4 quận, huyện là Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Hòa Vang khoảng 100ha. Do phát triển đô thị, dự án chỉ triển khai tại các vùng rau đã có như La Hường, Hồ Bún, Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương)… Nhưng chưa có quy hoạch thì chưa thể nói đến chuyện xây dựng các vùng rau. Và sau gần 3 năm triển khai, vùng RAT chưa quy hoạch, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, thì đến bao giờ dự án mới thành công? Hay vẫn chỉ là sự phát triển RAT nhỏ lẻ ở một vài vùng đất?

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.