.

Những ca khúc viết về Người

.

Cuộc đời giản dị mà cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho nhạc sĩ (NS). Trong một lần chuyện trò, những người sáng tác ở Đà Nẵng nói rằng, mỗi khi viết về Người, họ luôn có được cảm xúc chân thành và sâu sắc nhất.

 Đến Bảo tàng Hồ Chí Minh là cách để nhạc sĩ Trần Hồng tìm cảm hứng sáng tác về Bác Hồ.
Đến Bảo tàng Hồ Chí Minh là cách để nhạc sĩ Trần Hồng tìm cảm hứng sáng tác về Bác Hồ.

Ở Đà Nẵng, người viết ca khúc về Hồ Chủ tịch rất ít. Tác phẩm chưa được phổ biến rộng rãi, chất lượng, số lượng hạn chế. NS Thái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố chia sẻ, viết về Bác rất khó, nhất là những NS trưởng thành sau khi Bác qua đời, bởi họ chỉ biết đến Bác Hồ qua sách báo. Hoặc cũng có thể, mỗi NS tự thấy mình chưa có tác phẩm nào vượt qua các ca khúc hay về Người như Trông cây lại nhớ đến Người của Đỗ Nhuận, Đôi dép Bác Hồ của Văn An, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Ngày thống nhất Bác đi thăm của Phạm Tuyên, Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục, Bác Hồ một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Ngôi sao tình yêu của Thuận Yến hay Những bông hoa trong vườn Bác của Văn Dung… Dù vậy, sự cố gắng của các NS Đà Nẵng là điều đáng ghi nhận.

Bài hát duy nhất viết về Bác Hồ (tính đến thời điểm này) của NS Phạm Quang Trung, phổ thơ Bùi Ngọc Tẩy mang tên Hương sen gợi nhớ (vừa đoạt giải A của Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng năm 2011) với ca từ mềm mại, cấu trúc chùm 4 đơn, nhịp 3/8 mang âm hưởng Nam Bộ đã tạo sự xáo động, chuyển tải thành công nỗi nhớ thương Người. Anh chia sẻ, bài hát là kết quả của một lần tình cờ đọc bài thơ của tác giả Bùi Ngọc Tẩy. Những câu thơ thiết tha về Bác đã khơi nguồn cảm hứng cho anh cảm tác thành công: “Bác ra đi từ dạo ấy, để muôn đời nhớ thương…”.

NS Trần Hồng, người khá thành công trong lĩnh vực âm nhạc kịch dân ca, nhạc đàn kịch dân ca cũng cho rằng, mỗi bài hát về Người cũng là tấm lòng biết ơn, trân trọng mà người NS hướng về vị cha già kính yêu của dân tộc. Được biết, NS Trần Hồng có khoảng 7 bài hát viết về Hồ Chí Minh. Trong đó đáng nhớ nhất vẫn là hai ca khúc Ánh đuốc từ làng Sen và Như vầng trăng sáng: “Ngày ấy Bác đi rồi mà tưởng người ở bên ta. Vẫn nghe tiếng Bác ngày nào hỏi: Đồng bào nghe rõ không? Còn đây tiếng người tha thiết ấm lòng con vững bước đi mà sao nhớ thương Bác ơi”.

Sau ngày Bác Hồ đi xa, nhiều NS vẫn tiếp tục viết về tình cảm của nhân dân dành cho Bác. NSƯT Thanh Anh có ca khúc Tây nguyên ơn Bác, trình bày lần đầu tiên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và nhanh chóng có được vị trí trong đời sống âm nhạc. Bài hát là tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nhắn gửi rằng “… tình Bác còn cao hơn núi, ơn Bác còn dài hơn sông, lòng Bác cao rộng mênh mông như cả đất trời ta đó…”. Ngoài ra, ông còn là tác giả của một số bài hát về Bác như Bác trồng cây (thơ Trần Căn), Viếng Bác (thơ Nguyễn Nho Thùy Dương), Hành khúc bộ đội Cụ Hồ và nhiều bài lồng ghép tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như Dáng đứng kiểm soát viên, Người lính Khu 5, Em về Bình Định quê anh…

Là người chuyên viết ca khúc cho thiếu nhi, NS Trịnh Tuấn Khanh cũng từng trăn trở làm sao để đưa hình ảnh Bác Hồ trở nên gần gũi, thân thuộc với các em. Bởi với anh: Khi bé ra đời đã không còn Bác/Chỉ còn tiếng hát chỉ còn lời ca/Chỉ còn câu chuyện chỉ còn bài thơ/Mà em vẫn thấy Bác sao rất gần/Mà em vẫn thấy Bác sao rất gần (Bác Hồ của bé, phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn). Hay như Bốn mùa nhớ Bác với những ca từ nồng nàn, gợi nhớ, tin yêu: Mùa xuân là Tết trồng cây, lời Bác năm nào chúng em ghi nhớ/Mùa hạ mười chín tháng năm, ngày sinh nhật Bác chúng em nhớ rồi/Mùa thu tung tăng tới trường, được nghe thư Bác lòng đầy xốn xang/Mùa đông lạnh lắm Bác ơi! Mà sao vẫn thấy năm canh Bác ngồi…

Có một điều dễ nhận thấy là ca từ trong những ca khúc viết về Bác Hồ luôn chứa chan tấm lòng yêu kính, nhớ thương, đong đầy cảm xúc, theo lối diễn đạt tự nhiên, khắc họa chi tiết đời thường, giản dị, dễ đi vào lòng người. Khi hỏi sáng tác của mình về Hồ Chí Minh, đa số nhạc sĩ Đà Nẵng thẳng thắn thừa nhận, sáng tác của họ vẫn chưa đạt độ “chín”. Nhiều trăn trở mà vẫn bế tắc, thậm chí có lúc tưởng đã bỏ cuộc do nhiều bài hát về Bác của các nhạc sĩ tên tuổi đã có vị trí rất lớn trong dòng nhạc dân tộc.

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh chia sẻ, viết về Bác Hồ luôn là đề tài khó, dù lúc nào cũng canh cánh về điều đó. Nhiều ca khúc về Bác viết đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. “Những sáng tác về Bác Hồ của tôi chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nhiều ca khúc viết về thiếu nhi. Rất mừng là, hai ca khúc Bốn mùa nhớ Bác, Bác Hồ của bé vừa ra đời đã có sức lan tỏa nhanh trong các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố và được phát sóng trên các kênh truyền hình DRT, VTV Đà Nẵng”, anh nói.

Những ca khúc về Bác Hồ của nhạc sĩ Trần Hồng, Thanh Anh cũng từng được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Dù vậy, ở một khía cạnh nào đó, tần số xuất hiện của ca khúc không đủ nhiều để người nghe nhớ về nó. Đó là chưa kể, công tác tuyên truyền, phổ biến ca khúc tại Đà Nẵng còn hạn chế. Vì thế, những sáng tác về Bác Hồ của nhạc sĩ ở Đà Nẵng vẫn dừng lại ở tính phong trào, chưa có cơ hội chinh phục khán giả. Đó cũng trăn trở của đa số nhạc sĩ ở Đà Nẵng hiện nay.

TIỂU YẾN
 

;
.
.
.
.
.