.

Nửa đêm “đi bến”

Khi thành phố vẫn đang chìm trong giấc ngủ, tại khu dân cư làng cá phường Nại Hiên Đông (Quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã văng vẳng tiếng chị em gọi nhau đi “bến”. Cuộc đời của họ là những chuỗi ngày gắn với cảng cá bất kể mưa hay nắng.

Miệng “bằng” tay

3 giờ sáng, Cảng cá Thọ Quang đông đúc và nhộn nhịp. Chị Võ Thị Nhì (1972, phòng 211, nhà 1A) cùng các chị em khác đang ngồi chờ ghe, thuyền thúng chở cá, tôm, mực, ốc... vào để khuân vác lên bờ. Chị tâm sự: “Tranh thủ những ngày chồng đi bạn tàu với người khác chưa vào, tôi ở nhà đi làm kiếm ít tiền trang trải gia đình”.

Vốn quen với công việc từ thời còn con gái, ngày nào chị cũng xuống cảng cá từ 2-3 lượt. Chị nói về nghề của mình: “Mưu sinh ở cảng cá cần phải có sức khỏe, miệng “bằng” tay mới có cái ăn được, chậm chạp, yếu ớt, đi làm chỉ có đói”.

Câu chuyện bị cắt ngang khi một chiếc ghe đang vào bờ, các chị vội vã xắn cao quần, lao ra lội nước lõm bõm. Người hai tay xách ốc, người bưng cá, tôm… leo lên bờ kè. Thuyền này sắp hết, một số chị lại chạy sang thuyền khác tiếp tục khuân vác…

Công việc nặng nhọc, nhưng thu nhập cũng không được bao nhiêu. Chị Nhì không giấu được sự nhọc nhằn: “Mình làm vậy, chủ tàu (hay người mua cá của chủ tàu) thích cho bao nhiêu tùy, mỗi chủ cho từ 2-5 ngàn đồng dồn lại mỗi bữa cũng được 20-30 ngàn đồng. Có hôm không được đồng nào mà tốn tiền xe ôm đi lại”. Chị nào lanh miệng, lanh tay, có chút ít vốn mua bán cá tại chỗ cho các chủ tàu vẫn có thể kiếm thêm đồng lời.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - đội trưởng bảo vệ thuộc Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, trong số chị em tập trung về cảng cá làm ăn, so với phụ nữ nhiều nơi khác, phụ nữ làng cá phường Nại Hiên Đông vẫn chiếm số lượng nhiều nhất.

Mong nghề mới, nơi ở mới

Kể cả những phụ nữ có sức khỏe tốt theo nghề này vẫn đuối sức theo năm tháng. Nhiều chị đổ bệnh phải vay mượn tiền, thiếu trước hụt sau. Nhiều chị muốn nghỉ ngơi vài hôm cho lại sức nhưng lại không biết lấy gì lo cho cái ăn hằng ngày.

Ngày mới chưa bắt đầu, chị Trần Thị Mơ (1981, số nhà 1B) tranh thủ dọn dẹp chiếc ghe giã của mình, chuẩn bị vật dụng để đến chiều chồng đi biển. Cái mệt mỏi đã làm khuôn mặt chị đen sậm. Không chỉ làm việc ngoài bến, chị còn phải về nhà lo nội trợ, và chăm sóc 5 đứa con. Sự nhọc nhằn của những phụ nữ làng cá dường như chẳng mấy khác nhau, đặc biệt là những chị em ở hoàn cảnh đơn thân nuôi con.

Một số chị em khu vực lân cận làm nghề này cũng chẳng khá giả gì. Như chị Trần Thị Ánh Hoa (1977, tổ 35, khu Nại Hưng 2, phường Nại Hiên Đông) cũng đi theo chị em khu chung cư làng cá đi “bến”. Hai mẹ con vẫn sống tạm trong căn nhà cấp 4 của cha mẹ ruột với 12 nhân khẩu. Chị mong có được nơi trú ngụ bình an để chị yên tâm sống, lo cho con và tìm kiếm công việc ổn định.

Theo chị Vũ Thị Lệ Thủy - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN quận Sơn Trà, phường Nại Hiên Đông nói chung và khu chung cư làng cá nói riêng (khu nhà chồ trước đây), đa số chị em sống bằng nghề đi “bến”. Cuộc sống của họ rất khó khăn. Quận cũng đã hỗ trợ xe đạp, dụng cụ buôn bán, xe nước mía, tủ kem, xe máy đi lại… để các chị mưu sinh, chuyển đổi ngành nghề. Được biết, thực hiện chủ trương của Thành ủy Đà Nẵng, cuối năm 2011, Hội LHPN thành phố đã khảo sát và xác định các đối tượng có nhu cầu nhà ở (phụ nữ nghèo, đặc biệt nghèo, cận nghèo, có chồng, có con hoặc đơn thân, có con, nhưng chưa có nhà ở, thuê nhà hoặc ở nhờ).  Qua 2 đợt khảo sát, đã có 4 hộ phụ nữ của phường Nại Hiên Đông được xét duyệt nhà ở.

Đợt khảo sát gần đây nhất, theo chị Lê Thị Xuân Tuyết, Chủ tịch hội Phụ nữ phường Nại Hiên Đông, toàn phường có 47 chị em tiếp tục được đề xuất lên cấp trên xét duyệt. Hy vọng, cùng với sự hỗ trợ về nhà ở, sự chuyển đổi công ăn việc làm, sẽ giúp chị em làng cá Nại Hiên Đông có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

HÀ ANH

;
.
.
.
.
.