.

Tháng Năm còn mãi

Trong buổi chiều gió tháng 5 này, giữa những căn phòng yên lặng của Bảo tàng Hồ Chí Minh bên bờ sông Sài Gòn, những câu thơ của Maiakovsky viết về V.I.Lenin tự dưng trở về trong tôi. Những câu thơ bày tỏ tình cảm kính yêu sâu sắc đối với lãnh tụ chứ không phải là lối tán dương nông cạn… Ở đây, trong khu vực tưởng niệm vị Cha già của dân tộc, điều ấy thể hiện thật rõ ràng mà sâu xa, chân thật. Ấy là một chậu cây cảnh gia bảo đã giữ gìn hơn 150 năm của một người dân ở Long An hiến tặng. Ấy là tấm lòng của một nghệ nhân ở miền Bắc, bỏ bao công sức và thời gian lên tận quê hương của Thánh Gióng để nghiên cứu dáng hình của một loài trúc rồi tạo nên một khóm trúc bằng nghệ thuật đúc đồng, kỷ niệm 79 mùa xuân của Bác Hồ... “Không thể kể hết những gì mà người dân đã đóng góp vào nơi đây, nơi trưng bày những gì tượng trưng cho những nét chính trong cuộc đời lớn của Bác, cuộc đời vì nước vì dân”, đó là lời của một cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác. Anh cho biết, Bảo tàng đón tiếp khoảng gần hai triệu lượt khách mỗi năm, trong đó có không ít những vị lãnh đạo các quốc gia, các đoàn khách quốc tế, các nhà nghiên cứu và cả khách du lịch nước ngoài...

Làm sao có thể không nhớ về tấm lòng rộng lớn của Người? Như không có biên giới, chan hòa với mọi người, mọi giới mà vẫn luôn giữ được bản lĩnh độc đáo, nhân hậu, kiên nghị. Nhất là đối với những người lao động bình thường, thậm chí nghèo khó của những đồng bào anh em trên mảnh đất Việt này. Bởi vì, những gì khác chỉ là lời nói, màu da, thói quen… trong sinh hoạt, chứ chung nhất, đó vẫn là những con người có chung một nguồn gốc. Trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số ở miền Nam vào ngày 19-4-1946, Bác Hồ đã nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường, Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”.

Sau những năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, lúc về lại núi rừng Tây Bắc, Bác đã sống với đồng bào các dân tộc như một người cha. Có nhiều mẩu chuyện kể về Bác trong thời kỳ này. Kỷ niệm sau đây mà một đồng bào dân tộc đã ghi lại có vẻ thật bình thường nhưng đã nói lên được tầm cao cả của một con người vĩ đại mà lại rất gần gũi, thân thương: “Ngay chiều hôm ấy, Ông Cụ vác máng đập lúa ra chỗ nguồn nước múc nước đầy, tắm cho trẻ nhỏ. Những đứa trẻ đứng trong máng đập lúa, vỗ tay ầm ĩ, nước bắn tung tóe vào người Ông Cụ. Ông Cụ rửa mặt, kỳ cọ cho từng đứa trẻ. Tắm cho chúng xong, Ông Cụ lại giặt áo quần cho lũ trẻ. Những cái áo cáu bẩn được giặt sạch. Ra về, Ông Cụ bế đứa nhỏ nhất. Những đứa trẻ được tắm sạch, thơm tho, môi chúm chím cười như hoa đào nở”.

Nước nhà được giải phóng một nửa (1954), đồng bào miền Nam tiếp tục đấu tranh với Mỹ - Diệm hướng về Bác Hồ như dõi theo ngôi sao rực sáng niềm tin:

Bác Hồ, Bác Hồ ơi
Đồng bào luôn nghe lời Bác dạy
Cố bắt con vắt cho sạch
Cố đuổi con cú cho bay
Cố bắt Mỹ - Diệm phải đền tội
Vì nhân dân muốn được sống tự do
Bác Hồ, Bác Hồ ơi
Mong Bác về rừng núi Tây Nguyên
Để nhân dân mang cồng chiêng đi đón Bác…

(Dân ca Xê Đăng)

Trong những năm tháng khó khăn của nhiệm vụ xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam, Bác không quên các dân tộc vùng cao, nơi nuôi dưỡng cách mạng trong thời kỳ gian khó. Trong lần về thăm và làm việc tại Tuyên Quang (tháng 3-1961), Bác đã căn dặn cán bộ: “…đời sống vật chất và văn hóa của đồng bào chưa được nâng cao mấy, đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao”…

Luôn nghĩ đến đồng bào các dân tộc anh em, trước khi đi xa, trong Di chúc, Người vẫn còn nhắc nhở, đồng bào miền núi “đã bao đời chịu đựng gian khổ” nhưng “luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

Có lẽ, không nên kể nhiều về các con số, vì chúng không thể nói hết được tình cảm của người dân Việt Nam đối với Bác. Có lẽ cũng không cần liệt kê nhiều công trình nghiên cứu về Bác. Có lẽ, còn cần phải có thêm thời gian để những thế hệ kế tiếp có đủ khoảng cách cần thiết cho sự nhận chân đầy đủ công sức và tầm vóc lớn lao của Người đối với đất nước này, dân tộc này. Và xa hơn, với nhiều bạn bè trên thế giới.

Trong khu bảo tàng, nhiều người dừng chân trước mô hình ngôi nhà Bác đã trú chân ở Pháp trong những năm tháng tìm đường cứu nước. Mô hình được xây dựng căn cứ vào phim ảnh, tư liệu mà theo lời nói khiêm tốn của cán bộ Bảo tàng, “không dám chắc là đúng hoàn toàn với ngôi nhà trên thực tế”. Có hề chi, điều ấy. Ngôi nhà thực ấy, giờ đây, nghe đâu do yêu cầu chỉnh trang đô thị, người Pháp đã tháo dỡ. Nhưng sẽ chẳng bao giờ trong trí nhớ của nhân dân Pháp phai nhạt hình ảnh người thanh niên yêu nước Việt Nam mang tên Nguyễn Ái Quốc. Trong khoa học tự nhiên, có một khái niệm về sự “càng xa lại càng gần”. Điều ấy, lạ thay, lại rất đúng, trong mối quan hệ kế tục giữa Bác và những thế hệ nối tiếp. Thực ra, chữ “lạ thay” chỉ là phép tu từ xuất hiện bất chợt, bởi vì vượt qua tất cả những gì mau chóng biến tan, Bác đã hòa vào với sự sống vĩnh cữu, vừa thiêng liêng nhưng cũng vừa gần gũi với con người.

Buổi chiều, ngoài bến cảng có tiếng còi tàu đục trầm. Buổi chiều, những người khách viếng Bảo tàng lặng lẽ trong các phòng trưng bày, lắng lòng nhớ lại... Lại thêm một mùa xuân, lại thêm một lần kỷ niệm ngày sinh của Bác. Và lại thêm một năm nữa, dáng hình đất nước được vẽ lên bằng những màu sắc mới sáng tươi của ước mơ ai cũng có đủ cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Điều ấy, ước mơ ấy, Bác đã thấy và đã tin. Lúc đặt chân lên những con sóng đầu tiên khi rời khỏi nơi đây, ngày ấy, cảng Nhà Rồng.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

(Trích  từ bản thảo “Bác Hồ trong trái tim Văn Nghệ sĩ Đà Nẵng”, NXB Đà Nẵng đang biên soạn)

;
.
.
.
.
.