.

Tìm chuẩn đầu ra

Khi các trường trên toàn quốc thực hiện Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2007, một vấn đề bức thiết đặt ra là cần phải quy định “chuẩn đầu ra” cho sinh viên (SV). Đây là hệ thống tiêu chí mà SV cần đạt được để họ có thể tiếp cận với đời sống kinh tế-xã hội nói chung và thị trường lao động nói riêng ngày càng đa dạng và đòi hỏi cao hơn, không chỉ về trình độ lao động và ý thức, đạo đức mà cả các kỹ năng cần thiết trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ.

Việc xây dựng chuẩn đầu ra vì thế có một ý nghĩa quan trọng. Theo quy định chung, quá trình đào tạo cần được thiết kế theo một hệ thống khoa học để SV đạt được những điểm số cần thiết trong hệ thống “chuẩn đầu ra”. “Chuẩn” này được xây dựng trên nền tảng 4 tiêu chí tổng quát là: Đạo đức, tác phong; trình độ chuyên môn; kỹ năng sống, hội nhập; năng lực tư duy và tiềm năng phát triển. “Chuẩn” là như thế, tùy điều kiện và tính chất của mình, mỗi trường xây dựng một hệ thống chuẩn mực riêng, thích ứng với nhà trường và theo ngành nghề đào tạo.

Theo “chuẩn đầu ra” mà ĐH Đà Nẵng công bố và áp dụng từ năm 2010, thì các nhóm này được chia thành 9 nhóm tiêu chuẩn là: Đạo đức; trình độ tư duy; năng lực chuyên môn; khả năng làm việc theo nhóm; năng lực chỉ huy, lãnh đạo; khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ; khả năng ứng xử; tự học tập nghiên cứu phát triển; tổ chức cuộc sống và thích nghi với môi trường công tác. Hệ thống tính điểm được ưu tiên cho nhóm trình độ chuyên môn với 40 điểm; đạo đức, tác phong: 30 điểm...

Mặc dù “chuẩn đầu ra” được xây dựng như thế, nhưng tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi trường nên cách thực hiện và kết quả cũng rất khác nhau, có lúc nảy sinh những tiêu cực đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Trước hết, đó là việc tính điểm cho các tiêu chí mang tính trừu tượng như: Đạo đức, tác phong, tư tưởng, lập trường chính trị... Đây là những vấn đề rất khó xác định do phụ thuộc nhiều vào cảm tính của người đánh giá và mối quan hệ cá nhân trong quá trình đánh giá. Bên cạnh đó, cùng với trình độ chuyên môn, chuyên ngành thì 2 tiêu chí quan trọng trong quá trình học tập cũng như lao động của SV sau khi ra trường, chính là trình độ tin học và ngoại ngữ. Mỗi trường, mỗi ngành có một quy định về văn bằng, chứng chỉ riêng cho 2 môn học này nên đã phát sinh những vấn đề phức tạp. Có tình trạng một số trường hoặc cán bộ, giảng viên lạm dụng việc này để tổ chức đào tạo, thi lấy chứng chỉ không hợp pháp, không đạt tiêu chuẩn... để mưu lợi cho tổ chức, cá nhân mà không quan tâm đến hiệu quả, chất lượng của việc sử dụng trong thực tế của SV. Để giải quyết tình trạng này, trong điều kiện của mình, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đã quy định chuẩn ngoại ngữ với yêu cầu trình độ tiếng Anh tối thiểu của SV tốt nghiệp từ A2 đến B1 theo khung năng lực châu Âu; mà cụ thể 2 trường: ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế áp dụng chuẩn này với kiến thức ngoại ngữ tương đương TOEIC 400-450 và am hiểu kiến thức tiếng Anh chuyên ngành...

Từ thực tế này, đặt ra vấn đề là cần phải xây dựng một hệ thống đánh giá các “chuẩn đầu ra” của các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc; ít nhất là ở những lĩnh vực nhất định mang tầm quốc gia hoặc quốc tế để tạo sự thống nhất và hạn chế những tiêu cực; cần tạo ra cơ chế đánh giá thống nhất ở các lĩnh vực mang cảm tính để tạo sự công bằng, minh bạch trong đánh giá SV... Những “chuẩn” này vừa mang tính phổ quát, có thể mang tính quốc tế như ngoại ngữ, tin học..., nhưng có thể mang tính quốc gia như đạo đức, lý tưởng... cũng như mang tính cụ thể như các tiêu chuẩn về ngành nghề đào tạo... Ở mỗi cấp bậc, lĩnh vực, có những hệ thống tiêu chuẩn và tổ chức đánh giá độc lập, có uy tín và mang giá trị chung; chứ không nên quá phụ thuộc vào quy định “chuẩn” của mỗi trường đặt ra và tự đánh giá.

Có như vậy, việc đào tạo mới đi theo một “chuẩn” nhất định, vừa gắn với mục tiêu đào tạo chung, vừa khẳng định được thương hiệu của từng cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục cả nước; từ đó tạo động lực cho việc xây dựng một hệ thống đào tạo đại học và cao đẳng đạt chất lượng, hiệu quả thực sự, đáp ứng quá trình phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ của nước ta.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.