1. Trước thời gian tập kết ít lâu, mẹ và năm chị em tôi ở Quế Sơn. Cha tôi biền biệt không tin tức. Dễ hiểu, cha tôi lúc đó đang hết nhiệm vụ này tới nhiệm vụ khác. Cậu tôi, một đại đội trưởng lục quân ghé qua nhà, đưa cho mẹ tôi một ít tiền và bảo phải vào Quy Nhơn: “Chị đủ tiêu chuẩn tập kết, phải vào trước chứ đợi khi có lệnh mấy mẹ con lít nhít bồng bế nhau sao kịp!”.
Nói gì thì nói, nội tôi nhất quyết không đi. Cha tôi là con một, thoát ly sớm. Bà nội tôi chết trẻ, ngay sau ngày cha tôi bị di lý ra nhà lao Hỏa lò. Giờ dâu cháu cách mặt, một mình vò võ, nhìn ánh mắt ông nội rười rượi, tôi cảm một nỗi buồn vô hạn. Sau này nghe nói kể từ ngày mẹ bồng bế chúng tôi đi, và cha tôi cũng ra Bắc không kịp về nói lời từ biệt, nội suốt ngày uống rượu, lâm bệnh và mất ở Hội An…
Mẹ tôi trích ra một phần tiền cậu tôi cho thuê người. Chị cả mười một tuổi và tôi sáu tuổi phải tự đi. Hai đứa em tôi, đứa thứ ba và đứa thứ tư ngồi trên hai đầu thúng do người làm thuê gánh. Mẹ tôi bồng đứa thứ năm vừa sinh. Và cứ thế, ngày đi đêm nghỉ cho đến tận Bồng Sơn, gặp cậu tôi là nhà văn Nguyễn Thành Long. Cậu Long tìm nhà, đâu gần ga Bồng Sơn bây giờ. Lại cho tiền để mẹ tôi buôn bán linh tinh, lấy hàng sỉ dưới Bồng Sơn về bán lẻ đắp đổi qua ngày…
Sáu tuổi và trên dưới ba trăm cây số đi bộ! Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy sợ. Những lúc mệt quá, tôi vừa đi vừa khóc và nằm lăn ra đường, không chịu bước tiếp. Mẹ tôi mắng, rồi đánh rồi dỗ dành nhưng càng ngày tôi càng ương bướng, nhất quyết đòi nghỉ! Cho đến một hôm, mẹ tôi bảo ráng đi ra Bắc gặp Bác Hồ!
Chưa hề gặp Bác, chưa nhìn thấy ảnh Bác, chưa biết sự nghiệp của Bác nhưng chỉ cần nghe tên Bác những đứa trẻ chúng tôi bỗng chốc thay đổi như có phép mầu. Một nguồn sinh lực không biết từ đâu tràn đầy cơ thể, xua tan mỏi mệt. Thậm chí khi mẹ bảo nghỉ, hai chị em tôi vẫn nằng nặc đòi đi. Đây là một hiện tượng lạ kỳ, chỉ có ở một con người.Và con người đó là Bác Hồ! Sau này mẹ tôi bảo nhờ có Bác phù hộ độ trì!...
2. Đâu chừng dăm bảy tháng, cuối năm 1954 mẹ dắt díu chúng tôi vô Quy Nhơn lên tàu há mồm tập kết ra Bắc. Tàu cập Sầm Sơn, chị tôi về Sơn Tây, mẹ tôi và mấy đứa em về Nam Định, tôi ở lại Thanh Hóa. Một thời gian sau thì chị cả tôi và tôi về Hải Phòng, học ở trường miền Nam. Khi tôi hết lớp hai cha tôi xin tôi về Hà Nội. Thời gian này cha tôi đã thôi công tác ở Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và về Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Thế là cả gia đình đoàn tụ, trừ chị cả tôi vẫn ở Hải Phòng.
Trường Nghệ thuật sân khấu đóng ở Khu văn công Cầu Giấy. Trong khuôn viên của Khu văn công còn có đoàn Ca múa dân tộc, Dàn nhạc giao hưởng, Trường múa, đoàn Dân ca khu Năm, đoàn Xiếc. Trường Nghệ thuật sân khấu bên cạnh các khoa sân khấu dân tộc tuồng, chèo, cải lương còn có cả khoa kịch nói. Tôi học ở trường Dịch Vọng gần nhà. Một buổi đi học, một buổi… xem văn công! Chán tuồng thì nhảy qua cải lương, không thích kịch thì xem chèo, hoặc nghe nhạc hay xem múa ba-lê… Chính những ngày xem các diễn viên tập, nghe các đạo diễn phân tích chỉ dẫn, nhìn các nghệ sĩ bậc thầy thị phạm… đã cho tôi những kiến thức ban đầu về sân khấu, đã gieo tình yêu chèo, tuồng trong tôi. Không phải đứa trẻ con nào cũng may mắn sống trong một môi trường đầy ắp không khí nghệ thuật như thế. Nhưng còn một may mắn khác…
Một bữa mấy đứa con nít chúng tôi đang múc nước ở bể tắm thì bỗng nghe tiếng la lớn “Bác Hồ… Bác Hồ…”. Vừa nghe hai tiếng “Bác Hồ” tôi đã cắm đầu cắm cổ chạy, trên người chỉ độc chiếc quần đùi ướt sũng nước. Đến nơi - nếu tôi nhớ không nhầm thì Bác đứng ngay trên bậc thềm nhà của các nghệ sĩ cải lương Ba Du, Ba Bằng, phía trước rất đông người cũng đã nhanh nhẹn tập trung. Bác ra hiệu im lặng và nói đại ý Bác vừa đi thăm nhà ăn, thấy rất mất vệ sinh, xương cá, cơm vãi rau rơi khắp nền nhà. Rằng các cô các chú làm công tác văn hóa phải gương mẫu, phải giữ gìn nếp sống văn hóa thì mọi người mới noi theo. Rồi Bác hỏi các cháu có đồng ý dọn vệ sinh không? Lúc nào làm? Dĩ nhiên cả trăm người chỉ một câu trả lời đồng ý nhưng có ai đó đề xuất chủ nhật sẽ làm. Bác cười, bảo “Việc hôm nay chớ để ngày mai”… Bác về, chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ, nhà ăn đã sạch…
Và lại may…
Hôm đó chúng tôi đang ở trần quần nhau với trái bóng thì lại nghe tiếng hô “Bác Hồ… Bác Hồ…”. Lập tức chúng tôi phóng về phía tiếng kêu. Ra đến cổng nhìn thấy hai chiếc xe Volga đang đậu và một đám đông trong hội trường của trường múa. Tôi nhanh nhẹn chui vào hội trường, len qua các cô các chú các bác đến đứng thật gần Bác. Bác với bộ quần áo nâu thường thấy, với chòm râu, với đôi mắt sáng, với vầng trán cao… tâm trí tôi dồn hết vào hình ảnh trước mặt mình. Sức lực tôi dồn hết vào đôi mắt, say sưa ngắm chòm râu, đôi mắt, vầng trán, nụ cười… Thật lòng tôi không biết Bác nói gì trừ đoạn cuối. Ấy là khi Bác bảo cho Bác về nhưng không ai chịu, cứ vòng tròn quanh Bác. Bác hỏi các cô các chú có phải là cán bộ không? Cán bộ thì phải chấp hành kỷ luật, Bác ra lệnh các cháu phải nghe lời, đúng không? - “Dạ thưa Bác đúng ạ!”, tất cả mọi người đồng thanh hô vang và đứng dạt sang hai bên…
Cả hai lần Bác đến thăm khu văn công mà tôi vừa kể, đều không báo trước. Không lễ nghi, không hoa, không cờ, không biểu ngữ. Cha về thăm các con lẽ nào cần đến các nghi thức?
3. Đã không biết bao nhiêu bài viết ca ngợi Bác Hồ. Sẽ không biết bao nhiêu bài viết về Bác Hồ. Đứa trẻ tôi ngày còn vụng dại qua hai lần may mắn được gặp Bác gọi Bác là Bác Hồ. Và trọn đời tôi cũng chỉ một danh xưng như thế với Bác. “Bác Hồ” - chừng ấy là trọn vẹn tình yêu thương của Bác dành cho mọi người cũng như của mọi người dành cho Bác…
HOÀNG TRỌNG DŨNG